Một buổi sáng mùa xuân, khi con lên 6 tuổi, mẹ nói rằng mẹ sẽ vào TP HCM kiếm việc, hai chị em ở nhà với bà nội ngoan rồi mẹ sẽ gửi quà về. Mẹ lên chiếc xe đường dài chạy Bắc - Nam, đưa mẹ tới vùng đất cách nhà đằng đẵng gần 2.000 cây số.
Mẹ bắt đầu công việc đầu tiên là đi thu mua đồng nát, ve chai ở những xóm nghèo ven quận 12. Những ngày đầu, mẹ được một cô cùng làng kèm cho đi cùng đặng quen đường. Sau này, thông thuộc hơn, mẹ mới có thể đi một mình. Với chiếc xe đạp cà tàng, mẹ đi khắp ngõ cùng hẻm tận với lòng tin rằng chỉ cần chăm chỉ, nhất định sẽ sống được ở thành phố này.
Những vai áo sờn của biết bao người cha, người mẹ rời quê vào TP HCM lam lũ mưu sinh để nuôi các con học hành, thành người có ích cho xã hội .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Mẹ kể về những ân tình. Có những ngày nắng nôi quá, được nghỉ dưới những tán cây râm mát trước cửa nhà ai đó, chủ nhà còn mang cả nước mát ra mời. Một ngày mẹ mua được nhiều giấy vụn, đang chở về vựa bán thì cơn mưa ập tới. Gió mạnh ngược chiều khiến xe đạp và mẹ cùng đổ giữa đường. Những người đi đường, giữa trời mưa, vẫn dừng xe lại, đỡ phụ mẹ đứng lên, dắt chiếc xe vào mái hiên ven đường, đưa cho mẹ tấm áo mưa của họ.
Tháng 5, mẹ được gọi ghé vào nhà nọ mua đồ. Họ bán cả một bộ sách giáo khoa lớp 5 gần như mới "thằng út nhà tui mới học xong". Thấy mắt mẹ sáng lên, cô chủ nhà hỏi thăm. Biết là con gái của mẹ năm nay sẽ vào lớp 5, cần bộ sách giáo khoa này nên cô ấy xởi lởi "bộ sách này tui tặng bé nhà chị luôn, không bán nghen. Năm sau chị lại là thằng út sẽ học xong lớp 6, tui đưa chị bộ sách đó".
Mẹ cảm ơn rối rít. Rồi cuối tháng, có người quen về quê, mẹ nhờ cầm bộ sách về quê cho con. Rất nhiều năm tháng sau này, đã thành thông lệ, mỗi khi mua được sách cũ, mẹ đều gom góp, vuốt cho phẳng phiu từng góc sách để gửi về làm quà cho các con.
Con đã hào hứng đọc những quyển sách mẹ gửi. Một chút ân tình của người TP HCM năm đó cũng là một cơ duyên để con được tiếp xúc với những tác phẩm văn chương từ sớm. Con yêu những tác phẩm thật đẹp đó, để sau này con chọn trở thành một cô giáo dạy văn.
Hơn chục năm trời mẹ lam lũ ở TP HCM và cũng đã quen với tâm tính xởi lởi, cách sống nghĩa tình của người dân nơi đây. Qua những câu chuyện của mẹ, con hiểu và yêu mến hơn về mảnh đất mẹ mưu sinh. Những lời rao đồng nát của mẹ chỉ ngưng lại khi con bắt đầu vào đại học. Khi đó, mẹ lại trở về quê, đến lượt con vào Nam.
23 tuổi, một tay cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học, một tay con kéo vali vào TP HCM. Con tìm được một ngôi trường đúng như mong muốn nên chẳng ngại ngần đi xa thử sức. Ngày trước mẹ ngồi xe đò 2 ngày, giờ đây con chỉ mất 2 giờ bay là tới thành phố mang tên Bác. Đêm đầu tiên xa nhà, xa cả những điều thân thuộc, con gọi về cho mẹ, muốn khóc òa lên như đứa trẻ. Mẹ bảo rằng TP HCM dễ sống, con đừng lo. Con lau vội nước mắt. 17 năm về trước, khi đặt chân tới thành phố này, mẹ có nhớ quê nhiều không?
TP HCM của con là những lần sống mũi cay cay. Khi mới vô, còn đang xoay xở tìm chỗ ở. Chị đồng nghiệp biết chuyện, liền kêu "em về ở với ba mẹ con chị, khỏi phải tìm nhà" và "không có tiền cũng chẳng phải lo, chị nuôi em như em gái". Có bữa, con sốt nặng phải nằm trong bệnh viện, chẳng có người thân ở cạnh nên các bạn thay nhau ra vào chăm sóc.
Người bạn dân TP HCM đã kiên trì chạy xe tìm hết cả khu quận 2 để mua cho "người bệnh" được bát canh gà hầm ngải cứu vị Bắc đỡ thèm. Người bạn khác cách xa tới 10 km, sáng đi làm, tối lại vô bệnh viện vì "Ngân ở đây một mình, không có người trông nom, tui không yên tâm".
Buổi chiều truyền nước mệt quá, ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy, con còn thấy có một cà-mèn cháo thịt nóng hổi của một chị phụ huynh nào đó chạy qua gửi cô giáo, kèm cái giấy nhắn mong cô chóng khỏe để về với các học trò. Đời con, chẳng thể ngờ sẽ nhận được nhiều ân tình ở một mảnh đất xa xôi. Vậy mà những điều này lại có thật giữa TP HCM phồn hoa đô hội.
Thành phố này của con là thành phố của những con người tử tế. Đó là sự tận tụy khiêm nhường của một bà xơ già ở góc nhỏ quận 8, bao năm nay tới từng ngôi nhà tạm của dân ngụ cư để đưa từng em bé đến trung tâm học bổ trợ kiến thức miễn phí, ráng mang con chữ tới đời các em. Đó là sự bền bỉ của chàng trai 10 năm đi quyên góp sách cũ để gửi xây dựng thư viện dành cho cộng đồng ở các buôn làng xa.
Đó còn là câu chuyện của một cô gái trẻ đồng hành với những người khuyết tật, xây dựng một doanh nghiệp xã hội ngành may mặc. Còn rất nhiều những con người tử tế khác mà con chẳng thể kể hết tên. Rất nhiều những con người thầm lặng góp sức để dựng xây TP HCM đầy yêu thương, tình nghĩa.
TP HCM quả là một vùng đất lạ kỳ phải không mẹ: chật chội thật đấy nhưng lại thênh thang tình người; nhộn nhịp thật đấy nhưng vẫn có những con người lặng lẽ làm nên nghĩa tình; năng động thật đấy mà vẫn giữ trong mình những trầm tích và những câu chuyện theo chiều dài lịch sử. TP HCM của mẹ, TP HCM của con, dẫu cho có những cách biệt thời gian nhưng sự tử tế, hào sảng của những con người phương Nam thì bao mùa vẫn vậy. Cảm ơn TP HCM đã luôn bao dung với mẹ, với con và với tất cả những ai từng đến và đi ở đất này.
Còn 4 ngày sẽ hết hạn gửi bài dự thi Thơ và Tạp bút
Chỉ còn 4 ngày nữa (ngày 15-7), cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" sẽ kết thúc nhận bài dự thi.
Cuộc thi đã bắt đầu từ ngày 10-4, thu hút đông đảo bạn đọc tham gia và Ban Tổ chức đã chọn đăng các bài đạt chất lượng trên báo in Người Lao Động số ra chủ nhật và trên Người Lao Động Online.
Mỗi thể loại dự thi có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)