Từ một môi trường sôi động với 32 nhóm hài của thời sân khấu tấu hài hưng thịnh, sau đó đến các sân khấu hài kịch ra đời, rồi co cụm lại với hình thức kịch cà phê, đến nay TP HCM đang rất hiếm sân khấu chuyên diễn hài. Kịch bản hay quá ít ỏi, còn nghệ sĩ hài thì chọn cách sống với công nghệ, mạnh ai nấy làm hài trên YouTube, Tik Tok, Bigo… Hài kịch sẽ đi về đâu nếu không có sự lột xác?
Một vài tín hiệu vui
Nhóm "Sài Gòn tếu" tuần qua đã có một buổi diễn tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, tuy chỉ với 40 khán giả nhưng đã tạo hiệu ứng tích cực khi tạo được tiếng cười chạm đến những vấn đề bạn trẻ quan tâm. Đây là nhóm hài nổi lên trong thời gian TP HCM giãn cách xã hội nhờ tận dụng được giải pháp biểu diễn trực tuyến và sử dụng các phương tiện quảng bá trên nền tảng số để tạo hiệu ứng tích cực với khán giả trẻ. Lối diễn, cách kể chuyện của "Sài Gòn tếu" bám chặt ý nghĩa "Tiếng cười là một trong những phương cách để nhân loại giã từ quá khứ", đồng thời nhận thức trách nhiệm góp phần làm cho cuộc sống cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.
Trên YouTube, các nghệ sĩ như: Hồng Vân, Hoàng Sơn, Vũ Văn Long ("Long đẹp trai")… cũng có sự chuyển biến tích cực khi làm mới từ nội dung hài Web Drama đến hình thức dàn dựng, để các câu chuyện như: "Trời ơi, tức muốn chết" (Hồng Vân), "Ngôi nhà teen ám", "Một ngày ăn trộm" ("Long đẹp trai"), "Cười với Hoàng Sơn" (Hoàng Sơn)… tạo được tiếng cười thú vị và ý nghĩa.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét sau nhiều góp ý của truyền thông, kể cả khán giả có chiều hướng chuyển kênh không xem… nghệ sĩ hài đã có cách nhìn lại mình để thay đổi. "Xét trên phương diện triết học và mỹ học, hài là nghệ thuật của trí tuệ, do vậy, sự nhảm nhí, rẻ tiền cứ ở các game show sẽ không thể tồn tại lâu. Chính sự chọc cười sống sượng, cũ kỹ và chiêu trò đã khiến người xem hết tin vào các chương trình hài kịch. Muốn tồn tại, các nghệ sĩ hài và nhà sản xuất hài kịch phải "lột xác", phải thay đổi tư duy" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh.
Nhóm “Sài Gòn tếu” thời gian qua đã tạo được tiếng cười thú vị qua những show diễn khai thác nền tảng số Ảnh: SÀI GÒN TẾU
Bà đặt niềm tin vào chương trình "Hài kịch tối thứ năm" của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, nơi đã dàn dựng các chùm kịch hài ngắn, tạo được sự thích thú với khán giả thích được cười và suy ngẫm. "Tiếc là do dịch bệnh nên chương trình này đã phải "ngủ đông". Nhưng cách làm thì tôi cho là hiệu quả, bởi nó mang hơi hướng của chương trình "Tuổi Trẻ cười sống" một thời. Triển khai từ các bài báo châm biếm, để đưa lên sân khấu tiếng cười chọc đúng chỗ ngứa về tham nhũng, quan liêu mà khán giả đều quan tâm" - bà khen ngợi Sân khấu nhỏ "5B". Đồng thời, khẳng định nếu tích cực chọn giải pháp thay đổi bằng tín hiệu mới qua những câu chuyện hài mang thông điệp thay đổi diện mạo cuộc sống bằng tiếng cười thì sân khấu hài kịch sẽ có lối thoát.
Tạo bộ quy tắc ứng xử trong cách làm nghề
Theo NSND Việt Anh, trước khi hài kịch phương Tây du nhập, nước ta đã có hề chèo, hề tuồng, hài cải lương. "Hài là một nghệ thuật gây cười và đã tồn tại từ thời ông cha chúng ta muốn dùng tiếng cười đả phá những tiêu cực, đập bỏ những cái xấu, cái hư để xây dựng mới trong tinh thần phê bình hết sức có trách nhiệm. TP HCM trải qua nhiều mất mát sau cơn đại dịch, người dân thành phố cần sự xoa dịu bằng tiếng cười mang ý nghĩa lạc quan, cảm thông và chia sẻ. Vì thế nhạo báng, tiêu cực hóa, dùng hình thể diêm dúa để tạo tiếng cười trong lúc này là… tự sát" - NSND Việt Anh nói.
Để hạn chế những kém cỏi từ khâu kịch bản, các nhà chuyên môn đã ủng hộ cách làm mới của những nhân tố tích cực. NSƯT đạo diễn Ca Lê Hồng cho rằng từ kịch cà phê đến độc thoại hài như cách làm của "Sài Gòn tếu" đã đưa thời sự vào sân khấu rất ngọt. "Sau một thời gian lẽo đẽo chạy theo sau thời sự, phản ánh cái người xem đã biết qua báo chí, truyền hình thì hài kịch đã có một vài tín hiệu tích cực trên các nền tảng số, để đối thoại, phản biện với những vấn đề công chúng quan tâm. Tôi cho đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, tiếng cười trào phúng đang ít đi, còn những hành vi rẻ tiền, câu khách nếu không mạnh dạn gạt bỏ sẽ trở nên phổ biến khi diễn viên hài mắc một cái bệnh chung là "không kiềm chế được chính mình" - NSƯT Ca Lê Hồng phân tích.
Bà nhận xét chính các game show, các chương trình hẹn hò nhau trên truyền hình đã giết chết hài kịch. Thời của những chuyện đời tư, phòng ngủ được đưa ra đùa bỡn. Nhất là truyền hình thực tế với format đặc sệt nước ngoài đang biến nhiều nghệ sĩ hài thành người chọc cười "tự nhiên chủ nghĩa".
Theo các nhà chuyên môn, thực trạng diễn viên hài thích gì nói ấy, thích làm gì trên mạng xã hội thì cứ làm, mặc kệ hàng triệu khán giả đang theo dõi là biểu hiện của sự kém cỏi về nghề và đạo đức. NSND Trần Minh Ngọc nói: "Tháo gỡ cách chọc cười chính là nói không với kiểu diễn hài nhanh như chảo chớp, với lối buông tuồng, phóng túng, không cần kịch bản, không cần nội dung. Trước đây, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM và Hội Sân khấu TP HCM đã từng tổ chức các đợt tập huấn tiếng cười sân khấu cho 32 nhóm hài tại TP HCM. Cách làm đó cần được áp dụng ngay thời điểm này, để tạo một bộ quy tắc ứng xử trong cách làm nghề của diễn viên hài".
Bình luận (0)