Ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM (người thứ ba từ phải sang), trao cờ lưu niệm cho các đơn vị, cá nhân tham dự Liên hoan Nghệ thuật Múa TP HCM mở rộng lần 6-2020
Liên hoan nghệ thuật múa TP HCM mở rộng lần 6 - 2020 thu hút 19 đơn vị và 14 cá nhân tham gia với 55 tiết mục múa với đủ thể loại: múa dân gian, múa duy ứng, múa đương đại, múa ballet.
Tiết mục: "Đoạn" - âm nhạc: Bùi Trường Giang, biên đạo và biểu diễn: Lâm Thế Vinh, Trần Đức Hồng Duyên - Vũ đoàn Phương Việt
Đêm khai mạc với nhiều tiết mục làm say đắm lòng người, tạo một hấp lực sinh động về bộ môn nghệ thuật chỉ bằng hình thể, âm nhạc, ánh sáng, đạo cụ mà nói lên biết bao điều suy gẫm về vẻ đẹp của cuộc sống.
Hội đồng giám khảo liên hoan lần 6 gồm: NSND Hà Thế Dũng - Chủ tịch hội đồng, các thành viên gồm: NSND Tô Nguyệt Nga, NS Ngô Thanh Phương, NS Nguyễn Vĩnh Hiển và NS Ngô Đặng Cường. NSND Hà Thế Dũng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, cho biết sau liên hoan, các tác phẩm dự thi đoạt giải cao, kể cả ở các liên hoan trước đây, sẽ tiếp tục được tạo điều kiện biểu diễn, quảng bá tới công chúng.
Múa: "Âm dương" - âm nhạc: Nguyễn Tiến Thành, biên đạo và biểu diễn: Nguyễn Thành Phát và Bùi Thị Huyền (đơn vị đoàn Văn công quân khu 7)
Các thành viên ban giám khảo không dàn dựng tác phẩm cho thí sinh dự thi. Thậm chí, dù chỉ làm cố vấn cho tiết mục cũng sẽ bị loại khỏi danh sách chấm thi. Điều này hướng đến một liên hoan sạch và đẹp của nghệ thuật múa tại TP HCM.
Tiết mục "Côn Đảo - tinh thần thép" của Vũ đoàn Việt Hải
Trong đêm khai mạc, 16 tiết mục của các đơn vị: Vũ đoàn Phương Việt, Trường Trung cấp Múa TP HCM, nhóm múa Mây, Công ty Fly Entertainment, Vũ đoàn Việt Hải, Phân hội Múa tỉnh An Giang, Đoàn văn công Quân khu 7, Vũ đoàn Bạch Dương,... đã thể hiện thật tốt tiết mục dự thi.
Tiết mục Mnham (dệt) của nhóm múa công ty Fly Entertainment
Nghệ sĩ Hoa Lan (con gái của soạn giả Nguyễn Huỳnh - "cha đẻ" của tác phẩm sân khấu cải lương "Tướng cướp Bạch Hải Đường"), tham gia tiết mục "Mầm ơi" của biên đạo múa Lưu Trọng Nghĩa, chia sẻ: "Các bạn diễn viên múa hiện nay rất tài giỏi, sáng tạo, để đưa nghệ thuật múa đến với đời sống đương đại. Liên hoan là một niềm tự hào dành cho đội ngũ kế thừa của nghệ thuật múa tại TP HCM đang ở độ tuổi chín mùi".
Tiết mục: "Dáng sen" của Vũ đoàn Phương Việt
Ngoài TP HCM, năm nay, nhiều đoàn địa phương như: Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa), Trường Năng khiếu nghệ thuật và TDTT Vĩnh Long, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Phân hội múa tỉnh An Giang,… tham dự. Đây sẽ là một "sân chơi" nghệ thuật truyền thống được tổ chức hai năm một lần, đã trở thành một thương hiệu uy tín của Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM.
Liên hoan có ba buổi thi trong hai ngày 24 và 25-11. Lễ tổng kết báo cáo, trao giải được tổ chức vào tối 26-11 tại Nhà hát Thành phố
Theo ban tổ chức, liên hoan dự kiến trao 5 giải A, 7 giải B, 9 giải C. Giải cá nhân có 3 giải A, 4 giải B, 5 giải C, 5 giấy khen. Tuy nhiên, theo ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM, ban tổ chức không nhất thiết phải đảm bảo trao đủ số lượng giải thưởng nếu thực tế chất lượng nghệ thuật các tác phẩm dự thi không đạt.
Tiết mục "Cánh hoa triêu Lý" của Vũ đoàn Việt Hải
Tiết mục "Sắc tình Tây Bắc" của Vũ đoàn Bạch Dương
"Mục tiêu và tiêu chí lớn nhất của Liên hoan là tạo mọi điều kiện để các nghệ sĩ thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật ở cả sáng tác, biên đạo và biểu diễn. Chính vì vậy, tôi kỳ vọng Liên hoan sẽ xuất hiện nhiều tác phẩm có những ý tưởng mới mẻ. Hội đồng nghệ thuật chấm giải dựa vào kết cấu tiết mục gồm: ngôn ngữ múa, hình thức bố cục sân khấu, giai điệu tiết tấu của âm nhạc, nghệ thuật tạo hình và trang phục của nghệ sĩ biểu diễn" – ông Lê Nguyên Hiều cho biết.
Nghệ sĩ Hoa Lan trong tiết mục "Mầm ơi" - âm nhạc: Đạt Kìm - biên đạo: Lưu Trọng Nghĩa.
Bình luận (0)