xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Đừng nói chúng ta không lợi quyền": Hành trình ký ức đau buồn

Huỳnh Trọng Khang

Thông qua "Đừng nói chúng ta không lợi quyền", Madeleine Thien đã tìm lại ký ức dân tộc bằng cách sống trong những thời khắc mà cô chưa từng trải qua, nếm trải nỗi đau cô chưa từng nếm trải

Nữ văn sĩ Madeleine Thien sinh năm 1974 tại Vancouver - Canada, cách xa khỏi cơn ác mộng đang diễn ra ở Trung Quốc bấy giờ mà sau này chúng ta quen gọi với cái tên Cách mạng Văn hóa, cuộc "cách mạng" đã để lại vết thương sâu nặng cho nhân dân Trung Hoa, có tác động sâu sắc đến văn học nghệ thuật đến mức gần như ngay sau khi nó kết thúc, đã hình thành một trào lưu được định danh là "văn học vết thương".

Bi kịch cá nhân trong bi kịch dân tộc

Có cha là người Malaysia gốc Hoa còn mẹ là người Hồng Kông, dường như dòng máu Trung Hoa chảy trong huyết quản của Thien đã gắn kết cô không chỉ với đại lục mà còn với phần lịch sử đau thương của lục địa Á châu xa xôi đó.

Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của cô: "Do not say we have nothing" (bản dịch tiếng Việt: "Đừng nói chúng ta không lợi quyền" (Phương Nam và NXB Hội Nhà văn, 2019), Madeleine Thien đã tái dựng một giai đoạn lịch sử Trung Hoa thông qua số phận một gia đình bình thường ở Bắc Kinh từ thời Cách mạng Văn hóa đến sự kiện Thiên An Môn.

Để bao quát được một giai đoạn trải dài đến thế, trong "Đừng nói chúng ta không lợi quyền", Madeleine Thien sử dụng một câu chuyện kép, mở đầu bằng thời điểm hiện tại ở Canada, khi lần đầu tiên, Marie khám phá Những Bản Ghi - di thảo của người cha, từ đó một cánh cửa được hé mở, phát lộ những bí mật chôn vùi nhưng không thể xóa nhòa và một lần nữa, như một cơ chế tái khởi động, nỗi đau lại hiện hữu, chứa đựng trong đó bi kịch của cá nhân nhỏ bé hòa vào đại bi kịch của cả một dân tộc.

 Đừng nói chúng ta không lợi quyền: Hành trình ký ức đau buồn  - Ảnh 1.

Bìa sách “Đừng nói chúng ta không lợi quyền” xuất bản tại Việt Nam

"Trong vòng một năm, cha bỏ chúng tôi hai lần. Lần đầu tiên là khi ông kết thúc cuộc hôn nhân, và lần thứ hai, là khi ông tự kết liễu mình". Tiểu thuyết "Đừng nói chúng ta không lợi quyền" đã khởi đầu như thế. Bằng cái chết của một người cha để lại khoảng trống trong lòng đứa con gái khi ấy mới lên mười tuổi. Không mang theo cũng chẳng để lại gì ngoài Những Bản Ghi. Thông qua những bản ghi đó, Marie dần dần giải mã quá khứ của cha mình đồng thời khám phá những đau thương ẩn giấu đằng sau cuộc đời của một gia đình. Có thể nói những bản ghi chính là chiếc chìa khóa, một biên niên sử ghi dấu một gia đình đã biến mất khỏi mặt đất này, nói như tờ Guardian chính là "một sự gợi nhắc lạ thường và hết sức cảm động về tấn bi kịch ở Trung Quốc vào thế kỷ XX…"

Dung hòa tính trữ tình với tính chính trị

Dòng "văn học vết thương" từ lâu không còn xa lạ với bạn đọc Việt Nam qua tác phẩm của Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn, Lý Nhuệ… đặc biệt là tiểu thuyết "Kinh thánh của một người" được viết bởi Cao Hành Kiện, nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương năm 2000. Vậy điều gì khiến cho cuốn tiểu thuyết của Madeleine Thien không sa đà vào giọng văn than trách tỉ tê, để làm nên khác biệt. Đấy là bởi Madeleine Thien đã khéo léo kết hợp giữa toán học và âm nhạc trên nền lịch sử dàn trải, quyện vào nhau trở thành một bản tổng phổ mà lịch sử trở thành trang giấy kẻ nhạc còn mỗi cá nhân được mã cốt thành một nốt trên bản nhạc ấy, để dung hòa được tính trữ tình với tính chính trị đậm nét trong tiểu thuyết.

Hơn thế nữa, do không trực tiếp nếm trải Cách mạng Văn hóa, lại sống ở hải ngoại, Madeleine Thien có độ lùi nhất định về thời gian cũng như địa lý để có thể quan sát được các dữ kiện lịch sử, bảo đảm trong dòng chảy tự sự của mình vẫn có chỗ cho những nhận định duy lý. "Đừng nói chúng ta không lợi quyền" khiến chúng ta tin vào sức mạnh của văn chương đủ khả năng dựng lại một công trình của ký ức cũng như xoa dịu những thương tổn tưởng khó lành lặn nhất.

Trung thành với lịch sử nhưng không để lịch sử làm gánh nặng, tác giả với lối kể chuyện từ tốn đã dần dần bóc tách lớp vỏ của quá khứ. Thông qua "Đừng nói chúng ta không lợi quyền", Madeleine Thien đã tìm lại ký ức dân tộc bằng cách sống trong những thời khắc mà cô chưa từng trải qua, nếm trải nỗi đau cô chưa từng nếm trải. Bằng tiểu thuyết này, nữ sĩ đã xác lập căn cước văn chương của mình. Cũng như nhân vật Marie đi tìm lại hồi ức về người cha đã mất, tác giả cũng đang lội ngược dòng để tìm về nguồn cội. 

Tin vào sức mạnh của những câu chuyện kể

Sống ở hải ngoại còn cho Madeleine Thien một lợi thế đó là viết mà không phải đứng trong "vùng cấm" để đủ sức đưa ngòi bút chạm đến cả sự kiện Thiên An Môn ở Trung Quốc. Năm 1989, cũng chính là năm cha của Marie tự sát, trên tivi là những sinh viên đang biểu tình. Cái chết của một cá nhân có liên hệ xa xôi với sự cáo chung của một phong trào, một ngòi thuốc nổ đang bị dập tắt bằng bạo lực.

Đối với độc giả Việt Nam vốn đã quen đọc tên các nhân vật trong văn học Trung Quốc bằng âm Hán - Việt, thì sự bất nhất trong cách phiên âm của bản dịch có thể khiến chúng ta khó chịu. Tuy nhiên, Madeleine Thien - một tác giả sinh ra ở Canada viết một câu chuyện Trung Hoa bằng ngôn ngữ Anh vẫn khiến ta tin vào sức mạnh của những câu chuyện kể.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo