Điều hấp dẫn nhất của nghệ thuật hát bội (còn gọi là tuồng) chính là mặt nạ biểu hiện tính cách các nhân vật. Với nghệ nhân lành nghề, mỗi gương mặt nhân vật là một tác phẩm mà họ dồn hết tâm huyết để sáng tạo qua mỗi suất hát. Ngày nay, hát bội hiếm dần suất diễn, càng đi sâu vào thế giới hậu trường của nghệ nhân vẽ mặt tuồng càng thấy chạnh lòng.
Bám nghề trong gian khó
Tìm đến nhà của nghệ nhân Trường Quang ở đình Cầu Quan (quận 1, TP HCM), nơi xưa kia là sân khấu biểu diễn của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ - Khánh Hồng. Ông là nghệ nhân hiếm hoi chuyên vẽ mặt tuồng cho các nghệ sĩ hát bội, cải lương tuồng cổ tại TP HCM; xông pha khắp nơi, từ sàn diễn cho đến phim trường điện ảnh, cải lương video, cải lương truyền hình, phim truyền hình… Nơi nào cần hóa trang nhân vật hát bội đều phải nhờ đến bàn tay khéo léo của ông.
Nghệ nhân Trường Quang vẽ mặt tuồng cho diễn viên trẻ CLB Sân khấu Lạc Long Quân
Từ hai năm qua, căn bệnh thấp khớp khiến ông không thể đi xa, đồng thời sô diễn cũng ít dần. Đời sống khó khăn nhưng ông vẫn bám trụ.
"Tôi học nghề từ thầy, nghệ sĩ Minh Tơ. Ông ấy là người sản sinh ra đồng ấu Minh Tơ, làm nên tên tuổi cho những con em nghệ sĩ và con cháu trong gia tộc như: Thanh Tòng, Bo Bo Hoàng, Xuân Yến, Trường Sơn, Thanh Long, Bửu Truyện, Ngọc Đáng, Thanh Thế, Thanh Sơn… Nghề này càng học càng say mê, cho đến bây giờ tôi vẫn còn học để tồn tại với nghề" - nghệ nhân Trường Quang nói.
Sự ham học của ông được thể hiện bằng ý chí của một chàng thiếu niên, lúc đó mới 13 tuổi, sống trong con hẻm dẫn vào đình Cầu Quan, trong khi những đứa trẻ là con em nghệ sĩ đều mong muốn lớn lên làm nghề diễn viên thì ông lại thích học vẽ. "Học vẽ mặt tuồng ở thầy Minh Tơ là mình không được phép ngồi xem trực tiếp mà chờ thầy vẽ xong nửa mặt, mình vẽ nửa mặt còn lại cho đến khi hoàn thành. Cứ thế tôi vào nghề" - nghệ sĩ Trường Quang kể.
Nghệ nhân Tuấn Tú gắn bó với Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long khá lâu, ngoài vẽ mặt tuồng, ông còn chế tác mũ mão, gắn râu cho các nhân vật đúng tính cách gương mặt tuồng mà ông vẽ.
Còn nghệ nhân Trường Lộc là học trò của nghệ nhân Trường Quang đang từng bước nối nghiệp thầy.
Nghệ nhân Hồ Hữu Có tại Quảng Nam cũng vậy, ông say mê nghề, chịu khó nghiên cứu, dù cực nhọc vẫn chung thủy, đến nay đã gần 70 tuổi vẫn bám nghề.
Nghệ nhân Hồ Hữu Có vẽ mặt tuồng cho diễn viên
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Linh, con trai cố NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), sống ở "phố nghệ sĩ" (đường Tô Hiến Thành, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), cho rằng dù đời cơ cực nhưng có cái nghề đáng tự hào nên ông cứ đeo bám.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Linh với bộ mặt nạ tuồng được vẽ trên khuôn thạch cao
"Nghề này cực nhọc lắm, từ khi sàn diễn yên ắng, tôi chuyển sang vẽ mặt nạ trên thạch cao để bán, qua đó có thu nhập, đồng thời còn dạy thêm cho giới trẻ hiểu về nghề tuồng. Cực lắm nhưng vẫn bám nghề" - nghệ nhân Nguyễn Ngọc Linh bày tỏ.
Tư chất nghệ sĩ
Hát bội có một số hình mẫu hóa trang thành các loại mặt: mặt đen (tính cách ngay thẳng, trung thực như Bao Công), mặt đỏ (nhân vật trí dũng, chững chạc như Quan Công), mặt tròng xéo xanh (tính cách trung trực, vũ dũng, nóng tính như Khương Linh Tá), mặt tròng xéo đỏ (nhân vật trung thần như Hoàng Phi Hổ), mặt tròng xéo xám (nhân vật nịnh như Võ Tam Tư), mặt lưỡi cày (người đoản hậu, hèn nhát như Mao Ất)… Thế nhưng, qua cách suy nghĩ của nghệ nhân Hồ Hữu Có, ông sáng tạo mới để nhân vật lịch sử Việt Nam qua nét cọ trên từng gương mặt nghệ sĩ tuồng đi vào đời sống sàn diễn, nêu cao tinh thần ái quốc.
Ông phân tích: "Học từ căn bản các thầy, tôi chế biến cách vẽ theo suy nghĩ của mình. Hát bội và cải lương tuồng cổ Việt không quá lòe loẹt trong cách phối màu. Các nhân vật đều phải vẽ đôi mắt đủ độ thần sắc".
Theo nghệ nhân Tuấn Tú, mỗi mặt nạ tuồng khi được vẽ đều phải thể hiện rõ tính cách điển hình, tính cách ấy theo nhân vật đồng hành xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn.
Với nghệ nhân Trường Quang, các nhân vật mặt trắng pha hồng "phe trung" như: Địch Thanh, Tiết Nhơn Quý, Hứa Hớn Văn, thì cũng có mặt trắng "phe nịnh" như Lữ Bố, Lý Thông; có vai mặt "rằn trung" như Lưu Khánh, Trương Phi, thì cũng có mặt "rằn nịnh" như Tạ Ôn Đình, Xích Bảo... "Thầy tôi dạy rất kỹ, phân tích thấu đáo để thấy riêng trong hóa trang mặt tuồng, phạm trù cái đẹp trong mỹ học dân tộc rất phong phú" - nghệ nhân Trường Quang phân tích.
Riêng nghệ nhân Nguyễn Ngọc Linh chuyên tâm nghiên cứu về mặt nạ tuồng. Ông đã có công trình tương đối đầy đủ về lý luận và thống kê 82 mẫu mặt các nhân vật tuồng, các quy ước cơ bản của mặt nạ: Mặt chữ điền là người chính trực, mặt lưỡi cày là kẻ đoản hậu…
Các nghệ nhân vẽ mặt tuồng có cùng suy nghĩ, họ bám nghề không chỉ mưu sinh mà muốn góp phần lưu giữ lại giá trị tinh hoa của nghệ thuật vẽ mặt tuồng.
"Có một số em ban đầu thích thú nhưng rồi thấy tiền đồ nghề này không mấy sáng sủa nên đã ngưng ngang, tôi buồn tiếc lắm" - nghệ sĩ Trường Quang bày tỏ.
Còn nghệ nhân Trường Lộc cho biết ông đang dạy nghề cho con cháu trong nhà. "Trước hết, chỉ mong có người nối nghiệp, còn với số đông để phổ biến nghề này, cần chính sách, lộ trình hỗ trợ của nhà nước thì mới mong giữ gìn, tôn tạo" - nghệ nhân Trường Lộc trăn trở.
"Bây giờ muốn truyền dạy nghề cho giới trẻ nhưng hiếm hoi người theo học tới nơi, tới chốn" - nghệ nhân Nguyễn Ngọc Linh thở dài.
Giải pháp bảo tồn mặt nạ tuồng
Theo các nghệ nhân, giải pháp đầu tiên cần làm chính là chuẩn hóa những phương pháp vẽ mặt tuồng hiện nay đang bị mai một. "Trước hết làm công tác bảo lưu, sau đó hệ thống một cách khoa học thành giáo trình giảng dạy. Các trường: Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP HCM; Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM; các đoàn cải lương xã hội hóa… cần tổ chức các lớp học miễn phí vẽ mặt tuồng. Cứ để thời gian trôi đi, các nghệ nhân không còn đủ sức giảng dạy sẽ mai một bộ môn này" - NSND Đinh Bằng Phi từng nói.
Hội Sân khấu TP HCM cho biết sẽ chuẩn hóa các phương pháp vẽ mặt tuồng. Tôn trọng nền tảng mà các nghệ nhân đã dày công vun đắp, đưa nghệ thuật hát bội từ một hình thức sân khấu dân gian trở thành sân khấu truyền thống mang tính bác học, Hội Sân khấu TP HCM đã tiến hành việc khảo sát, mời các nghệ nhân hát bội có thành tích về vẽ mặt tuồng tham gia; tổ chức hóa số các bài giảng, các bài thực hành và trích đoạn biểu diễn, tiến tới tổ chức các tọa đàm, hội thảo về nghệ thuật hát bội trong thời đại mới cần bảo tồn và phát huy như thế nào cho phù hợp trước nhu cầu khán giả, người học nghề hôm nay.
Bình luận (0)