Sáng 2-7 (tức 23-5 âm lịch), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ tế Âm hồn ngày "thất thủ kinh đô" tại đàn Âm Hồn ở phường Thuận Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lễ tế nhằm tưởng niệm quan quân triều Nguyễn và người dân tử nạn trong ngày kinh đô Huế thất thủ 5-7-1885 (23-5 năm Ất Dậu). Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chủ trì lễ tế.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chủ trì lễ tế
Lễ tế được tổ chức trang nghiêm trong hơn 1 giờ theo nghi thức được phục dựng bài bản dưới triều vua Duy Tân nhà Nguyễn, gồm lễ quán tẩy (rửa tay), lễ thượng hương (dâng hương), lễ hiến tước (dâng rượu); lễ phẩm gồm đủ tam sanh, giấy tiền, vàng mã... Sau đó, nhiều người dân Huế vào đàn Âm hồn dâng hương tưởng nhớ những người đã khuất.
Đàn Âm Hồn (số 73 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa) được triều đình nhà Nguyễn lập năm 1894, dưới triều vua Thành Thái, là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các quan viên, binh lính, đồng bào tử nạn trong biến cố thất thủ kinh đô Huế.
Vật phẩm tại lễ tế âm hồn
Theo sử sách ghi chép, ngày 1-8-1883, Pháp nã đại bác vào cửa biển Thuận An. Tối 20-8-1883, Thuận An thất thủ; đột phá khẩu vào kinh thành đã mở. Triều đình nhà Nguyễn hoang mang lo sợ, chỉ có Tôn Thất Thuyết cương quyết lập trường đánh Pháp. Cuộc chiến đấu tự vệ mà ông và các đồng sự ráo riết chuẩn bị từ lâu đã đến lúc phải bùng nổ.
Các vật phẩm như heo, bò, dê tại lễ tế
Đêm 4-7-1885, Tôn Thất Thuyết chỉ huy cuộc vũ trang chống Pháp, đánh vào sào huyệt giặc ở Mang Cá và khu Tòa Khâm bên sông Hương. Quân ta chiến đấu rất gan dạ. Tôn Thất Thuyết bố trí cuộc tấn công rất chu đáo, nhưng vì khí giới kém nên bị thua trận. Địch chiếm thành và đốt phá, hãm hiếp, giết chóc cướp bóc không từ một ai.
Dâng hương tại lễ tế
Một cuộc chạy loạn hết sức đau thương và bi thảm xảy ra. Hầu như không có gia đình nào lại không có người bỏ mạng trong biến cố này. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là số dân chúng ở trong thành. Ngày 23-5 âm lịch (5-7-1885) từ đó trở về sau đã biến thành ngày giỗ lớn, ngày "quẩy cơm chung" hằng năm của cả TP Huế. Họ cúng cho tất cả những người tử nạn, gồm quân sĩ, dân chúng, quan lại, thợ thầy... trong khoảng từ 2 giờ đến 4 giờ ngày 23 -5 năm Ất Dậu.
Bình luận (0)