Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vừa khai trương không gian di tích Tàng Thơ Lâu và giới thiệu nguồn thư tịch triều Nguyễn ("thơ" là nói trại của "thư", nguyên gốc là "Tàng Thư Lâu"). Tàng Thơ Lâu có diện tích khoảng 1.500 m2, nằm giữa hồ Học Hải cạnh đường Đinh Tiên Hoàng (TP Huế) ở hướng Đông Bắc của Hoàng thành.
Dấu xưa kinh thành
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết Tàng Thơ Lâu xây dựng vào mùa hè năm 1825, thời vua Minh Mạng. Triều đình đã giao cho Thự thống chế Đoàn Đức Luận chỉ huy 1.000 binh lính thi công công trình này.
Tàng Thơ Lâu là một tòa nhà 2 tầng xây bằng gạch và đá, ngoài trát vôi, tường có độ dày 0,4 m, mái lợp ngói đất nung. Tầng trên là nơi lưu trữ sổ sách tư liệu, có 7 gian 2 chái, trổ 7 cửa lớn và 11 cửa sổ, các gian thông với nhau bằng 3 lối cửa. Chung quanh xây lan can thông thoáng để không khí luôn lưu chuyển nhằm tránh sự ẩm mốc. Tầng dưới của tòa nhà có 11 gian với 18 cửa lớn.
Sau khi Tàng Thơ Lâu xây dựng xong, vua Minh Mạng cho dựng bia vào năm 1826, ghi lại mục đích, chức năng và ý nghĩa của việc dựng Tàng Thơ Lâu. Tàng Thơ Lâu đã được sử dụng với nhiều chức năng khác nhau. Theo quyển thư mục nhan đề "Tàng Thơ Lâu bạ tịch" chép năm Thành Thái 19 (năm 1907) đây là cuốn thư mục về địa bạ, thuế bạ, đinh bạ do Bộ Binh và Bộ Hộ dưới các triều từ Gia Long đến Thành Thái thực hiện và dâng nộp.
Tàng Thơ Lâu còn là nơi cất giữ, bảo quản các văn kiện của các bộ: lại, hình, lễ, công, học, binh được thực hiện từ thời Gia Long trở đi; những hiệp ước ký kết với Pháp về đất đai, quyền cai trị tại Bắc, Trung, Nam; các tài liệu ngoại giao với các triều đại Trung Quốc, hồ sơ các lễ tấn phong của các vua Tàu cho các vua Việt thời đó. Cùng nhiều bản thảo sách Nho như: y, lý, số, sách Khổng Tử, Mạnh Tử, các bộ Quốc sử và nhiều bản gỗ (mộc bản) in các tài liệu nói trên.
Từ năm 1947-1954, thực dân Pháp biến nơi đây thành nhà tù giam cầm những người hoạt động cách mạng. Phần lớn số lượng sổ sách, thư tịch, địa bạ lưu trữ ở đây đã bị phân tán đi nhiều nơi như Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội... hoặc bị hủy hoại bởi chiến tranh. Năm 1955 trong các cuộc tranh giành quyền lực, Ngô Đình Diệm dùng Tàng Thơ Lâu làm nơi giam giữ các thành phần đối lập. Năm 1975, quân đội đã tiếp quản di tích Tàng Thơ Lâu.
Đường dẫn vào Tàng Thơ Lâu
Chốn hoàng cung
Đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, tòa nhà "Tàng kinh các" danh tiếng ngày nào đã đứng trước nguy cơ xuống cấp trầm trọng. Vì vậy, năm 2000, dự án nghiên cứu, phục hồi Tàng Thơ Lâu được khởi động sau khi công trình được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế. Nhưng mãi đến năm 2014, dự án trùng tu phục hồi công trình này mới chính thức được khởi công.
"Năm 2000, chúng tôi khảo sát, toàn bộ khu di tích Tàng Thơ Lâu có 27 căn hộ tập thể của các gia đình quân nhân. Các gia đình đã cải tạo, sửa sang làm thay đổi rất lớn diện mạo của Tàng Thơ Lâu như xây vách ngăn giữa các gia đình, trổ cửa thông gió hoặc bít các cửa lớn, xây dựng khu vệ sinh... Đồng thời, chất thải sinh hoạt đã làm hủy hoại rất lớn môi trường xung quanh của khu di tích, nhất là hồ Học Hải" - ông Võ Lê Nhật cho biết.
Hiện nay, sau khi trùng tu, Tàng Thơ Lâu đang lưu trữ 3 loại hình tư liệu thành văn, tư liệu video và tư liệu hình ảnh. Trong đó, tư liệu thành văn có hơn 70.000 đầu sách và tư liệu, thuộc nhiều thể loại và dạng thức khác nhau như sách Hán Nôm, thư tịch cổ, các công trình biên khảo về nhà Nguyễn, sách mỹ thuật, kiến trúc, văn hóa, Phật giáo, tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn ngữ học, bản đồ...
Tại đây còn có nhiều thước phim được chăm chút đến từng chi tiết, chất lượng hình ảnh rõ nét giúp du khách trải nghiệm những phút giây trầm lắng với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, trong không khí trang nghiêm, long trọng của một số lễ tế thuộc hàng đại tự của quốc gia một thời như tế Nam Giao, tế Xã Tắc...
Ngoài ra, Tàng Thơ Lâu còn có hơn 4.000 bức ảnh được sưu tầm từ nhiều nguồn sẽ được tái hiện sinh động, qua đó người xem có thể hình dung được chốn hoàng cung triều Nguyễn với những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ nghi, kiến trúc nguyên sơ.
Bình luận (0)