Là người nghệ sĩ có 60 năm gắn bó với sân khấu, ông là người được trao HCV giải Thanh Tâm năm 1959, sau cố NSƯT Thanh Nga một năm. Từ đó đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm trong nghề nghiệp, ông vẫn bám nghề và vẫn giữ được tình cảm của công chúng qua từng bước chuyển của ông từ cải lương, kịch nói cho đến phim truyền hình.
Với sở trường chuyên đóng vai kép độc, ông đã tạc vào tâm trí khán giả vai Mã Tắc trong vở cải lương kinh điển "Tiếng trống Mê Linh" của tác giả Việt Dung, Vĩnh Điền, do đạo diễn Ngô Y Linh dàn dựng cho sân khấu Đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga năm 1976.
Đông diễn viên trẻ của sân khấu kịch Hồng Vân đã tham gia lớp học "Giao lưu – Truyền nghề", để qua từng câu chuyện về cách thâm nhập nội tâm nhân vật, thể hiện sự hiểm độc của vai diễn, ông đã truyền năng lượng tích cực cho các diễn viên trẻ.
Ông tâm sự, qua cách làm này của Hội Sân khấu TP HCM, ông tin rằng thế hệ nghệ sĩ đi trước sẽ truyền nghề cho các diễn viên trẻ, giúp họ có cơ hội cọ xát với những bài học từ trải nghiệm của nghệ sĩ đi trước.
NSƯT Hùng Minh giao lưu với các diễn viên trẻ Sân khấu kịch Hồng Vân
"Từ cách làm này, sẽ hạn chế tình trạng chủ quan, không copy, đồ lại cái hay của người khác mà phải biết "tiêu hóa" để biến cái hay đó thành cái của riêng mình. Hoặc ở nhiều tác phẩm kinh điển, những nghệ sĩ nắm giữ bản gốc sẽ là nhân chứng để gạt đi tình trạng "tam sao thất bản" – NSƯT Hùng Minh đã chia sẻ.
Ông nhấn mạnh rằng Ban Lý luận phê bình của Hội Sân khấu TP HCM cần tập hợp được những người gắn bó với các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như: Hát bội, Chèo, Chầu Văn, Dân ca, Múa, Xiếc… để hướng tới mục đích cao đẹp là góp phần trang bị cho diễn viên hôm nay nhiều kiến thức nền.
NSƯT Hùng Minh với vai Đại Phong trong vở "Thầy Ba Đợi"
"Thế hệ chúng tôi đã trải những thăng trầm của sàn diễn, nhưng vẫn bám trụ, yêu nghề và đầy đam mê. Chúng tôi ham học hỏi lắm và sẳn sàng tham gia vào công việc truyền nghề. Tôi mong những buổi Giao lưu – Truyền nghề như thế, sẽ được Hội Sân khấu TP HCM ghi hình lại để những bài giảng của người đi trước, được lưu trữ để lại cho đời sau.
Đây chính là hướng đi của Lý luận phê bình, giúp sân khấu TP HCM biên soạn giáo trình hiệu quả cho công tác đào tạo, góp phần bổ sung nguồn nhân lực trẻ có kiến thức, có tâm với nghề" – NSƯT Hùng Minh nói.
Các diễn viên trẻ của Sân khấu kịch Hồng Vân như: Châu Nhật Tín, Bảo Kiệt, Văn Hậu…đã diễn một lớp kịch trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga" với các nhân vật: Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Sứ Quan để NSƯT Hùng Minh hướng dẫn từng cách đi đứng, động tác vũ đạo, đài từ và tiếng cười đúng với từng tính cách nhân vật.
NSƯT Hùng Minh trong vai Mã Tắc vở “Tiếng trống Mê Linh”
Các diễn viên trẻ đã đặt nhiều câu hỏi giao lưu, nhận được sự chia sẻ của NSƯT Hùng Minh về cách thể hiện nhân vật kép độc trên sân khấu và trước ống kính truyền hình. Ông cảm nhận niềm vui khi thế hệ diễn viên trẻ không ngại dấn thân vào các vai diễn khó, nhất là chọn sở trường "kép độc" để thể hiện tài năng.
"Diễn kép độc để người ta ghét nhưng khâm phục mình là một điều cực kỳ khó. Vì vai phản diện là ngòi thuốc nổ, được khích thích để bừng lên cao trào. "Kép độc" mà được quý là một niềm hạnh phúc" – NSƯT Hùng Minh nhấn mạnh.
Bình luận (0)