xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khắc phục bất cập trong tôn vinh nghệ nhân

YẾN ANH

Các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được ví như những "báu vật nhân văn sống", "bảo tàng sống", "kho tàng di sản văn hóa sống"...

Có 2 nghị định của Chính phủ quy định về việc xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú", điều này gây nên sự bất cập, chồng chéo, trùng lặp trong việc xét tặng danh hiệu.

Trùng lặp, chồng chéo

Dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công bố, lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.

Theo Bộ VH-TT-DL, từ năm 2016 đến năm 2022, bộ này đã tổ chức 3 đợt xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú". Có 131 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" và 1.750 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú". Cụ thể, năm 2016 có 617 "Nghệ nhân ưu tú"; năm 2019 có 66 "Nghệ nhân nhân dân" và 570 "Nghệ nhân ưu tú"; năm 2022 có 65 "Nghệ nhân nhân dân" và 563 "Nghệ nhân ưu tú". Danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và quan trọng hơn là truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Khắc phục bất cập trong tôn vinh nghệ nhân - Ảnh 2.

Trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” cho nghệ nhân Phạm Thị Tắng và ông Đỗ Đình Tạ tại tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: QUỲNH TRÂM)

Tuy nhiên, Bộ VH-TT-DL nhận định hiện nay có 2 nghị định của Chính phủ quy định về việc xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú", đó là Nghị định 62/2014/NĐ-CP (Bộ VH-TT-DL là cơ quan thường trực triển khai công tác xét tặng) và Nghị định 123/2014/NĐ-CP (Bộ Công Thương là cơ quan thường trực triển khai công tác xét tặng). Thực tế, công tác xét tặng cho thấy đối tượng nghệ nhân nghề thủ công truyền thống có thể nộp hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu ở cả lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (xét theo loại hình tri thức dân gian) hoặc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ do Bộ Công Thương chủ trì công tác xét tặng.

Cùng một hồ sơ đề nghị xét tặng nhưng có thể thực hiện tại 2 quy trình thủ tục và hướng đến cùng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" gây nên sự chồng chéo, trùng lặp trong công tác xét tặng danh hiệu của 2 nghị định. Những căn cứ xác định mốc thời gian hoạt động trong nghề, số lượng học trò đào tạo được, giải thưởng do cơ quan nào khen tặng cũng chưa được quy định rõ ràng.

Bộ VH-TT-DL cho rằng quy định "trong một kỳ xét tặng, thành viên hội đồng cấp tỉnh không đồng thời là thành viên hội đồng chuyên ngành cấp bộ, hội đồng cấp Nhà nước" là chưa phù hợp thực tế. Qua 3 đợt xét tặng vừa qua, Bộ VH-TT-DL rất khó khăn để mời thành viên tham gia hội đồng chuyên ngành cấp bộ và hội đồng cấp nhà nước vì hầu hết chuyên gia có uy tín nghề nghiệp tại các khu vực, vùng miền đã tham gia hội đồng cấp tỉnh. Việc các chuyên gia có thể tham gia nhiều cấp hội đồng là do uy tín nghề nghiệp cá nhân. Những thảo luận, đánh giá của họ tại hội đồng có thể sẽ giúp các thành viên khác trong hội đồng có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn khi xem xét hồ sơ.

Theo quy định hiện hành, việc xây dựng hồ sơ đòi hỏi phải có minh chứng như băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ hoặc các giấy tờ liên quan tới giải thưởng..., các nghệ nhân có nhưng rất ít và nếu có thì làm thất lạc. Điều này khiến hồ sơ không đủ tính thuyết phục do còn thiếu nhiều minh chứng nên hồ sơ bị loại dù thực tế bản thân có nhiều đóng góp cho việc trao truyền di sản văn hóa phi vật thể.

Giải quyết vướng mắc

Trong tờ trình Chính phủ, Bộ VH-TT-DL đề xuất 2 giải pháp, trong đó nghiêng về giải pháp thứ hai, đó là giữ nguyên như quy định hiện hành và hoàn thiện đối tượng xét tặng, tiêu chuẩn xét tặng, quy trình xét tặng và các quy định về hồ sơ theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Bộ VH-TT-DL cho rằng với giải pháp này, sẽ giải quyết được một số vướng mắc trong xã hội phân định cụ thể tiêu chuẩn giữa xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" cho đối tượng cá nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (tri thức dân gian) và thủ công mỹ nghệ.

Giải pháp này cũng bỏ quy định "Trong một kỳ xét tặng, thành viên hội đồng cấp tỉnh không đồng thời là thành viên hội đồng chuyên ngành cấp bộ, hội đồng cấp nhà nước", giảm bớt đại diện các cơ quan hành chính, tăng thành phần các nhà chuyên môn, chuyên gia, chuyên ngành đạt 2/3 trong tổng số thành viên hội đồng để bảo đảm chất lượng công tác xét tặng danh hiệu và chất lượng hoạt động của hội đồng.

Sửa đổi quy định tỉ lệ % số lượng thành viên có mặt tại cuộc họp hội đồng, theo đó, hội đồng tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 90% thành viên hội đồng, trong khi Nghị định 62/2014/NĐ-CP quy định hội đồng tổ chức phiên họp khi có 75% thành viên. Quy định này thể hiện rõ trách nhiệm của các cá nhân là thành viên của hội đồng trong tham dự cuộc họp. Việc các thành viên có mặt tại cuộc họp sẽ lắng nghe đầy đủ các ý kiến nhận xét đánh giá, thảo luận từng hồ sơ, việc bỏ phiếu sẽ chính xác và khách quan hơn.

Quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của các thành viên hội đồng cũng có thay đổi tương tự nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú". Cụ thể: Đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên có mặt tại cuộc họp. Với Nghị định 62/2014/NĐ-CP quy định: Được ít nhất 90% tổng số thành viên hội đồng bỏ phiếu đồng ý và thành viên hội đồng vắng mặt phải xin ý kiến bằng phiếu. Bộ VH-TT-DL cho rằng quy định tỉ lệ phiếu như vậy vẫn khẳng định và tôn vinh được giá trị của danh hiệu vinh dự nhà nước và phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú".

Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 quy định danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" để tặng cho cá nhân trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt; kỹ năng đặc biệt xuất sắc; có thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ 20 năm trở lên; có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, kính trọng; tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong cả nước.

Danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" để tặng cho cá nhân trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt, kỹ năng đặc biệt xuất sắc; có thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ 15 năm trở lên; có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, kính trọng; tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.

Danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" được xét tặng và công bố 3 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo