Việc sử dụng các bài đồng dao quen thuộc của thiếu nhi vào phim kinh dị nhằm tạo hiệu ứng gây kinh sợ, ám ảnh không mới lạ với phim nước ngoài nhưng lại lạ lẫm ở phim Việt. Từ trước đến nay, phim kinh dị Việt chỉ trông chờ vào những hiệu ứng hù dọa bất ngờ kiểu "jump-scare" (thủ pháp đột ngột hiện ra giữa màn hình) gây giật mình cho người xem hơn là sợ hãi. Phần kinh phí đầu tư cho phim kinh dị thường không cao cũng hạn chế việc nhà làm phim Việt áp dụng các kỹ xảo, thủ thuật mới lạ. Nhưng gần đây, các nhà làm phim kinh dị Việt bắt đầu tận dụng những bài dân ca, khúc đồng dao quen thuộc đưa vào tác phẩm của mình, mở đầu là phim "Cha ma" do đạo diễn Bá Vũ thực hiện, đưa bài dân ca Nam Bộ "Ru con" vào phim qua tiếng hát của Đan Trường (nhân vật hồn ma người cha) lồng ghép khéo léo trong không gian thanh vắng gây ám ảnh cho người xem. Trong phim "Bắc kim thang" của đạo diễn Trần Hữu Tấn, bài đồng dao quen thuộc "Bắc kim thang" như sợi chỉ đỏ xuyên suốt câu chuyện phim. Hai nhân vật chính trong phim là Thiện Tâm và Hai Lầm như bao trẻ em Việt khác thuộc nằm lòng bài đồng dao này. Họ hát từ lúc nhỏ, chơi với nhau từ nhỏ nên bài đồng dao trở thành kỷ niệm đặc biệt của cả hai. Mặc dù không kể lại câu chuyện kinh dị ẩn chứa bên trong bài đồng dao nhưng số phận nhân vật chính trong phim "Bắc kim thang" có nhiều điểm tương đồng với số phận nhân vật (chú bán dầu và bán ếch) của câu chuyện được kể trong bài đồng dao. Bài đồng dao lồng trong phim với cách hát chậm rãi, pha chút ma mị, vang lên trên đồng lúc trời đêm vắng lặng đủ sức tạo nên ám ảnh cho khán giả.
Cảnh trong phim “Pháp sư mù” có sử dụng bài đồng dao “Cô dâu chú rể” (Ảnh cắt từ màn hình)
Trong phim "Pháp sư mù", hai bài đồng dao "Cô dâu chú rể" và "Úp lá khoai" được đưa vào những phân cảnh phù hợp. Nếu "Úp lá khoai" khiến khán giả cười thì "Cô dâu chú rể" lại gây sợ hãi. Huỳnh Lập - biên kịch, đồng sản xuất, đồng đạo diễn, diễn viên "Pháp sư mù" - cũng từng thổ lộ với truyền thông rằng lựa chọn đồng dao vì chúng mang âm hưởng hoài cổ, nội dung bí ẩn như ẩn chứa nhiều câu chuyện, dễ gây ám ảnh. Những gì quen thuộc nhất với con người thường lại là những điều dễ khiến họ sợ hãi như gương, gầm giường, tủ quần áo... Hầu hết, các bộ phim kinh dị muốn dọa khán giả sợ đều tập trung vào các chất liệu này, biến đổi theo sáng tạo riêng. Việc các nhà làm phim kinh dị Việt bắt đầu khai thác chất liệu dân gian như câu hát, giai thoại, đồng dao tạo sự ám ảnh thay thế thủ pháp cũ kỹ lâu nay, cũng không tốn kém thêm chi phí, được nhiều người trong giới tán thưởng. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại phim Việt lại bắt chước ồ ạt, bởi các chất liệu này nếu lạm dụng, gán ghép vô tội vạ, không phù hợp ngữ cảnh, sẽ phản tác dụng.
Bình luận (0)