NSƯT Tuyết Mai say sưa với con đường dạy nhạc dân tộc miễn phí suốt 10 năm qua
180 người đăng ký tham dự buổi nhạc dân tộc miễn phí do NSƯT Tuyết Mai giảng dạy, trong đó 50 học viên đã có mặt tại buổi học đầu tiên của khóa học. Các học viên ở mọi lứa tuổi từ 8 đến 67 chia sẻ yêu nhạc dân tộc lắm mà nay mới có điều kiện đến lớp, có cả những bà mẹ trẻ, dắt con gái nhỏ, có trường hợp còn địu trước bụng, đến lớp nghe giảng.
Đây là năm thứ 10, lớp học nhạc dân tộc miễn phí này được duy trì. Và số học viên đăng ký tham gia khá đồng đều, khoảng 100 - 200 người/khóa. Nhưng điều đặc biệt thú vị là những khóa học đầu tiên ra mắt chỉ đón nhận những học viên lớn tuổi, thậm chí có cụ bà đã hơn 80 tuổi đến lớp đều đặn thì nay, lớp học đầy ắp học sinh, sinh viên. "Thấy có lớp học này miễn phí, mình đưa con đến học cho biết. Cứ tưởng con gái thích dăm bữa nửa tháng ai ngờ nó làm mình thích theo", một học viên tên Hoa kể.
Bà Lê Thị Hảo (thí sinh lớn tuổi nhất khóa học này) tâm sự: "Tôi đi xem giao hưởng dân tộc nhiều rồi, mê ghê lắm. Công việc nội trợ cũng chẳng bận bịu gì nhưng bảo tôi đăng ký các khóa học chính thống, tôi không đủ kiên nhẫn. Nhờ thầy dạy riêng, tôi không đủ điều kiện. Con cháu biết đam mê của tôi đã tìm ra lớp học này. Tôi vui như bắt được vàng".
Phần lớn những người đến với lớp học nhạc dân tộc này đều chưa tỏ tường thể loại mà họ thích. Họ cũng không biết đâu là đàn tam thập lục, đàn T’Rưng… Họ chỉ từng nghe đàn dân tộc qua truyền hình, thưởng thức tiếng đàn bầu quá đỗi thú vị, từng đâu đó thấy những nghệ sĩ đánh như múa trên phím đàn tranh… Và họ muốn được như thế vì .... trông thật ngầu.
NSƯT Tuyết Mai chia sẻ: "Bài học đầu tiên mà tôi nói với học viên là "tôi mất 13 năm rèn luyện, thêm 3 năm học thạc sĩ chuyên ngành giáo dục mới có thể biểu diễn chuyên nghiệp. Tôi không nhận những người muốn qua 8 buổi học trở thành nghệ sĩ biểu diễn hay chơi đàn chuyên nghiệp. Tôi theo đuổi hành trình này là để xây dựng thế hệ khán giả nghe nhạc dân tộc bằng cảm xúc và sự hiểu biết về nhạc dân tộc".
Người đến học nhạc dân tộc ngày càng trẻ hơn
Lớp học nhạc của NSƯT Tuyết Mai đã đi được chặng đường 10 năm. Chị bảo không biết có thể theo bao lâu nhưng chị làm vì không nỡ thấy người có tâm không tìm được chỗ học.
NSƯT Tuyết Mai truyền lửa đam mê cho cả con trai minh, nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh
"Điều mình cần chính là những người tìm đến học sau này sẽ trở thành những truyền viên cho nhạc dân tộc" - NSƯT Tuyết Mai bộc bạch.
Bình luận (0)