Phim truyền hình "Cây táo nở hoa" do Võ Thạch Thảo đạo diễn là tác phẩm Việt hóa mới nhất phục vụ khán giả màn ảnh nhỏ (từ ngày 5-4, trên Vie Channel - HTV2, Vie Giải Trí, YouTube Vie Channel và ứng dụng VieON).
"Cây táo nở hoa" được Việt hóa từ phim "Liver or die" (còn có tên là What’s Wrong Poong Sang) do KBS (Hàn Quốc) sản xuất năm 2019, đông đảo khán giả yêu thích. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện gia đình, tình anh em, tình cảm vợ chồng. Trong phiên bản Việt, nhân vật Ngọc (Thái Hòa đóng) là anh cả nhưng luôn hết lòng bao bọc, yêu thương 4 người em, phải liên tục giải quyết những rắc rối, xào xáo của gia đình.
Tình thương, sự bao dung của Ngọc dành cho các em khiến vợ của anh là Hạnh (Hồng Ánh đóng) đôi lúc mệt mỏi, ức chế, tạo nên những căng thẳng, đẩy mâu thuẫn tăng cao. Một câu chuyện về gia đình không phải dạng chủ đề quá khó nhưng vì sao lại chọn Việt hóa mà chẳng phải là một kịch bản gốc?
Phim Việt hóa “Cây táo nở hoa”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
"Kịch bản của Hàn Quốc khi khai thác về chủ đề gia đình thường đào sâu, phân tích các khía cạnh được đề cập một cách đầy hấp dẫn, thuyết phục. Việc đào sâu, khai phá được những chi tiết làm cho phim sâu sắc, xây dựng tính cách nhân vật điển hình… góp phần giúp câu chuyện về các vấn đề trong gia đình vốn không phải mới lạ bỗng trở nên hấp dẫn" - đạo diễn Võ Thạch Thảo nhận định và cho rằng biên kịch Việt cần đào sâu nhiều hơn là dàn ngang khi khai thác các đề tài dù quen thuộc.
Thời gian qua, truyền hình Việt có không ít tác phẩm Việt hóa, chuyển thể, lấy cảm hứng từ tác phẩm ngoại thành công như phim "Nhà trọ Balanha", "Vua bánh mì"… Không chỉ truyền hình, điện ảnh cũng ở tình trạng tương tự. Phim điện ảnh Việt hóa thành công gần nhất là "Tiệc trăng máu" do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn.
Việc khan hiếm kịch bản gốc hay không phải là vấn đề mới khi nhiều đạo diễn điện ảnh vẫn phải cố gắng tìm kiếm, tự dốc sức phối hợp cùng biên kịch chỉnh sửa kịch bản. Nhiều giải pháp khắc phục hiện trạng, tăng cường nguồn kịch bản gốc được đưa ra như các cuộc thi biên kịch điện ảnh lẫn truyền hình, các sân chơi sáng tác kịch bản.
Tuy nhiên, hiệu quả của các cuộc thi, sân chơi này vẫn chưa được phát huy tốt, nguồn cung vẫn thấp so với nguồn cầu tăng dần của một thị trường đang đà phát triển, sôi động.
"Biên kịch Việt trẻ hiện chưa được đào tạo bài bản, không có nhiều trải nghiệm nên không biết cách đào sâu, xây dựng tính cách nhân vật chưa đến nơi đến chốn. Thông qua các cuộc thi nhằm tìm ra trong những người tham gia có tố chất biên kịch tốt để phát triển về sau chứ không phải sau mỗi cuộc thi là có ngay những biên kịch tốt. Sắp tới, chúng ta cần tăng cường khâu đào tạo, ngoài lý thuyết, cần chú trọng nhiều hơn yếu tố thực hành" - biên kịch Thanh Hương nói.
Biên kịch Đông Hoa cho rằng thị trường phim Việt, nhất là điện ảnh, biên kịch và đạo diễn vẫn ở trạng thái mập mờ. Trong khi đó, Hàn Quốc có hẳn các "biên kịch vàng" với vị trí, thù lao hoàn toàn tách bạch.
Bình luận (0)