Bảo tàng Không gian văn hóa Mường là công trình văn hóa - nghệ thuật ra đời từ niềm đam mê của họa sĩ Vũ Đức Hiếu.Bảo tàng được khai trương và hoạt động từ ngày 16-12-2007, trên quần thể 5 ha do chính họa sĩ Vũ Đức Hiếu thiết kế với hơn 10 hạng mục lớn - nhỏ.
Từng được thương hiệu sách hướng dẫn du lịch "Lonely Planet" chọn là một trong 9 điểm đến hàng đầu dành cho lữ khách khi du lịch Việt Nam, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của họa sĩ Vũ Đức Hiếu đưa người thưởng lãm vào một không gian văn hóa với đủ giai tầng về lối dựng nhà tiêu biểu của người Mường. Giới chuyên môn đánh giá công trình này phản ánh đầy đủ cuộc sống, tập tính sinh hoạt của người Mường cổ qua hệ thống hiện vật đang mai một dần trong xã hội Mường. Chủ nhân của không gian này đã cất công sưu tầm hệ thống này hơn 20 năm qua.
Một góc trưng bày của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường .Ảnh: MƯỜNG STUDIO
Theo Hội Văn hóa Di sản Việt Nam, đây là giải thưởng nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động quảng bá, giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dành cho tất cả đối tượng trên khắp thế giới, do thành phố Jeonju - Hàn Quốc tài trợ. Ngoài họa sĩ Vũ Đức Hiếu, 2 tổ chức của 2 quốc gia khác cũng được trao giải thưởng này là ASAMA (Burkina Faso - Tây Phi) trong lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, sự kiện, lễ hội, nghệ thuật và IMPACTO (Mexico) trong lĩnh vực dệt, sản xuất cà phê.
Trước đó, năm 2013, họa sĩ Vũ Đức Hiếu (hay còn gọi là Hiếu Mường) từng giành Giải thưởng Phan Châu Trinh ở lĩnh vực văn hóa - giáo dục vì những cống hiến không ngừng trong bảo tồn nền văn hóa Mường và đưa nghệ thuật đương đại đến với công chúng.
Lễ trao giải Jeonju International Award hằng năm được tổ chức trang trọng và được trực tiếp truyền hình tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh toàn cầu, giải thưởng năm 2020 sẽ được tổ chức online trên YouTube, dự kiến vào ngày 15-9.
Nói về niềm vui này, họa sĩ Vũ Đức Hiếu bày tỏ: Hòa Bình là cái nôi của văn hóa Mường cổ nên tôi muốn tạo dựng không gian văn hóa này tại nơi đây. Cả 17 gia đình người Mường trong các bản làng từng được mời về sinh hoạt nơi đây. Từ không gian sống này, người xem tiếp cận, tương tác với văn hóa Mường ở khoảng cách gần nhất. Các hiện vật trưng bày không phải đẹp nhất, hay nhất, giá trị nhất, mà điều tôi muốn là trưng bày những cái thực nhất, bình dị nhất của cuộc sống người Mường hằng ngày.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu
Chính vì giữ được cái hồn của văn hóa truyền thống Mường mà họa sĩ Vũ Đức Hiếu được giải thưởng Jeonju International Award 2020 vinh danh, ghi nhận công việc bền bỉ của một họa sĩ Việt Nam theo đuổi đến cùng khát vọng giữ gìn văn hóa dân tộc, để không gian văn hóa Việt, trong đó có các dân tộc thiểu số, được vươn xa tầm quốc tế.
Theo khảo sát của ông, hiện các cộng đồng Mường lớn ở Hòa Bình như: Bi - Vang - Thàng - Động chỉ còn lại khoảng 10% nhà sàn, trong từng ngôi nhà cũng mất nhiều các hiện vật gốc bởi xã hội phát triển, nhu cầu sẽ cần đến đồ dùng hiện đại như: tivi, tủ lạnh, quạt máy... Các kiến trúc nhà ở truyền thống trong không gian bảo tàng hiện đều mang nguyên bản về trang trí, sắp đặt theo lối người Mường cổ. Ông cố gắng kiến tạo không gian không để các phương tiện hiện đại xâm nhập, gây xáo trộn cấu trúc của không gian này. Chính nỗ lực đó đã giúp họa sĩ Vũ Đức Hiếu chạm đến trái tim du khách trong và ngoài nước khi đến TP Hòa Bình.
Mường Studio của ông cũng được hình thành để nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến tìm hiểu văn hóa bản địa và sáng tác trên phông nền ấy. "Tôi coi đó là một cách gìn giữ, lưu truyền và giới thiệu nét đẹp văn hóa Mường thông qua hoạt động nghệ thuật giao lưu quốc tế" - họa sĩ Vũ Đức Hiếu bày tỏ.
Bình luận (0)