Ở Việt Nam, hiện các nhà sản xuất chọn cách Việt hóa tác phẩm nước ngoài hoặc đưa các câu chuyện giải trí lên màn ảnh rộng thay vì chọn chuyển thể từ tác phẩm văn học hiện đại. Trong khi tác phẩm văn học hiện đại là nguồn chất liệu phong phú, khai thác tốt sẽ giải quyết tình trạng thiếu kịch bản hay.
Chưa tạo được tiếng vang
Thời gian qua, ngoài loạt phim điện ảnh từng được chuyển thể từ các tác phẩm văn học kinh điển như: "Chị Dậu", "Thời xa vắng", "Làng Vũ Đại ngày ấy"…, những tác giả hiện đại có tác phẩm được chọn đưa lên màn ảnh rộng gần đây thu hút công chúng hầu như chỉ có Nguyễn Nhật Ánh với "Mắt biếc", "Cô gái đến từ hôm qua", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" và Nguyễn Ngọc Tư với "Cánh đồng bất tận"...
Mối quan hệ giữa văn học hiện đại và điện ảnh Việt thiếu sự chặt chẽ, trong khi các nền điện ảnh thế giới vẫn không ngừng nghỉ trong việc chuyển thể từ văn học kinh điển, văn học hiện đại, văn học mạng, truyện tranh, truyện tranh mạng… Đơn cử là điện ảnh có nguồn gốc từ truyện tranh như dòng phim ngôn tình phủ sóng thị trường phim Trung Quốc từ sự phát triển mạnh của văn học mạng nước này, gây tác động đến cả châu Á; hay như thị trường phim Hàn Quốc hiện đang tập trung khai thác "mỏ vàng" truyện tranh mạng… Qua đó cho thấy mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh là tương hỗ, cùng phát triển bởi văn học là chất liệu quý giá cho điện ảnh và điện ảnh giúp hình ảnh hóa văn học, tăng độ hấp dẫn của tác phẩm trong lòng khán giả.
“Mắt biếc” được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thắng lợi doanh thu phòng vé. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Đạo diễn kiêm biên kịch Kay Nguyễn cho rằng chuyển thể văn học là xu hướng quan trọng của điện ảnh thế giới với 2 hướng là chuyển thể tác phẩm bất hủ hoặc tác phẩm giải trí nổi bật từ các tác giả tên tuổi. Tuy nhiên, văn học Việt thời gian dài hầu như chưa có những tác giả, tác phẩm nào vừa tạo được tiếng vang vừa phù hợp cho sản xuất phim.
"Nhu cầu đọc của người trẻ Việt hiện không cao. Họ dành thời gian cho các nội dung trên mạng để giải trí nhiều hơn. Trong khi nhà văn sống chật vật vì sách in bán ra không nhiều. Đó là lý do không nhiều tác phẩm lớn, tạo được tiếng vang đủ để hình thành nên các thương hiệu để nhà sản xuất phim tin tưởng chọn lựa chuyển thể. Những tác phẩm kinh điển được chọn nhiều hơn vì đó là những nhà văn đã có tên tuổi và tác phẩm cũng chinh phục được khán giả nhiều thế hệ" - nhà biên kịch Thanh Hương lý giải.
Cần hỗ trợ, nâng đỡ nhau
Từ đầu năm 2022 đến nay, điện ảnh Việt có nhiều tác phẩm ra rạp nhưng dù thắng hoặc thua doanh thu đều có điểm chung là kịch bản chắp vá, thiếu sự mạch lạc. Những phân cảnh theo lối mòn hoặc có yếu tố giống các phim nước ngoài nhưng được làm lại không tương xứng với tác phẩm gốc khiến người xem chán ngán.
Các điểm cộng về diễn xuất của diễn viên, bối cảnh, trang phục, kỹ xảo… có thể giúp nâng điểm cho phim nhưng điểm trừ kịch bản là điều đáng lo ngại nhất. Nhiều phim với câu chuyện không đủ thuyết phục dễ dẫn đến mất niềm tin và định kiến phim Việt không hay sẽ khó xóa bỏ trong lòng của một bộ phận khán giả.
"Phim lấy chất liệu từ văn học, chuyển thể văn học có thể giúp hạn chế tình trạng chắp vá… bởi cốt truyện đã hoàn chỉnh và chinh phục được khán giả. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm văn học thuộc dạng tự sự, không đủ hình ảnh để chuyển thể thì khó tái hiện được với vốn đầu tư hiện tại của điện ảnh Việt" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Đồng quan điểm, đạo diễn kiêm biên kịch Kay Nguyễn cho biết tác phẩm chuyển thể văn học có lợi thế bởi đó là tài sản đã được thiết lập. Nhà làm phim không cần phải giải trình với nhà đầu tư hoặc phía phát hành khi thực hiện tác phẩm chuyển thể vì danh tiếng có sẵn. "Như thời điểm ê-kíp chúng tôi thực hiện chuyển thể phim "Mắt biếc" của Nguyễn Nhật Ánh thì không cần phải giới thiệu nhiều. Chúng tôi chỉ cần nhắc đến "Mắt biếc" là các nhà đầu tư, nhà phát hành đều biết về tác phẩm này. Danh tiếng có từ tác giả, tác phẩm giảm bớt chi phí quảng bá" - đạo diễn Kay Nguyễn nói.
Theo quan sát của phóng viên, hiện đang thiếu những tác phẩm văn học có đủ yếu tố để chuyển thể để làm liên tục như nước ngoài. Phần lớn phim chuyển thể đều phải phục dựng bối cảnh ở các thập niên trước hoặc bối cảnh cổ trang nên đòi hỏi kinh phí cao. Nếu thay đổi nội dung quá nhiều so với tác phẩm gốc thì rất dễ rơi vào tình cảnh tác phẩm điện ảnh không thuyết phục được khán giả lẫn người hâm mộ tác phẩm gốc.
Nhà biên kịch Đông Hoa cho rằng văn học và điện ảnh cần hỗ trợ, nâng đỡ nhau thông qua các chủ đề chung trong các diễn đàn, hội thảo, các sân chơi… Đây cũng sẽ là động lực tạo sự kích thích sáng tạo cho cả hai lĩnh vực nghệ thuật khác nhau nhưng tương hỗ cho nhau.
Bình luận (0)