Chuẩn bị ứng phó với dịch Covid-19, Đài Truyền hình TP HCM (HTV) đã nỗ lực tìm kiếm hình thức thể hiện vở diễn mới phục vụ khán giả thường xuyên ở nhà. Đây cũng là dịp một số chương trình sân khấu truyền hình đi đúng quỹ đạo, phản ánh những vấn đề thời sự, gần gũi cuộc sống trong giai đoạn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và được đông đảo khán giả quan tâm.
Hài kịch 5 phút, tiếng cười khó quên
Nếu ở đợt chống dịch bệnh năm ngoái, chương trình sân khấu "Siêu thị cười" và "Chuyện bốn mùa" dồn lực đầu tư dàn dựng các vở ngắn mang lại tiếng cười thú vị thì đợt này sân khấu truyền hình HTV rộ lên tiếng cười mang thông điệp xây dựng với chương trình "Hài kịch 5 phút". Mỗi tiểu phẩm chỉ có thời lượng 5 phút nhưng ê-kíp thực hiện đã vận dụng sự quan sát cuộc sống để xâu chuỗi và cô đọng nhiều thông tin được cộng đồng mạng quan tâm, qua đó dùng tiếng cười để châm biếm, phê phán thói hư tật xấu của một bộ phận người dân trong dịch Covid-19.
Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết: "Đây là chương trình do Ban Dân vận Thành ủy, HTV sản xuất, Ban Văn nghệ thực hiện nội dung. Hiện nay, tôi đã thực hiện gần 20 câu chuyện. Nội dung mang ý nghĩa tuyên truyền cho người dân về ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ. Những câu chuyện phần lớn mang tính xây dựng nhẹ nhàng, đáp ứng được tính giải trí, động viên người dân đồng lòng, lạc quan vượt qua đại dịch".
Chương trình được phát sóng hằng đêm trên HTV9 lúc 20 giờ 50 phút và phát lại trên HTV7 vào sáng hôm sau.
Hiệu ứng của chương trình đã cho thấy nét mới khi lan tỏa được ý thức cộng đồng, mỗi người dân hoàn thành tốt trách nhiệm công dân của mình. Như với tiểu phẩm hài mang tên "Khỏe mà không đẹp", toát lên tiếng cười châm biếm một anh chàng bất chấp sự giãn cách, thản nhiên tập thể dục trước 2 anh công an, dân phòng để rồi phải chấp nhận nộp phạt. Vở hài ngắn do 3 diễn viên: Mai Dũng, Đức Thịnh, Hoàng Giang thể hiện đã đem lại tiếng cười duyên dáng.
Các tiểu phẩm hài ngắn đều dựa vào clip và sự kiện nổi bật, được dư luận quan tâm trên mạng xã hội và thông qua những tình huống tréo ngoe sẽ bật lên tiếng cười hài hước, khéo léo lồng vào thông điệp giáo dục để mọi người cùng tuân thủ nghiêm túc Chỉ thị 16, nâng cao tinh thần phòng chống dịch bệnh. Hiện các tiểu phẩm: "Nhậu online", "Không gian này là của ai?", "Đánh cờ online", "Tin vịt", "Khúc ca ơn đời", "Tưởng không vui... vui không tưởng", "Mình thương nhau nhé"… đã được ghi hình và chuẩn bị lên sóng.
"Tôi nhận thấy kịch truyền hình mùa dịch bệnh đã phát huy được tính năng động, bởi chúng tôi nắm ý đồ của đạo diễn để gửi gắm vào từng nhân vật ý thức cống hiến thật sự cho nghệ thuật và cộng đồng. Trong mùa dịch, nhiều diễn viên không chỉ tham gia chương trình này mà còn đóng góp cho sân khấu kịch truyền hình bằng các tiết mục hài ý nghĩa khác" - nghệ sĩ Linh Trung phấn khởi vì anh có thêm việc làm ý nghĩa trong mùa dịch và góp phần lan tỏa yêu thương khi cùng các diễn viên trẻ tham gia những tiểu phẩm cập nhật được vấn đề thời sự.
Cảnh trong chương trình “Hài kịch 5 phút” của HTV. Ảnh: HOÀNG DUẨN
Đa dạng đề tài là chìa khóa thành công
Thời gian qua, một số vở kịch truyền hình lần lượt phát sóng trên các kênh HTV7, HTV9 đã cho thấy sự khởi sắc của đề tài, khắc phục tình trạng lâu nay nguồn kịch bản của kịch truyền hình không phong phú.
NSND Trần Minh Ngọc nhận xét cái khó của kịch truyền hình hiện nay là cạnh tranh với mạng xã hội và nền tảng số với kênh YouTube nở rộ. Do đó, góc nhìn mang tính nhân văn, tiếng cười đả phá tiêu cực phải hết sức thâm thúy, trí tuệ và chạm đến trái tim khán giả. Qua rồi cái thời cứ làm, ai không xem thì chuyển kênh. Kịch HTV đã có bước chuyển đáng mừng.
Các nhà chuyên môn cũng đánh giá cao nỗ lực làm phong phú, đa dạng đề tài của HTV và cho rằng chính khó khăn trong mùa dịch đã thúc đẩy đội ngũ sản xuất tìm giải pháp cho hướng đi mới. Có thể kể các vở kịch tìm được "chìa khóa" sáng tạo như: "Hoa phong ba", "Người giúp việc", "Tứ đại đồng đường"…
Theo NSƯT Ca Lê Hồng, việc dư luận phản hồi tích cực sau khi xem kịch trên HTV cho thấy nỗ lực đầu tư chất liệu từ những vấn đề người dân quan tâm, được đưa vào kịch bản đã đem đến cho khán giả nhiều thú vị khi thưởng thức. "Nếu phát động trong quần chúng việc sáng tác, phác thảo đề cương từng câu chuyện hay để viết và dựng kịch trong đợt này, sẽ mở ra một kênh thu nạp nguồn kịch bản từ trong đời sống của người dân. Nhất là các vở kịch nói về tâm hồn, đức tính hy sinh, đời sống tinh thần của đội ngũ y - bác sĩ tuyến đầu chống dịch, giữ an bình cho sức khỏe, tính mạng người dân" - NSƯT Ca Lê Hồng chia sẻ.
Bên cạnh một số tác giả kịch bản tên tuổi, các cây bút trẻ viết về sân khấu có khả năng thích ứng cũng đã tích cực tham gia, thúc đẩy sự thăng hoa và mang lại nguồn kịch bản đạt hiệu quả cao của ngôn ngữ truyền hình. Đạo diễn Nguyễn Minh Hải, Trưởng Ban Văn nghệ HTV, cho biết với tốc độ sản xuất chương trình hiện nay, cộng với tinh thần cống hiến của các nghệ sĩ, đạo diễn… là nguồn động viên lớn để sân khấu truyền hình thêm đa sắc. "Tất cả đều vì chất lượng nghệ thuật, không đặt nặng thù lao và giá trị cốt lõi chính là mang lại niềm vui, sự tươi tắn, tinh thần lạc quan cho khán giả xem truyền hình để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh" - đạo diễn Nguyễn Minh Hải nhận xét.
Giờ phát sóng quá khuya
Hầu hết các nhà chuyên môn và khán giả đều cho rằng khung giờ phát sóng các chuyên mục sân khấu truyền hình hiện nay rất ngặt. Có vở diễn hay nhưng phát lúc 23 giờ hoặc 24 giờ thì khán giả không thể thức xem. Đó cũng là lý do một số nghệ sĩ nổi tiếng không tích cực tham gia vì giờ phát sóng chưa được điều chỉnh.
Bình luận (0)