Trước khi sàn diễn sân khấu tại TP HCM tạm ngưng hoạt động theo chỉ thị của chính quyền thành phố, Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP HCM (HTV) đã có kế hoạch sản xuất các vở kịch mới, "dự trữ" nguồn sản phẩm để phát sóng phục vụ công chúng yêu kịch qua màn ảnh truyền hình khi không được đến rạp.
Cười duyên mang tính xây dựng
"Siêu thị cười" là chương trình thu hút nhiều cây bút ghi dấu ấn trên mặt trận văn hóa nghệ thuật như: Trần Văn Hưng, Vương Huyền Cơ, Đào Quyên, Như Ý, Trần Khương Duy… Với hình thức kịch ngắn, dùng tiếng cười phản ảnh những vấn đề xã hội đang được người dân quan tâm, thể hiện tiếng cười sạch, mang thông điệp xây dựng tích cực, "Siêu thị cười" đã tồn tại hơn 10 năm tiếp tục tạo được dấu ấn đẹp trong lòng khán giả trong mùa tuyên truyền phòng chống Covid-19.
Đạo diễn - NSƯT Lê Cường dàn dựng 3 vở: "Tin giả phạt thật", "Bán hàng online" và "Giải cứu ai đây". Vở đầu tiên phản ánh việc cơ quan chức năng đã xử phạt không biết bao trường hợp tung tin giả trên mạng xã hội liên quan đến dịch Covid-19, nhưng có vẻ như ý thức của người dân vẫn chưa được cải thiện. Tin giả vẫn khiến những người yếu tim có khi chưa chết vì dịch bệnh đã chết vì hoảng loạn bởi thông tin thất thiệt.
Cảnh trong vở kịch “Ông ngoại và thời đại” của đạo diễn Thu Hồng trên HTV4
Các nghệ sĩ hài có dịp trổ tài, đem lại tiếng cười qua những tin giả được tiếp nhận từ người cả tin nhưng may là trong gia đình, hàng xóm còn có người nhận thức vấn đề, ngăn chặn kịp thời hành vi: mua hàng tích trữ, ăn hột vịt lộn trị ho và khan họng… Vở "Bán hàng online" phản ánh hai mặt của vấn đề: sự tiện dụng trong việc mua hàng qua online giao tận nhà và chất lượng sản phẩm không như quảng cáo.
Vở "Giải cứu ai đây" phản ánh trong gam màu xám của dịch bệnh dần sáng lên những tia hy vọng về nghĩa cử đùm bọc nhau. Vở diễn cũng đặt ra một vấn đề hệ trọng hơn là mỗi gia đình phải "giải cứu" sự tiêu xài hoang phí trong mùa dịch, nhất là từ ý thức của con em mình. Nghệ sĩ hài Tấn Beo nói: "Tiếng cười trong kịch bây giờ phải mang tính đấu tranh".
Với thủ pháp dàn dựng mang ngôn ngữ truyền hình, các vở "Siêu thị cười" của HTV đã khai thác hiệu ứng từ cảm xúc khán giả, để mỗi người liên hệ với thực tế cuộc sống của gia đình mình, tìm cách ứng xử tốt hơn trong đời sống cộng đồng. "Siêu thị cười" thu hút đông các nghệ sĩ tên tuổi như: Tấn Beo, Hoàng Trinh, Ngọc Trinh, Hạnh Thúy, Quỳnh Hương, Linh Tý, Bích Trâm, Minh Dũng, Tuấn Dũng…
Kịch dài hướng đến cuộc sống
Từng một thời là thương hiệu giữ chân khán giả yêu kịch nhưng rồi sân khấu truyền hình mất dần ưu thế vì chất lượng suy giảm. Để lấy lại vị thế trong mùa đại dịch này, kịch dài của HTV đã hướng đến mũi nhọn nâng cao tính văn học cho sân khấu truyền hình.
Không ai có thể "giải cứu" kịch truyền hình nếu tự thân những người làm ra nó thiếu năng động tìm giải pháp tự cứu mình. "Cái khó hôm nay cho cơ hội để có thể chủ động thay đổi cách thức làm kịch truyền hình, làm mới các hình thức thể hiện, xây dựng cung cách làm kịch truyền hình lâu dài" - đạo diễn Nguyễn Minh Hải - Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP HCM - nói.
Cảnh trong chương trình “Siêu thị cười” trên HTV1. Ảnh: THU HỒNG
Vở kịch "Nếu như yêu" (kịch bản: Nguyên Thảo, đạo diễn: NSƯT Ngọc Trinh) đã nhận được lời khen vì đạt chất lượng nghệ thuật.
"Đây là vở kịch tâm lý xã hội có văn phong rất tốt. Chú Nguyên Thảo - cha đẻ của kịch bản cải lương "Xin một lần yêu nhau" - đã sáng tác vở này, xây dựng hình tượng người cha có trách nhiệm trong cuộc sống, để sự ích kỷ của con gái được tha thứ sau những mâu thuẫn suýt đẩy gia đình vào bi kịch. Chính cốt lõi kịch hay nên đạo diễn buộc phải chăm chút, diễn viên chịu tập dợt và tạo được hiệu quả hình ảnh tốt khi quay. Chưa kể đội ngũ kỹ thuật, quay phim, thiết kế mỹ thuật của HTV có động lực nên góp phần nâng cao chất lượng" - NSƯT Ngọc Trinh chia sẻ.
Thuận lợi cho kịch truyền hình hiện nay là nhiều diễn viên không còn bị chi phối do vừa đóng phim vừa đóng kịch, nên quá trình tập vở đạt hiệu quả.
Ngoài "Nếu như yêu", các vở "Bà mẹ hoàn hảo", "Coi mắt", "Thôi rồi rượu ơi!", "Ông ngoại và thời đại"… đã được quay hình.
Để có nhiều kịch bản đạt chất lượng, đội ngũ biên tập của HTV đã đặt hàng, tham gia từ khâu kịch bản cho đến dàn dựng, cảnh trí và âm nhạc, bảo đảm đạt chuẩn khi lên sóng.
Biên tập viên Thu Hồng cho biết: "HTV mời nhiều đạo diễn trẻ như Bùi Quốc Bảo, Ngọc Trinh, Minh Nhựt… tham gia dàn dựng. Đây là dịp để họ trau dồi và vận dụng kinh nghiệm giúp cho kịch truyền hình khởi sắc".
Hiện nay, khâu cảnh trí và kỹ xảo của kịch trên màn ảnh nhỏ đã được điều chỉnh. Các vở diễn mang đậm yếu tố thật và đẹp, có cả những cảnh quay ở phim trường ngoài trời đưa vào kịch truyền hình. Tuy nhiên, để thu hút khán giả không chuyển kênh trước vô số lựa chọn, các vở kịch vẫn phải có lực lượng diễn viên tên tuổi tham gia.
Đối với các nhà chuyên môn, khi có lực lượng làm nghề tốt, nguồn kịch bản hay và diễn viên giỏi thì không khó gì để kịch truyền hình tạo được uy tín qua những sản phẩm chất lượng, được khán giả xem đài yêu thích.
Tạo điều kiện để nghệ sĩ được cống hiến
Thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, Ban Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP HCM đã chỉ thị việc đầu tư kịch bản, chọn lựa cách thể hiện với nhiều hình thức nhằm làm phong phú các chương trình phát sóng phục vụ người dân, trong đó lãnh vực sân khấu truyền hình phải được ưu tiên chọn vở diễn phản ảnh đúng thời sự của mùa dịch.
Đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc cho rằng: "Kịch truyền hình HTV đã có bước chuẩn bị đáng khen. Vấn đề chính là tìm cho ra chìa khóa của ngôn ngữ kịch truyền hình. Một dạo có chủ trương cứ vác máy đến quay vở ngay tại sàn kịch rồi phát dần, không ổn chút nào vì ngôn ngữ truyền hình khác với ngôn ngữ sàn diễn. HTV phải luôn tạo mọi điều kiện để nghệ sĩ nhiều thế hệ, nhiều lĩnh vực được cống hiến cho nghề, không chỉ ở kịch mà hát bội, cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ, xiếc, ảo thuật, múa rối, múa dân gian, múa hiện đại...".
Bình luận (0)