Đến tham dự Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM có các ông: Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Ngô Thanh Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM…
Đại hội đã giới thiệu Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM nhiệm kỳ IX (2021 - 2025), gồm 25 người.
Chiều cùng ngày, Ban chấp hành nhiệm kỳ IX đã họp phiên đầu tiên, hiệp thương cử ra Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM và các chức danh lãnh đạo, gồm: Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu trở thành Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM nhiệm kỳ IX; hai phó chủ tịch là nhà thơ Lê Tú Lệ và nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy (Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM).
Ông Nguyễn Hổ Hải - Phó bí thư Thành ủy TP HCM (người thứ hai từ trái sang) và ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM (người thứ 4 từ trái sang) tặng hoa chúc mừng tân chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM - Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu
Đồng thời cũng hiệp thương cử ra Trưởng Ban Lý luận Phê bình là PGS TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban công tác tuyên giáo là nhà văn Trầm Hương.
Nhận xét về vai trò của văn nghệ sĩ trong tình hình mới, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, cho rằng Đại hội cần kiểm điểm, đánh giá sâu sắc việc thực hiện Nghị quyết số 23 - NQ / TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tiếp tục cổ vũ, động viên, khích lệ văn nghệ sĩ sáng tác về đất nước, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về công cuộc đổi mới, về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Ban Chấp hành.
Đối với các văn nghệ sĩ thuộc 9 Hội chuyên ngành, mặc dù trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Đại hội đã tổ chức trong điều kiện đảm bảo an toàn sức khỏe và thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa và nghề nghiệp quan trọng của đội ngũ cán bộ, hội viên và đông đảo văn nghệ sĩ.
Đây là dịp để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng nền tảng đạo đức, văn hoá, tinh thần của xã hội và vai trò, trách nhiệm hội, nghĩa vụ công dân của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong buổi thảo luận các đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề quan trọng và bàn luận về các giải pháp, phương hướng thực hiện.
Vấn đề cần chỉnh đốn văn hóa đô thị, xây dựng các công viên và không gian văn hóa để người dân được hưởng thụ, tạo khả năng sáng tạo để đưa những tác phẩm trưng bày ở các công viên văn hóa được đề cập trong phát biểu của GT TS - Nhà giáo Nhân dân - Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM.
Lãnh đạo TP cùng 25 văn nghệ sĩ tham gia BCH Liên hiệp các Hội VHNT nhiệm kỳ IX
NSƯT Trịnh Kim Chi - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, đã nêu quan ngại về hoạt động sân khấu xã hội hóa trước những khó khăn của dịch bệnh, hơn 2 năm sàn diễn không sáng đèn, nghệ sĩ, công nhân sân khấu xã hội hóa không có đồng lương để sinh sống, nhưng lửa nghề vẫn hừng hực. Bằng chứng sắp tới tại TP HCM sẽ đăng cai Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc đợt 2, có 15 đơn vị sân khấu xã hội hóa tham gia với hơn 20 vở diễn.
"Nghệ sĩ TP HCM mong nhận được sự hỗ trợ của TP để các sân khấu xã hội hóa có sự đầu tư của nhà nước và được quảng bá những tác phẩm đến công chúng, lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Kiểm soát chặt chẽ các chương trình biểu diễn trên các nền tảng mạng xã hội, trả lại cho không gian văn hóa mạng sự trong sạch" - NSƯT Trịnh Kim Chi phát biểu.
Các nhà chuyên môn và văn nghệ sĩ còn quan tâm đến việc bồi dưỡng và nâng cao về quan điểm chính trị, lý luận phê bình tại các Hội chuyên ngành để có thể đấu tranh hiệu quả chống lại những quan điểm, tư tưởng lệch lạc; Tập trung đầu tư sáng tác, hỗ trợ các văn nghệ sĩ để có các tác phẩm hay, đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức. Song song với việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết, giao lưu VHNT.
PGS TS Trần Luân Kim cho rằng các ngành Điện ảnh, Sân khấu, Nghệ thuật Múa…cần sự quan tâm, tạo đủ điều kiện và bản thân văn nghệ sĩ phải phấn đấu, rèn luyện, gắn với thực tế để tạo uy tín cho nghề nghiệp. Ngành văn học nghệ thuật tại TP HCM cần khắc phục hạn chế về Lý luận phê bình, đồng thời Liên hiệp cần sáng tạo gắn với thực tiễn, trong đó lý luận phê bình là kính soi, cầu nối giữa văn nghệ sĩ với công chúng.
Bình luận (0)