Ông Jimmy Phạm Nghiêm - Giám đốc Công ty CP Hãng phim Chánh Phương, ngày 23-11 đã công khai văn bản thông báo vụ kiện chống lại Công ty TNHH TP Entertainment (do vợ chồng Thanh Thúy - Đức Thịnh đại diện), đã được TAND quận 1, TP HCM thụ lý. Theo thông tin từ văn bản, lý do kiện là "tranh chấp hợp đồng góp vốn".
Cụ thể, Công ty CP Hãng phim Chánh Phương yêu cầu Công ty TP Entertainment thanh toán hơn 5,9 tỉ đồng. Trong đó, tiền góp vốn còn lại là hơn 4,4 tỉ đồng; lãi vay phát sinh là hơn 585 triệu đồng; chi phí quảng cáo và quảng bá phim là hơn 840 triệu đồng. Vụ kiện liên quan đến phim "Người cần quên phải nhớ" ra rạp Việt vào năm 2020, do Đức Thịnh đạo diễn, Charlie Nguyễn làm giám đốc sản xuất. Phim thua lỗ khoảng 23 tỉ đồng sau khi ra rạp.
Việc phân xử chưa biết sẽ thế nào, phần thắng thuộc về ai nhưng đây không phải lần đầu những mâu thuẫn, tranh chấp trong điện ảnh hoặc liên quan điện ảnh được đưa lên tòa án nhờ phân xử.
Vào tháng 4, vụ kiện "Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ" giữa nhà thơ Trương Minh Nhật với ông Đoàn Đông Đức (tức nhạc sĩ Quách Beem), Công ty TNHH Lý Hải Production (do ca sĩ Lý Hải thành lập) đã được kết luận tại TAND TP HCM. HĐXX sơ thẩm công nhận người sáng tác bài thơ "Gánh mẹ" là ông Trương Minh Nhật. Tuy nhiên, thời điểm Công ty TNHH Lý Hải Production ký hợp đồng khai thác bài hát với nhạc sĩ Quách Beem để làm nhạc phim "Lật mặt 4", tranh chấp bản quyền chưa xảy ra. Do đó, Công ty TNHH Lý Hải Production không cần bồi thường cho nguyên đơn là nhà thơ Trương Minh Nhật.
Năm 2019, diễn viên Dustin Nguyễn thông báo nộp đơn khởi kiện Công ty CGV và Công ty New Arena - nhà sản xuất phim "Bóng đè", lên TAND quận 2, TP HCM. Trong đơn, Dustin Nguyễn khởi kiện bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Trước đó, phía nhà sản xuất phim "Bóng đè" ra thông cáo chính thức khởi kiện Dustin Nguyễn vì đưa những thông tin không chính xác, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị này và đạo diễn Lê Văn Kiệt, cũng như việc Dustin Nguyễn phát ngôn tại buổi họp báo đã phá vỡ cam kết bảo mật thông tin hai bên đã ký trước đó. Vụ việc đến nay chưa có thêm thông tin.
Phim “Người cần quên phải nhớ” là một dự án lỗ nặng. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Việc xác định đúng sai, phân xử như thế nào thì phải chờ phán quyết cuối cùng của tòa án. Đây cũng là lúc để tòa án, với vài trò là bên thứ ba khách quan, tham gia vào xác định tính đúng sai của vụ việc.
Những tranh chấp, mâu thuẫn trong điện ảnh giữa diễn viên và nhà sản xuất, giữa nhà sản xuất với nhau, giữa đạo diễn và nhà đầu tư… không phải ít. Nhưng trước đây, những vụ việc này thường được giải quyết qua thỏa thuận đôi bên. Họ sợ phiền toái thời gian và công sức nên đôi khi hai bên chấp nhận bỏ qua hoặc chọn cách khẩu chiến trên mạng xã hội, chỉ trích, lật mặt nhau.
Vài năm gần đây, khi thị trường phim phát triển rộng mở, tòa án được chọn là nơi giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn. Nhiều người trong giới nhận định đây là lối hành xử văn minh và cần có trong điện ảnh thời gian tới.
Việc tin tưởng vào luật pháp, đưa vụ việc để tòa án phân xử sẽ tốt hơn nhiều với những cách giải quyết mâu thuẫn tự phát hay chấp nhận phần thua thiệt do lo ngại tốn thời gian, công sức đối chấp tại tòa.
Bình luận (0)