xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiều Phượng Loan: "Nghề hát chở che đời tôi"

Thanh Hiệp thực hiện

Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan cho biết biến cố trong cuộc đời mình giúp bà càng thêm yêu nghề để tiếp tục đồng hành với diễn viên trẻ đến bây giờ

.Phóng viên: Tính đến thời điểm này, nhìn lại nghề diễn viên mà mình đã theo đuổi hơn 40 năm qua, chị đúc kết được điều gì?

- Nghệ sĩ KIỀU PHƯỢNG LOAN: Đó là cái nghề cho tôi nhiều ước mơ. Ngay từ bé, nhìn thấy người chú ruột của mình là nghệ sĩ Út Hiền đứng trên sân khấu, tôi đã mơ lớn lên được theo nghề của chú. Ông đã truyền ngọn lửa yêu cải lương cho tôi. Năm tôi 15 tuổi, biết được niềm khao khát của con, ba đã động viên tôi thi vào khoa diễn viên Trường Quốc gia kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM). Chính ba tôi chứ không ai khác đã mang lại sự an tâm, luôn hun đúc ý chí và khát vọng làm nghề diễn viên để mỗi ngày tôi trưởng thành hơn, dấn thân vào nghiệp ca diễn. Có thể nói, tôi biết nuôi dưỡng khát vọng làm nghệ sĩ từ một gia đình luôn ủng hộ mình và tôi không phụ lòng họ, lao vào những khó khăn của nghề. Cho đến thời điểm này, tôi hiểu rõ giá trị của nghề hát, thế giới màn nhung chở che cho đời tôi sau nhiều biến cố.

Kiều Phượng Loan: Nghề hát chở che đời tôi - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan. Ảnh: THANH HIỆP

Không bao giờ phủ nhận quá khứ

.Biến cố nào để lại dư chấn mạnh trong cuộc đời, trở thành động lực giúp chị gặt hái thành công trên bước đường nghệ thuật?

- Tôi cũng như một số nghệ sĩ cải lương vừa là đào chánh vừa gánh vác trọng trách làm bầu gánh hát. Mẫu số chung của chúng tôi là nợ nần chồng chất. Nhìn lại quãng đời đã qua, tôi thấy mình đã nhiều lần làm cho gia đình buồn khổ, lo lắng vì sự hiếu thắng của tôi. Từ chuyện nợ nần dẫn đến đoàn hát giải thể, tôi gần như bỏ nghề gần 10 năm. Sau thời gian rời xa sàn diễn, tôi chợt hiểu, món nợ lớn nhất mà tôi phải trả chính là lòng yêu nghề mà do biến cố liên tục xảy ra khiến tôi phải rời xa nó. Tôi nhớ nhất khi trở lại sân khấu là được diễn vở "Tấm lòng của biển" của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, được hóa thân vào vai Thanh, diễn bên cạnh nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa, NSƯT Hùng Minh… Vai diễn này đã cho tôi thể hiện rõ ý chí của mình. Lầm lỗi của Thanh cũng gần giống tôi nên tôi đã khóc cho chính những hối hận của mình. Tôi càng hiểu hơn rằng giá trị vật chất có thể tìm được khi mình còn sức khỏe, có điều kiện, còn giá trị đạo đức, bản thân mình phải tự trau dồi mới có. Tôi cảm ơn những biến cố đã cho tôi có nhiều trải nghiệm, cảm xúc để ứng dụng vào nhiều vai diễn sau này.

.Trong sự nghiệp hàng trăm vai diễn, chị thích nhất nhân vật nào?

- Vai nữ vương trong vở "Truyền thuyết tình yêu" của soạn giả Nhị Kiều. Bằng bút pháp dạt dào tình cảm, bà gửi vào kịch bản rất nhiều thông điệp đẹp. Tình yêu không thể coi nhẹ sự hy sinh. Lấy bản sắc giữ gìn hạnh phúc để bảo vệ tình thương yêu giữa con người. Nữ vương sẵn sàng hy sinh nhan sắc để cứu em mình, hy sinh cả tình yêu, khi biết em gái mình cũng yêu chàng trai dũng cảm đó. Tôi học được nhiều điều hay từ vai diễn này. Đó là không bao giờ phủ nhận quá khứ của mình và không gieo rắc sự hoài nghi trước mục đích cao đẹp của nghề hát. Khi biết tôi quay lại sàn diễn sau 10 năm vắng bóng, NSND Kim Cương bày tỏ niềm vui mừng. Bà khuyên tôi hãy cố gắng đồng hành với các diễn viên trẻ, để trao truyền bài học quý mà tôi được thọ giáo từ thế hệ đi trước.

Tôn sư trọng đạo

.Chị định nghĩa cấu trúc nghề hát như thế nào khi có quá nhiều sự tác động từ cuộc sống đối với chị?

- Môi trường văn hóa mà tôi được hưởng thụ may thay đã tạo ra nhiều giá trị sống đúng nghĩa của người làm nghệ thuật. Thầy tôi thời đó là nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Duy Lân, Kim Cúc, danh cầm Chín Trích… đã truyền dạy nhiều bài học về tính nhân văn trong mỗi vai tuồng. Tất cả những sáng tạo nghệ thuật đều phục vụ nhân sinh, hướng con người đến cái đẹp, cái thiện. Từ nỗ lực bản thân và cả lớp học, chúng tôi gồm: Mỹ Chi, Tú Trinh, Huỳnh Thanh Trà, Mai Thành, Đỗ Quyên, Thoại Miêu… bước vào nghề và tự hào là học trò của các thầy cô đó. Sau này, khi về Đoàn Kịch nói Kim Cương, được làm việc với các đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Đoàn Bá, Bắc Sơn…, tôi hiểu rõ hơn về thuật ngữ "văn học nghệ thuật phải xuất phát từ cuộc sống". Cấu trúc nghề hát tôi đúc kết cho riêng mình chính là tôn sư trọng đạo, hướng mọi nỗ lực làm giàu thêm giá trị của nghề ca diễn. Hiểu được cấu trúc đó, người nghệ sĩ sẽ đi đúng hướng.

.Nhìn lại quãng đường đời khá chông gai của mình, để có được những ứng xử đúng đắn, không bị cuốn theo cái sai, điều dở, chị cảm nhận sâu sắc nhất điều gì?

- Sự khoan dung của khán giả đối với nghệ sĩ. Khán giả dễ giận, do nghệ sĩ sơ suất hoặc chủ quan gây ra, nhưng rồi sau đó nhanh chóng quên đi. Người thân luôn là chỗ dựa cho mình trong những biến cố của cuộc đời. Tôi có được sự bình tĩnh để quay lại sàn diễn, tiếp tục làm nghề là nhờ ba tôi an ủi, khuyên nhủ tôi rất nhiều. Cần ứng xử đúng đắn những lúc mình rơi vào trạng thái khủng hoảng.

.Theo chị điều gì dễ chi phối lý tưởng của người nghệ sĩ?

- Có quá nhiều đặc tính, thói quen xấu trong đời sống nghệ sĩ tác động đến nghề nghiệp. Tôi đã từng bị những tác động của cuộc sống chi phối nghề hát. Nhưng rồi sau từng đêm cánh màn nhung khép lại, nhìn thấy khán giả đội mưa đi xem hát, dành trọn tình thương yêu cho nghệ sĩ, tôi lại suy nghĩ. Nếu cứ lo cho lợi ích cá nhân thì người nghệ sĩ sẽ không thực hiện được lý tưởng của mình.

Lận đận tình duyên

.Chị là người phụ nữ hạnh phúc?

- Số tôi lận đận trong tình duyên. Hạnh phúc cũng có lần đến nhưng rồi không lâu sau đó rời xa tôi. Hôn nhân cũng đổ vỡ nên tôi trở thành người mẹ đơn thân nhiều năm. Con trai tôi đã lớn, cảm thông cho nghề diễn viên của mẹ và là niềm an ủi hiện nay của tôi mỗi khi nghĩ về hạnh phúc.

.Có điều gì khiến chị hối tiếc dai dẳng?

- Tôi nghĩ số phận mỗi người mỗi khác. Không thể so sánh mình với người khác. Vậy nên cũng không buồn. Thiệt thòi của phận đời mình đã được bù đắp bằng món quà quá lớn đó là tình yêu thương của công chúng. Tôi chỉ tiếc là mình không còn đủ sức khỏe để tiếp tục đồng hành với các diễn viên trẻ. 

Mong muốn tạo ra thế hệ khán giả mới cho cải lương

Gắn bó với Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP HCM từ nhiều năm qua, ngoài các chương trình: "Làn điệu phương Nam", "Cầu vồng tuổi thơ", "Sân khấu học đường"..., nghệ sĩ Kiều Phượng Loan như người đầu tàu của CLB Sân khấu Lạc Long Quân, dàn dựng các vở cải lương ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, truyền đạt kinh nghiệm diễn xuất cho đàn em. Chị cũng là một trong nhiều nghệ sĩ đã góp phần đưa chương trình "Sân khấu học đường" đến gần với công chúng trẻ, mong muốn tạo ra thế hệ khán giả mới cho cải lương.

Nhìn thực trạng chung của môi trường văn hóa hiện nay, nghệ sĩ Kiều Phượng Loan bày tỏ: "Chúng ta thiếu nhiều về thiết chế văn hóa, rạp hát cứ mất dần, sân chơi đúng chuẩn bị mai một. Văn hóa nghệ thuật truyền thống chưa được nuôi dưỡng ngay từ nhà trường. Do vậy, có nhiều lỗ hổng trong việc duy trì đời sống văn hóa lành mạnh".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo