NSND Kim Cương và nhạc sĩ Lam Phương
Đối với bà, từng vai kịch của thời bà bước vào nghề đều có sự ảnh hưởng từ âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này.
Lau nước mắt xót thương người bạn, người đồng nghiệp và trên hết là một nhạc sĩ tài hoa đã ra đi, NSND Kim Cương chia sẻ: "Tôi và nhạc sĩ Lam Phương gắn bó trong những ngày đầu chúng tôi cùng nhau tìm tòi hướng đi mới cho thoại kịch miền Nam. Gọi là đánh dấu kỷ niệm mùa giáng sinh nhớ nhất trong cuộc đời của tôi, chính là tháng 12 năm 1964, khi đó sau khi tôi từ Pháp du học trở về, dựa theo vở cải lương "Lan và Điệp" rất ăn khách của đoàn hát mà má Năm Phỉ của tôi, tức là chị ruột của má tôi - NSND Bảy Nam, để tôi sáng tác vở kịch "Duyên kiếp lỡ làng". Khi đó để cho việc thoại kịch có sức hút, tôi đặt hàng nhạc sĩ Lam Phương viết một bài hát. Ban đầu anh ấy cũng phân vân vì không biết sẽ hát bài hát này lúc nào khi mà dòng thoại kịch đang tuôn trào thì bài hát xuất hiện làm sao để đắt giá?" – Kỹ nữ Kim Cương miên man kể trong niềm xúc động.
NSND Kim Cương thời lập ban thoại kịch năm 1964 và hiện nay
Và ca khúc "Duyên kiếp lỡ làng" đã được ra đời, với phần nhạc thì Lam Phương lo, phần thoại kịch thì bà lo.
"Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Non cao đất rộng biết đâu mà tìm? Đường đời mịt mờ vạn nẻo về đâu. Mong chờ duyên kiếp đưa lối bắc cầu. Em ơi nhắc lại phút xưa gặp nhau; Trên đê vắng người lúc tan chợ chiều. Ngại ngùng mỗi lần anh đến làm quen; Má em ưng hồng vì quá thẹn thùng…"
Và sau đó, bà quyết định đổi tựa vở kịch là "Lá sầu riêng".
Nhạc sĩ Lam Phương
"Tôi gắn bó với sân khấu, cứ đến hẹn lại lên, Noel mỗi năm là thòi điểm Kịch Kim Cương phải chuẩn bị làm vở mới. Nhạc sĩ Lam Phương thời đó lãng mạn lắm, cứ thấy lá vàng rơi là bắt đầu chiêm nghiệm những vấn đề đặt ra từ cuộc sống để thúc tôi làm kịch. Mà thoại kịch thời đó mới chào đời, được khán giả trẻ ủng hộ ở Sài Gòn, nên cứ mỗi lần tôi nghĩ ra ý tưởng nào mới thì tôi lập tức hẹn Lam Phương để bàn bạc, hình thành "bộ xương sống" cho một vở kịch.
Nhìn lại với hơn 70 tác phẩm thì có hơn 2/3 đều viết vào thời điểm Giáng sinh. Thứ nhất là vì nó cận Tết, thứ hai đây là thời khắc dễ tìm kiếm những chất liệu để đưa vào kịch. Vì khí trời se lạnh, con tim nghệ sĩ dễ tìm thấy sự cô độc, từ đó mà đặt mình vào nhân vật để sáng tác. Và tôi không ngờ người nhạc sĩ tài hoa mà tôi quý trọng đã ra đi vào mùa giáng sinh" - Kỳ nữ Kim Cương khóc.
NSND Diệp Lang và các nghệ sĩ ở hải ngoại đến thăm nhạc sĩ Lam Phương năm 2019
Chẳng biết có phải tâm hồn nghệ sĩ thường cảm thấy cô độc mỗi khi nghe chuyện "sinh ly, tử biệt", nhưng với NSND Kim Cương bà vẫn thường ví von: "Đời tôi viết kịch, diễn kịch cho chính mình tôi chẳng chịu thua một nhân vật nào hết. Tôi có thể làm mẹ, làm con, làm cháu, làm bà trưởng đoàn, làm người chịu trách nhiệm về mặt nghệ thuật, kể cả chuyện quản lý một gánh hát, thế nhưng có một vai trò mà tôi không làm được, đó là làm vợ. Lam Phương thường cười mỗi khi tôi nói điều này, cho nên ông cũng bỏ luôn hai chữ "lỡ làng", để bài hát chỉ còn mang tên "Duyên kiếp". Nó có tuổi thọ cao cho đến tận bây giờ, rứt ra khỏi đời sống của một vở kịch để thành bài hát độc lập, rồi đi vào đời sống nó được dân gian đặt lời hai, lời ba.
Một lần Lam Phương chạy xe gắn máy đến đoàn kịch gặp tôi kể: "Bà biết chuyện gì chưa? Bài hát của vở kịch mình bây giờ thiên hạ thêm lời có duyên lắm!". Tôi chưa hiểu chuyện gì, Lam Phương hát một hơi: "Em ơi nếu mộng không thành thì sao, mua chai thuốc chuột uống vô rồi đời". Chúng tôi cười, vậy là thành công rồi. Khán giả chịu nên mới đặt lời "dân gian", vậy thì cứ thế mà viết kịch, viết nhạc" - bà kể lại trong niềm hãnh diện và ghi ơn người nhạc sĩ có công cùng bà "phá đường, làm kịch" tại miền Nam trong những năm đầu Sài Gòn chỉ độc tôn cải lương chiếm lĩnh sàn diễn.
Bình luận (0)