Dự án phim điện ảnh "Đất rừng Phương Nam" dựa theo tác phẩm kinh điển trên màn ảnh nhỏ "Đất Phương Nam" sẽ được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện. Dự án này đang ở giai đoạn tuyển diễn viên và chưa công bố về thời điểm ra mắt phim.
Khai thác đa chiều
Phim truyền hình "Đất Phương Nam" được chuyển thể từ tiểu thuyết "Đất rừng Phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi, ra mắt khán giả năm 1997. Phim do NSƯT Nguyễn Vinh Sơn làm đạo diễn, lấy bối cảnh Nam Bộ thời kỳ bị thực dân Pháp và bọn cường hào, địa chủ cai trị. "Đất Phương Nam" được đánh giá là tác phẩm truyền hình vang bóng một thời và có sức sống vượt thời gian.
Đến nay, sau 25 năm, phim này sẽ được làm mới với bản điện ảnh. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, anh cùng ê-kíp mong muốn bản điện ảnh sẽ kế thừa, phát triển trên nền tảng vững chắc của tiểu thuyết nguyên tác và bản phim truyền hình. Là một người con của vùng đất Nam Bộ, anh muốn một lần nữa tái hiện câu chuyện hào hùng của quê hương trên màn ảnh rộng, để khán giả được ngắm nhìn sự trù phú của thiên nhiên phương Nam.
Phim “Đất rừng Phương Nam” dự kiến ra mắt trong năm 2022 (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ thêm tựa phim được giữ gần với tựa gốc, kỳ vọng có thể làm được những gì mà bản truyền hình đã bỏ lỡ. NSƯT Nguyễn Vinh Sơn - cố vấn sản xuất bản phim điện ảnh - hé lộ vì thời điểm 25 năm trước còn nhiều hạn chế nên đoàn phim "Đất Phương Nam" phải "liệu cơm gắp mắm", bỏ đi nhiều yếu tố "rừng" trong tác phẩm gốc.
Mới đây, nhà sản xuất CGV Việt Nam cũng công bố áp-phích phim "Người đẹp Tây Đô: Chuyện đời chưa kể" trên Fanpage với dòng chú thích: "Trải qua 26 năm từ lần đầu phim được phát sóng vào năm 1996, sẽ ra sao khi "Người đẹp Tây Đô" chính thức được đưa lên màn ảnh rộng? Cùng nhau đón chờ ai sẽ vào vai "Người đẹp Tây Đô" với những góc khuất chưa từng được kể". Thông tin phim mới này chưa được công bố chi tiết nhưng áp-phích cho thấy "Người đẹp Tây Đô" sẽ là tác phẩm làm mới kế tiếp lên màn ảnh rộng.
Phim Việt làm mới từ các tác phẩm thương hiệu, ăn khách là chuyện không hiếm. Trước đó, phim "Bẫy ngọt ngào" của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư cũng làm mới từ loạt sit-com (phim hài tình huống) "Chiến dịch chống ế". Phim này đang chờ ra rạp sau thời gian dài phải dời lịch do dịch Covid-19.
Xa hơn nữa, năm 2018, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng đã làm mới phim điện ảnh "Bến không chồng" thành phim truyền hình "Thương nhớ ở ai". Phim truyền hình này sau đó đã được tôn vinh bằng nhiều giải thưởng trong lễ trao Giải Cánh diều.
Khán giả hưởng lợi
Tuy vậy, thông tin phim "Đất Phương Nam" sắp được làm mới trên màn ảnh rộng cũng nhận không ít bình luận trái chiều từ khán giả. Một số người hào hứng chờ xem tác phẩm sẽ thế nào, có gì mới lạ so với bản truyền hình không. Số khác lại cho rằng nhà làm phim Việt nên tập trung thực hiện các tác phẩm mới.
Thực tế, việc các phim Việt hóa từ tác phẩm nước ngoài, chuyển thể từ tác phẩm văn học, từ web-drama (phim chiếu mạng) có sẵn tiếng vang hay làm mới từ các tác phẩm kinh điển được xem là giải pháp tình thế do tình trạng thiếu kịch bản hay. Nhà làm phim không tìm được kịch bản đủ hấp dẫn khán giả nên để an toàn, họ buộc phải làm lại những câu chuyện đã được khán giả yêu thích.
"Kịch bản hay luôn thiếu trên cả thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Ngay cả Hollywood còn phải làm lại nhiều phim của nước khác. Hàn Quốc cũng mua bản quyền làm lại các phim hay, vẫn tạo tiếng vang" - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận xét.
Đồng quan điểm này, nhà báo Cát Vũ cho rằng nhiều nước cũng làm mới lại những tác phẩm kinh điển và tiếp tục chinh phục khán giả. Vì vậy, việc chọn lựa Việt hóa, chuyển thể hay làm mới không quan trọng mà quan trọng là kể được một câu chuyện hay, đầy thuyết phục.
"Tôi thấy làm mới tác phẩm thương hiệu không dễ như mọi người nghĩ bởi phim truyền hình nhiều thời lượng, có thể miêu tả chi tiết từng việc nhưng điện ảnh thì gói gọn trong 90-120 phút. Việc phải thu gọn và còn sáng tạo cho bản làm mới hẳn không phải là chuyện dễ. Mỗi phương thức có ưu điểm và nhược điểm riêng nên nhà làm phim sẽ phải tìm cách nâng cao ưu điểm và giảm nhược điểm. Nhưng dẫu sao, một câu chuyện hay cũng xứng đáng được kể đi kể lại với các góc nhìn khác nhau. Dù dưới góc khai thác nào, khán giả cũng có lợi bởi được thưởng thức góc nhìn đa chiều từ các nhà làm phim" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Theo nhà biên kịch Thanh Hương, làm mới tác phẩm đã có thương hiệu dù có lợi thế về mặt danh tiếng nhưng cũng gặp không ít bất lợi vì các tác phẩm này đều đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Phiên bản mới muốn thành công buộc phải có yếu tố đặc biệt hơn, từ câu chuyện đến diễn xuất của diễn viên, nếu không thì sẽ dẫn đến thất bại. Với những câu chuyện hay như "Đất Phương Nam", việc làm lại là hợp lý để phục vụ khán giả trẻ và cả những khán giả từng say mê bản truyền hình muốn tìm kiếm lại kỷ niệm từ bản điện ảnh.
Bình luận (0)