Vô số phim Việt "mang chuông đi đánh xứ người" mỗi năm và cũng gặt hái không ít giải thưởng. Tuy nhiên, những giải thưởng được vinh danh đôi lúc mang tính cá nhân, niềm vui riêng của ê-kíp sản xuất mang tính động viên hơn là niềm vui chung minh chứng cho sự phát triển của điện ảnh Việt.
Đâu là giá trị thật?
Gần đây, người làm nghề và khán giả bất ngờ bởi phim điện ảnh "Kiều" do Mai Thu Huyền làm nhà sản xuất, đạo diễn và tham gia diễn xuất, nhận giải "Most Outstanding Film of the Year" (bộ phim xuất sắc nhất của năm) tại sự kiện "Once Upon Vietnam" thuộc khuôn khổ Asian World Film Festival (AWFF - LHP Thế giới châu Á) lần thứ 7 tại Mỹ.
Cảnh trong phim “Kiều” (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Không chỉ có "Kiều", đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thắng hạng mục "Đạo diễn xuất sắc nhất" tại một sự kiện bên lề khác cũng thuộc khuôn khổ AWFF nhờ phim nhiều tập "Phượng khấu". Ê-kíp hai phim tự hào về giải thưởng và một vài phương tiện truyền thông cũng thông tin rộng rãi việc này, chung vui cùng ê-kíp. Điều gây bất ngờ là cả hai phim không phải tác phẩm xuất sắc, được khán giả trong nước trước đó tán thưởng.
Phim "Kiều" là tác phẩm lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du và được làm theo thể loại kỳ ảo, không theo bản gốc để dễ phần sáng tạo. Nội dung phim khắc họa một lát cắt nhỏ trong cuộc đời 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều, xoáy vào chuyện tình tay ba giữa Thúy Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư.
Phim có sự đầu tư về mặt bối cảnh, trang phục nhưng phần kịch bản có nhiều chi tiết vô lý, thiếu thuyết phục khán giả, nữ diễn viên chính còn non trẻ trong diễn xuất, chưa thể hiện tốt vai diễn. Ra rạp từ ngày 9-4 nhưng theo Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ), tính đến chiều 21-4, phim chỉ thu được hơn 2,6 tỉ đồng.
Trong khi đó, "Phượng khấu" từng được khán giả chờ đợi bởi đây là tác phẩm dã sử khai thác cuộc đời của bà Phạm Hiệu Nguyệt (tức Từ Dụ hoàng thái hậu) của triều Nguyễn. Tuy nhiên, phim gây thất vọng vì phần kịch bản dài dòng và dàn diễn viên lớn tuổi, lối diễn xuất còn nặng chất kịch.
Vì không phải tác phẩm ghi dấu ấn của điện ảnh Việt nhưng lại thắng giải quốc tế gây nên bất ngờ ban đầu nhưng khi tìm hiểu thì thực tế các giải trên đều không nằm trong hạng mục chính của AWFF hoặc phải cạnh tranh cùng các tác phẩm quốc tế khác.
Trong đó, phim "Kiều" nhận giải tại sự kiện "Once Upon Vietnam" là một sự kiện được tổ chức lần đầu tiên, diễn ra với sự kết hợp giữa ban tổ chức của AWFF và bộ ba doanh nhân trẻ người Mỹ gốc Việt đến từ Công ty Saigon Medicare và Prodocbus gồm: BS Jonathan Huỳnh Gia Bảo, Philippe Lam và Iris Mai Lam. "Phượng khấu" thì được chiếu cùng với phim "Bố già" tại Vietnam Film Day dành cho phim Việt và giải thưởng của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng không nằm trong hạng mục chính của AWFF.
Rõ ràng, các giải thưởng này mang nhiều tính chất động viên, cổ vũ tinh thần, không mang giá trị công nhận về chất lượng, tôn vinh sự phát triển nghề bởi thiếu việc "đãi cát tìm vàng", cạnh tranh cùng các phim quốc tế.
Khó thuyết phục khán giả
Trước đây, điện ảnh Việt từng sử dụng giải thưởng quốc tế như một phương tiện để quảng bá phim, thu hút sự chú ý của khán giả. Nhiều quan niệm cho rằng phim thắng giải thưởng quốc tế là một sự công nhận, một sự bảo đảm về mặt chất lượng của tác phẩm. Đôi lúc, nhà sản xuất cố thổi phồng thành tích, đính kèm giải thưởng vào phim để phản bác những nhận xét trái chiều về tác phẩm của mình.
Tuy nhiên, khi các LHP quốc tế nở rộ, cần thu hút nhiều phim tham gia, lôi kéo khán giả chú ý đến LHP cũng như tăng thêm giá trị kinh doanh thì khán giả bắt đầu nhìn nhận khắt khe về các giải thưởng quốc tế. Ngoài những LHP danh tiếng trong khu vực hiện nay như LHP Quốc tế Busan hoặc các LHP lâu đời, có thương hiệu riêng như LHP Berlin, LHP Cannes, LHP Venice... thì để thuyết phục khán giả quan tâm các giải thưởng quốc tế đạt được của phim Việt khá khó khăn. Hẳn nhiên, việc "mang chuông đi đánh xứ người" là sự chủ động theo nhu cầu của các nhà sản xuất, ê-kíp phim nhưng giải thưởng có xứng đáng, có giá trị thật đáng để khoe thành tích còn phải xem có thuyết phục khán giả hay không.
"Chúng ta không thể cấm hay khuyên nhà làm phim nên đến LHP nào và không nên đến LHP nào, kể cả họ có chấp nhận những LHP ảo để lấy danh ảo cũng là quyền của họ. Khán giả ngày nay tinh tế, có kiến thức, tiếp cận nhiều nguồn thông tin nên hoàn toàn có thể biết được đâu là giá trị thật, đâu là giá trị ảo, đâu là vàng, đâu là thau. Khán giả cũng không vì phim này gặt hái giải thưởng quốc tế này, quốc tế kia để quyết định có xem phim hay không" - biên kịch Thanh Hương nói.
Đạo diễn kiêm biên kịch Kay Nguyễn cho rằng thị trường sẽ tự đào thải những giá trị ảo và để lại những giá trị thật cũng như thải loại những phim không phù hợp và ngược lại.
Phim Việt tham gia LHP quốc tế, các giải thưởng quốc tế cũng không phải chuyện hiếm lạ. Đây cũng là một sự cọ xát, học hỏi kinh nghiệm để tìm cơ hội khẳng định sự tiến bộ của điện ảnh Việt và cũng có những tác phẩm hiếm hoi được vinh danh, khiến giới làm phim tự hào.
Bên cạnh đó những LHP online, LHP ảo được lập với mục đích kêu gọi quyên góp sẽ có giải thưởng hoặc các giải thưởng chỉ là bên lề sự kiện chính, tôn vinh tác phẩm theo kiểu động viên, phim tham gia sẽ có giải, có quà, không có giá trị thật cũng đua nhau nở rộ.
Cách đây vài năm, một số giải thưởng quốc tế tại các LHP dành cho phim Việt bị bóc mẽ không có giá trị trong làng phim quốc tế và không phải cái gì gắn mác quốc tế cũng đồng nghĩa có giá trị tương ứng như San Francisco International New Concept Film Festival, Worldfest Houston International Film &Video Festival, Film Festival of Globe...
Bình luận (0)