Hiện tượng làm mới bài tân cổ giao duyên bằng cách đưa các thể loại nhạc trẻ hiện đại vào để thu hút giới trẻ của các nghệ sĩ cải lương đã gây ra tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều của người trong giới.
Đưa nhạc rock, rap, pop vào bài vọng cổ
Rộ lên trong các chương trình đại nhạc hội và trên mạng là hiện tượng đưa nhạc rock, rap, pop vào bài vọng cổ, hay nói đúng hơn là bài tân cổ giao duyên. NSƯT Minh Vương và soạn giả Đăng Minh góp phần không ít khi mang đến cho khán thính giả những bài tân cổ giao duyên mang tính hiện đại như: "Con bướm xuân", "Vợ người ta hay", "Bạc trắng tình đời", "Ngẫu hứng Chí Phèo", "Thao thức vì em", "Nhỏ ơi", "Áo dài ơi"... NSND Bạch Tuyết cũng đã có những bản "cổ nhạc hóa" các bài nhạc trẻ được khán giả trẻ yêu thích như: "Em gái mưa", "Lạc trôi", "Người lạ ơi", "Chạm khẽ tim anh một chút thôi", "Sống xa anh chẳng dễ dàng", "Đừng hỏi em"…
NSND Bạch Tuyết thu hút công chúng yêu cải lương qua các bài "vọng cổ hóa" ca khúc nhạc trẻ đang ăn khách: "Em gái mưa", "Chạm khẽ tim anh một chút thôi", "Sống xa anh chẳng dễ dàng", "Đừng hỏi em"…(Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Trong chương trình "Sao nối ngôi", con gái của vợ chồng nghệ sĩ Châu Thanh và Ngọc Huyền Châu là ca sĩ Châu Ngọc Tiên đã thể hiện một tiết mục ấn tượng: phối tiết tấu nhạc rock, rap cho bài vọng cổ và thử nghiệm tạo nền nhạc EDM (nhạc sôi động được tạo ra từ các thiết bị điện tử) cho bài bản "Mạnh Lệ Quân". Những điển hình trên đã được sự đón nhận rất đông đảo của khán giả trẻ. Các ấn phẩm này được tải trên các diễn đàn nghệ thuật và có lượng truy cập rất cao. Các ca sĩ trẻ cũng hồ hởi, mong muốn các ngôi sao sân khấu cải lương "vọng cổ hóa" ca khúc đang ăn khách của mình để có thêm thị phần của công chúng yêu thích cải lương.
Diễn viên trẻ Hồng Phượng - con gái nghệ sĩ Hồng Nhung, cháu ruột NSƯT Vũ Linh - vừa phát hành DVD cải lương "Nối nghiệp cội nguồn" hoặc ca sĩ Hoài Anh Kiệt thực hiện các MV, ca sĩ Dương Đình Trí - con trai NSND Lệ Thủy - với DVD "Bước chân hai thế hệ", nghệ sĩ Ngọc Nhung (HCV Trần Hữu Trang)... cũng đã có những ấn phẩm "tân cổ giao duyên" dựa theo nhạc trẻ, tạo sự chú ý trên thị trường.
Quan điểm khác nhau
Soạn giả Đăng Minh, người cùng NSƯT Minh Vương đưa nhạc trẻ vào bài tân cổ giao duyên, phân tích: "Khi bài vọng cổ phối ngẫu với tân nhạc, sự kết hợp thành công này cho thấy cải lương luôn mở, chứ không đóng. Nó có thể dung nạp cả rock, rap vào vọng cổ... Sự thể nghiệm táo bạo của NSND Bạch Tuyết, NSƯT Minh Vương làm cho bài tân cổ giao duyên trở nên hiện đại hơn. Tôi nghĩ đây là hướng đi đúng".
NSND Bạch Tuyết cho biết làm mới bài tân cổ giao duyên không phải là thay đổi niêm luật và chuẩn mực, mà thêm vào đó những hương vị mới mẻ, tạo được sự đồng cảm cho người trẻ. "Bằng chứng là sau thể nghiệm của tôi, rất nhiều bạn trẻ đã nhấp chuột tìm kiếm các vai diễn, bài ca cổ của tôi và nhiều nghệ sĩ tài danh để tham khảo, tìm hiểu. Đó là tín hiệu cho tôi tin bài vọng cổ chuẩn mực sẽ nhanh chóng tiếp cận khán giả trẻ" - NSND Bạch Tuyết kỳ vọng.
NSƯT Minh Vương bày tỏ: "Cốt cách cũ của bài tân cổ giao duyên, nghệ sĩ chúng tôi vẫn giữ, không phá bỏ. Mạnh dạn đưa cái mới vào là để thấy bài tân cổ giao duyên không cũ, có thể đồng hành với dòng nhạc trẻ hiện nay". Theo ông, bài tân cổ giao duyên lâu nay được sáng tác chưa chú trọng đến lứa tuổi khán giả mà cứ viết theo khuôn đúc, hễ vọng cổ là buồn, bi thương. Nhưng với người trẻ, bài tân cổ giao duyên phải chuyển tải đủ những cung bậc yêu thương của lứa tuổi. "Bằng chứng là các video cổ nhạc thể nghiệm của tôi, của Bạch Tuyết và nhiều nghệ sĩ khác đã thu hút lượng người truy cập rất cao" - NSƯT Minh Vương cho biết.
Thế nhưng, việc này vẫn có những ý kiến trái chiều. Theo NSND Ngọc Giàu, bà xem cách đưa các bài tân cổ giao duyên gắn với nhạc trẻ chỉ là tạo "điểm lạ". "Khán giả khó tính và xem cải lương từ nhỏ sẽ khó chấp nhận. Người trẻ chưa hiểu cải lương thì tò mò vì thấy những bài hát của ca sĩ thần tượng được các nghệ sĩ cải lương gạo cội làm sản phẩm mới mang tên "tân cổ giao duyên" nên họ hưởng ứng là sự nhất thời. Để đạt được độ chín của thể nghiệm, cần thời gian và lộ trình sáng tạo" - NSND Ngọc Giàu phân tích.
Không chỉ người trong giới có quan điểm khác nhau, nhiều khán giả trẻ cũng không thích cách thể nghiệm mới khi đưa vọng cổ đứng chung với nhạc trẻ. Họ cảm thấy lạc nhịp hoặc chưa thuyết phục lắm để tin rằng đó là món ăn giải trí mình sẽ lựa chọn. Khi các bài tân cổ giao duyên mang tính thể nghiệm mang ra sân bãi, khán giả trẻ đã hưởng ứng vì thấy các nghệ sĩ cải lương biểu diễn đúng bài hát họ thích. Song, họ vẫn cho rằng chưa phải là tiết mục "đinh" để mình mong chờ trong một chương trình đại nhạc hội. Bởi, nói theo NSND nhạc sĩ Thanh Hải: "Cách sáng tạo mới nào cũng đòi hỏi có thời gian sàng lọc. Trên thực tế, tân nhạc không phải bài nào cũng hợp khi sáng tác tân cổ giao duyên. Thể nghiệm là rất cần nhưng khi không phù hợp thì tự đào thải theo thời gian".
Hơn nửa thế kỷ ra đời, bài hát tân cổ giao duyên vẫn được khán giả yêu mến, dù những năm đầu thập niên 1960, khi soạn giả Viễn Châu công bố thể loại này, dư luận đã công kích, lên án rằng ông phá hư bài vọng cổ. Nghệ sĩ có quyền làm mới, sáng tạo cho cách ca diễn của mình khi thể hiện bài tân cổ giao duyên. Thế nhưng, mục đích chung là phải giữ lấy sự chuẩn mực, những niêm luật trong sáng tác vọng cổ. Nội dung bài tân cổ giao duyên phải mang tính hòa hợp tương đồng, không thể lời tân nhạc một đằng, lời cổ một nẻo, thể hiện một cách ngô nghê, gây phản cảm và vô duyên.
Giao duyên phải hòa hợp, tương đồng
Đạo diễn Đoàn Khoa nhắc lại việc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời từng viết lên bìa các trang sách nhạc của ông dòng chữ: "Không chuyển thể tân cổ giao duyên những ca khúc này". Điều đó chứng tỏ tiêu chí mà soạn giả Viễn Châu khi sáng tạo thể loại tân cổ giao duyên đã xác lập là đúng: "Phần lớn các bài tân nhạc muốn gắn với cổ nhạc, để làm ra bài tân cổ giao duyên thì phải mang âm nhạc ngũ cung hoặc âm hưởng dân ca".
Nghệ sĩ Phượng Liên khi thực hiện chương trình "Nửa thế kỷ bài tân cổ giao duyên" tại Mỹ, nhằm vinh danh công lao to lớn của cha đẻ thể loại này là soạn giả Viễn Châu, đã khẳng định: "Làm mới bài tân cổ giao duyên là trọng trách của nghệ sĩ hôm nay. Phải luôn đổi mới để hợp với nhu cầu khán giả nhưng phải giữ đúng niêm luật, không thể vịn vào cái mới rồi làm mất đi vẻ đẹp độc đáo của bài tân cổ giao duyên. Vì từ phần nhạc mang âm hưởng dân ca hoặc giai điệu ngũ cung, khi dẫn vào bài vọng cổ sẽ rất ngọt ngào, êm đềm".
Bình luận (0)