Khán giả đến Nhà hát Bến Thành, rạp Công Nhân, Nhà hát Quân đội thời gian gần đây đều có dịp cảm nhận sâu sắc giá trị của những tác phẩm kịch nói do nghệ sĩ Bắc Sơn sáng tác cách đây 50 năm được tái dựng. Sàn diễn các vở kịch lúc nào cũng thu hút đông khán giả. Sau khi nghe những ca khúc mang âm hưởng dân ca, họ lại đắm mình trong không gian kịch mà ưu thế chính là khai thác sự mộc mạc, dung dị từ những câu chuyện về tình làng nghĩa xóm, về nhà nông, công việc đồng áng... với bút pháp đơn giản nhưng ý nghĩa thâm thúy.
Xoáy vào tâm can
Kịch của Bắc Sơn không dài, hơn một vở kịch ngắn mà không thể ngắn hơn vì chứa đựng nhiều thông điệp.
Xem các vở: "Chuyện cái lư đồng", "Bông bí vàng", "Hoa đào năm ngoái", "Mẹ ngồi sàng gạo"…để cảm nhận những lời thoại như xoáy vào tâm can khán giả. Kịch của Bắc Sơn làm khán giả khóc bởi nói lên thân phận người nông dân một nắng hai sương, tảo tần chăm lo cuộc sống nhưng lúc nào cũng ấm tình chòm xóm.
Ưu thế của dòng kịch này còn gắn với những ca khúc mang âm hưởng dân ca, chuyên chở thêm nhiều thông điệp đáng quý cho cuộc sống hôm nay. Chính vì thế, kịch của ông đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt cùng với hàng trăm bài hát hay mà ông đã viết trên nền ngũ cung: "Còn thương rau đắng sau hè", "Em đi trên cỏ non", "Sa mưa giông", "Bông bí vàng"… vẫn được yêu mến suốt nhiều thập niên qua.
Nghệ sĩ Tâm Tâm và Bích Thủy trong vở kịch “Trước thềm nhà cũ” của nhạc sĩ Bắc Sơn
Nhà văn Mặc Tuyền là người nhận lời chỉnh lý, cùng với nghệ sĩ Bích Thủy, ca sĩ Hạ Châu xây dựng lại tuyến kịch, đưa chất đời từ cuộc sống hôm nay vào mỗi câu chuyện. Ông nhận xét: "Đọc kịch Bắc Sơn để thấy chuyện nhà nông ngày hôm qua và hôm nay có nhiều điểm tương đồng. Vẫn "tay làm hàm nhai", bám chặt đạo lý ngàn đời của cha ông, không phụ bạc với cánh đồng, con rạch, bờ sông, khóm rẫy... đã cưu mang cuộc sống nông dân bao đời. Cái hay của kịch Bắc Sơn là gửi vào đó nhiều lời khuyên nhủ. Cách đây hơn 50 năm, ông đã chỉ ra sự phức tạp trong đời sống khi người nông dân đứng trước nhiều lựa chọn: giữ đất, giữ nghề hay tiến lên đô thị hóa, rời xa đồng áng để đánh mất những gì thuộc về mình. Ông đặt ra những trăn trở, lo âu mà đến tận hôm nay vẫn nguyên giá trị".
Từ "Quê ngoại" đến "Chuyện quê tôi"
Không chỉ làm sống lại dòng kịch Bắc Sơn trên các sân khấu tại TP HCM và đưa vào học đường phục vụ miễn phí trong chương trình "Kịch và nhạc của Bắc Sơn", nghệ sĩ Bích Thủy và ê-kíp nghệ sĩ quen thuộc với dòng kịch của ông còn thực hiện chương trình "Chuyện quê tôi".
"Khi thực hiện việc đưa âm nhạc và kịch nói vào đời sống và lên màn ảnh nhỏ, gia đình chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các đài truyền hình: Long An, Tiền Giang, Bình Dương, kênh VTV Cab 16... Và nhất là sự hỗ trợ của đông đảo các nghệ sĩ: Ngọc Giàu, Tú Trinh, Thanh Hằng, Mặc Tuyền, Bích Phương, Khánh Tuấn, Tâm Tâm, Mai Phương, Huỳnh Quý, Huỳnh Bá Thanh; các ca sĩ: Thùy Trang, Đông Đào, Hạnh Nguyên, Dương Hồng Loan... Đặc biệt là ca sĩ Hương Lan, người đã hát nhiều ca khúc chủ đề của kịch, cùng với chị Hạ Châu làm sống lại không gian kịch tuy cũ của ba tôi nhưng được khoác chiếc áo mới trong chủ đề "Chuyện quê tôi" - nghệ sĩ Bích Thủy tâm sự.
Với bút pháp dạt dào tình cảm, cộng với thông điệp rõ ràng về cách truyền dạy của thế hệ đi trước đối với con cháu rằng phải giữ nếp nhà và đạo lý ngàn đời mà ông cha để lại, dòng kịch của nghệ sĩ Bắc Sơn đã gắn kết thêm những cảm xúc mới từ cuộc sống nhà nông hôm nay, khi các nghệ sĩ chỉnh biên mạnh dạn đưa vào những tín hiệu lạc quan từ công cuộc chuyển hóa nông thôn mới. Nghệ sĩ Tú Trinh nói: "Kịch của Bắc Sơn không lạc hậu theo thời cuộc nên dễ dung nạp những thông tin mới, cập nhật những giá trị của cuộc sống đương đại".
Theo kế hoạch, 20 suất diễn tại các trường THCS, THPT sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Một chương trình gala kịch Bắc Sơn cũng sẽ được tổ chức tại Nhà hát Bến Thành để trao tặng quỹ học bổng Bắc Sơn cho con em nghệ sĩ nghèo, công nhân hậu đài có hoàn cảnh khó khăn mà gia đình nhạc sĩ Bắc Sơn đã thực hiện 4 năm qua.
Hữu ích cho sân khấu hôm nay
Di sản kịch ông để lại cho con cháu với nguyện ước được dàn dựng mới liên tục nhằm mang đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc về đời sống người dân Nam Bộ thông qua những câu chuyện về tình làng, nghĩa xóm. Làm sống lại dòng kịch Bắc Sơn là một việc làm hữu ích khi sàn diễn thiếu vắng những kịch bản viết về nông thôn, nhà nông, chuyện đồng áng. Nghệ sĩ Bích Lan (thành viên của Đoàn Kịch nói Kim Cương - con gái thứ bảy của nhạc sĩ Bắc Sơn) là người lưu trữ hơn 200 kịch bản mà cha mình để lại. Thế nhưng, người làm sống lại dòng kịch nghệ vang bóng một thời của cha mình chính là nghệ sĩ Bích Thủy và ca sĩ Hạ Châu.
Bình luận (0)