Trong thế giới phẳng và thời đại công nghệ số như hiện nay, các nền văn hóa trên thế giới dễ dàng du nhập vào nước ta bằng nhiều con đường và nhiều hình thức khác nhau. Cùng với đó là sự thay đổi về thị hiếu thưởng thức của giới trẻ. Nếu không sớm tạo cầu nối giao lưu, đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần với họ thì những di sản văn hóa phi vật thể được thế giới vinh danh sẽ bị mất đi. Đó là nỗi trăn trở chung của những nghệ nhân, các nhà bảo tồn văn hóa truyền thống.
Hội Di sản TP HCM sớm thành lập CLB Quan họ Di sản và đưa vào hoạt động gần hai năm, đây là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa quan họ, giao lưu, truyền dạy, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân ca quan họ Bắc Ninh. Thời gian qua, CLB đã triển khai nhiều giải pháp phục dựng và phát huy các giá trị di sản quan họ, tạo điều kiện cho bộ môn nghệ thuật này trường tồn và lan tỏa.
Một buổi trình diễn hát quan họ của CLB Quan họ Di sản TP HCM tại trường học
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tâm, chủ nhiệm CLB, bày tỏ: "Chúng tôi vui mừng được Hội Di sản TP HCM tin tưởng, giao trọng trách gầy dựng CLB Quan họ".
Theo bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản TP HCM, dân ca quan họ Bắc Ninh không chỉ là một loại hình văn hóa dân gian xứ Kinh Bắc, mà đã lan tỏa trong và ngoài nước, mang những giá trị văn hóa Việt kết nối cộng đồng, trở thành loại hình nghệ thuật đạt tới trình độ cao về diễn xướng, lời ca và âm nhạc…, hòa quyện với các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội. "Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, CLB đã diễn hàng trăm suất tại các trường học, các trung tâm văn hóa, đưa vào cả khu chế xuất, khu công nghiệp. Hơn 20 thành viên của CLB đều là nghệ nhân có kinh nghiệm, ngoài biểu diễn còn làm công tác nghiên cứu, giảng dạy để hướng đến việc chuẩn hóa những tư liệu cổ về diễn xướng dân gian trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của dân tộc tại TP HCM", bà Lê Tú Cẩm cho biết.
Tham gia CLB có các nghệ nhân: Nguyễn Thủy Nhanh, Lê Thị Hồng Vân, Đinh Thu Hà, Lương Huệ Phấn, Tống Xuân Hương, Nguyễn Trung Kiên, Vũ Đức Tài, Lại Đình Suốt, Nguyễn Văn Bằng… Có người làm công việc đi dạy học, buôn bán kinh doanh, có người là công nhân xưởng máy họ đã gắn kết lại để tạo sức lan tỏa cho quan họ tại vùng đất mới này.
"Trong gần hai năm qua, CLB đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá quan họ với nhiều hình thức phong phú. Xây dựng nhiều chương trình "Về với quan họ", "Yêu miền quan họ", "Canh hát quan họ đêm rằm"…. Chúng tôi cố gắng lưu trữ, bảo tồn và khai thác quan họ, nghiên cứu các chuyên đề về ký âm 107 bài quan họ cổ. Qua đó, kết nạp thêm nhiều hội viên trẻ, để quan họ Bắc Ninh lan tỏa và trở thành một biểu tượng văn hóa hấp dẫn, góp phần tích cực trong quá trình hội nhập văn hóa quốc tế, mang sức sống mới hòa vào dòng chảy thời đại của văn hóa dân tộc Việt Nam" - nghệ nhân Nguyễn Thanh Tâm nói.
Bình luận (0)