Một trong những sự kiện văn học đáng chú ý vừa qua, theo tôi, vẫn là hội nghị "Nhà văn với sứ mệnh đoàn kết dân tộc", do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Hàng trăm nhà văn người Việt từ năm châu bốn biển đã hội tụ đọc tham luận và tất nhiên, họ cũng trình bày tác phẩm mới.
Trong đó, với "Thơ viết bên lá cờ của Liên Hiệp Quốc", một lần nữa công chúng lại biết đến nhà thơ Trương Anh Tú - trở về từ nước Đức: "Những lá cờ đứng bên nhau/ Hát cho tình yêu/ Hát cho đồng loại/ Hát cho tự do/ Hát cho lòng nhân ái/ Hát như lòng mẹ bao dung ôm những đứa con của mình…". Rõ ràng, anh đã gửi đến một thông điệp: Trên trái đất này, con người có thể vượt qua chiến tranh bằng tình yêu, lòng nhân ái. Một mạch thơ hướng về cái đẹp, những điều tốt lành và có thể nhìn thấy xuyên suốt từ tập "Cảm xúc" (2007) đến "Những mùa hoa anh nói" (NXB Hội Nhà văn - 2018).
Tập thơ “Những mùa hoa anh nói” của Trương Anh Tú được NXB Hội Nhà văn ấn hành tại Việt Nam
Có người làm thơ bằng cảm xúc, nhịp điệu của từng con chữ nhằm bật lên một tứ thơ mới. Với Trương Anh Tú, nhà báo Bích Hạnh đã có nhận xét khiến tôi rất đồng tình, đó là những bài thơ "mà người đọc muốn bay theo bằng đôi cánh của cảm xúc, tâm hồn và bay cao, bay xa bằng tư duy, ý tưởng". Vâng, muốn thế, đã là nhà thơ thì anh có nghĩa vụ phải làm mới, viết mới lại vấn đề... không mới. Ấy mới là sự thử thách.
Với nhiều nhà thơ, dù già hay trẻ thì chủ đề về tình yêu vẫn là một mạch nguồn của cảm xúc. Khi nhà thơ Xuân Diệu rung cảm mãnh liệt về nụ hôn: "Đã hôn rồi, hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt..." - là một cách diễn đạt cực hay, nồng nàn, táo bạo và quyết liệt. Thế thì, người đi sau phải chọn cách nào khác? Với Trương Anh Tú: "Trái tim chồm lên/ muốn quẫy, đạp, xô văng ngàn phía/ siết chặt em rồi/ sao vẫn quá xa xăm". Để rồi, cuối cùng: "Trái tim nhỏ nhoi/ trái tim lặng lẽ/ Mới được chào đời/ từ phút/ hôn em". Từ nụ hôn, không chỉ nụ hôn, anh đã hướng đến một hồi sinh, một sự mới lạ ngay từ trái tim của chính mình.
Qua diễn đạt "Chập chững ngày con đi", Trương Anh Tú còn chọn cách nói khái quát: "Hạt thóc nảy mầm/ Reo lên sự sống/ Giữa trời cao rộng/ Òa tiếng con thơ". Lại có thể nhìn ra một cách nói mới: "Mặt trời đỏ như hoa gạo/ Đợi ai thắp lửa bên trời/ Bao nhiêu mặt trời - hoa gạo/ Đọng trong những hạt sương rơi". Tại sao lại là "những hạt sương rơi"?
Cách nói ấy dẫn đến gợi mở, vì thế nó đã tạo ra sự bất ngờ. Sự bất ngờ, đột ngột này còn có thể nhìn thấy từ "Cây mùa đông": "Cây lặng im thiu ngủ/ nghe hồn dưới đất sâu/ Qua bao mùa lá rụng/ Vẫn trời xanh trên đầu". Chúng ta còn có thể nhìn thấy từ "Tứ tuyệt ở biển": "Biển xanh thì rất trẻ/ Núi tư lự rất già/ Để bao đời vẫn thế/ Sóng là lời chia xa"… - là một sự vận động không chỉ phản ánh hiện thực mà còn tạo ra ngay nội tại các dòng thơ.
Với người Việt sống xa xứ, tình yêu níu giữ họ với quê nhà, tôi vẫn nghĩ đến nỗi lòng của họ qua tiếng Việt, từ tiếng Việt. Những con chữ viết/ đọc bằng tiếng mẹ đẻ dù bình thường, dù thăng hoa thành thơ bao giờ cũng đọng lại từ người nói đến người nghe một tình cảm gần gũi. Do đó, không phải ngẫu nhiên, dù sống ở nước ngoài có thể tiếp cận nét văn hóa bản xứ qua nguyên bản tác phẩm văn chương nhưng nhiều người đã chuyển ngữ sang tiếng Việt. Đó là gì, nếu không là tình yêu dành cho tiếng Việt?
Trương Anh Tú cũng có một sự lựa chọn tương tự. Trong "Những mùa hoa anh nói", anh cho biết đã dịch "Trên tất cả những non cao" của thi hào Goethe viết năm 1780. Để có dược bản dịch ưng ý, anh "đã phải đọc khá nhiều tài liệu, bình luận, cả những tài liệu giảng dạy trong nhà trường về bài thơ để mong có thể hiểu và chuyển ngữ thành công". Ta hãy đọc: "Trên tất cả những non cao/ Vắng lặng/ Trên tất cả những vòm cây/ đâu thấy/ một làn hơi/ Bầy chim nhỏ trong rừng im tiếng/ Một thoáng thôi, hãy đợi/ Bạn cũng lặng im rồi". Nhịp điệu ấy tưởng chừng như vẫn còn ngân nga mãi…
Hiện nay, bạn đọc yêu thơ đã có thể tiếp cận dòng thơ hiện đại từ nhiều phía, trong số đó đã có những tác phẩm của cộng đồng người Việt in ấn trong nước. Tôi nghĩ "Những mùa hoa anh nói" của Trương Anh Tú là một trong những ấn phẩm đáng chú ý thời gian gần đây.
Bình luận (0)