Chiều ba mươi Tết như một bức tranh cỡ đại, tổng thể cho làng quê Việt Nam với đủ các gam màu sống động về phong tục, văn hóa, sinh hoạt và nhịp sống hối hả. Thì kia, nơi những lưng đồi, gò cao lộng gió có các cụ già dắt díu đàn cháu con trong họ mạc đi tảo mộ, thắp hương khấn vái tổ tiên cùng những người thân xưa về "ăn Tết". Trên những tuyến đường nhựa phẳng lì hoặc những con đường, nhánh ngõ bê tông - thành quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới hôm nay, tất tả ngược xuôi dòng người đi lo Tết và sắm Tết. Những ôtô tải, xe con, xe khách cũng vun vút xé gió lao về phía trước, chừng như để kịp đón giao thừa? Mà lạ thế, chỉ thấy bóng cảnh sát giao thông điều khiển các phương tiện tham gia mà không thấy "bắn tốc độ" hoặc xử phạt hàng chở quá tải, người quá quy định chỗ ngồi. Có phải vì Tết, vì Xuân mà con người ta "chiếu cố" cho nhau hơn, độ lượng và bao dung hơn chăng? Vẫn là chiều ba mươi, những chuyến tàu khách kéo một hồi còi dài rộn rã, vọng vào vách núi, xuyên những cánh đồng, quyện vào những làn khói lam chiều đầy hương vị Tết. Cả nơi những dòng sông, những chuyến đò ngang, chuyến phà dào dạt cũng chở đầy mùa xuân - náo nức, nhớ thương và ước vọng!
Khi bữa cơm chiều tất niên trong mỗi gia đình làng quê Việt vừa xong, màn đêm dần trùm xuống; khi tiếng thời gian chuyển dịch từng phút, từng giờ để đến thời khắc giao hòa của đất trời, của cõi âm dương mỗi năm chỉ có một lần, cũng là lúc con người hoàn tất những phần việc cuối cùng để nôn nao, đón đợi. Những người con của làng sau một năm bươn bả, mưu sinh khắp các phương trời, trước giao thừa đã kịp vịn tay lên cổng làng, thấy chỗ nào cũng rực lên những quầng sáng cùng những "hợp âm" làng quê chộn rộn, lao xao mà lòng khấp khởi, xốn xang.
Trước giao thừa nơi phố thị, có người làm kinh doanh, thương mại ngồi bần thần nhẩm tính lỗ lãi, cân đối "nợ - có" mà ai oán cho "cơn bão giá", suy thoái kinh tế toàn cầu? Nơi phòng trọ ẩm thấp chật chội cạnh khu công nghiệp, cặp vợ chồng công nhân đang đếm, vuốt những tờ bạc từ tiền lương, tiền thưởng Tết, mơ về gian nhà ở xã hội dành cho những người thu nhập thấp mà thấy hạnh phúc trào dâng.
Cũng trước giờ phút ấy, có người nghệ sĩ già tóc pha sương mở băng hình xem lại những vai diễn của mình, lòng tự hỏi đâu là cuộc đời thật, đâu là sân khấu với hai mặt trớ trêu? Đón giao thừa, mỗi mảnh đời một trạng thái, một hành động, thể hiện ở những cung bậc khác nhau. Với một vị tiến sĩ luật có ngôi nhà nhỏ, nơi ngõ nhỏ ở một góc công viên Thống Nhất (Hà Nội), cách đón giao thừa lại hoàn toàn độc đáo: Ông kê một chiếc chảo giữa sân, đốt những hộc gỗ bạch đàn (mang chính từ trung du quê ông) để sưởi ấm - sống lại Tết quê và… nướng chả, quên hết những đau đầu, căng thẳng đè nặng suốt năm qua; bỏ lại, dẹp sang một bên tất cả những gì thuộc về phiền muộn, ưu tư. Bởi suy cho cùng, trời không cho ai tất cả, nhưng cũng không quên ai cả. Ai "khôn ngoan lắm thì oan trái nhiều". Ông tự nhủ, bằng lòng và bình thản trước mùa xuân!
Chờ đón giao thừa, còn có một cụ bà ngoài tuổi tám mươi, từ khi cụ ông "về với tổ tiên" vài năm nay, bà cụ cứ lui cui với những thao tác chậm chạp, khó nhọc khi làm thịt con gà trống để cúng lễ lúc sang canh - trong khi đó, các con trai cụ đều cỡ quan chức, thành đạt, đang đề huề với vợ con, cháu chắt ở thành phố cách nhà không đầy hai giờ xe chạy. Lại có ông sĩ quan quân đội, đến nay hàm kịch cấp tá, mới nghỉ hưu, là con trưởng trong gia đình có đông anh em nhưng chưa bao giờ đón giao thừa ở quê (cách thành phố trẻ của một tỉnh chỉ hơn hai mươi cây số), để đấng sinh thành là hai thân già lặng lẽ đón giao thừa. Mãi tới mùng ba Tết, ông con cấp tá kia mới ló mặt về quê, " được phép" của bà vợ ích kỷ, tham lam, khi Tết bắt đầu tàn. Ôi, những sự bất hiếu hết sức ngọt ngào, êm dịu. Những ông bố bà mẹ cả đời lam lũ kia cần con cháu lúc thời khắc thiêng liêng nhất, để sang mai mùng một Tết được tự tay "lì xì" cho đàn cháu quây quần, chứ đâu ở mâm cao cỗ đầy và những đồng tiền trước và sau Tết, ta vẫn gọi là "trách nhiệm"?
Miên man cùng những mảng đời sáng - tối khi chờ đón giao thừa, chợt giây phút thiêng liêng ấy cũng đang cận kề. Mọi nhà trang trí, sắp đặt tất cả đã xong xuôi. Những ngọn nến lung linh khắp trên ban thờ. Các loại nhang thơm, nhang trầm, nhang vòng nghi ngút khói, tỏa mùi quyến rũ, trầm mặc, quấn quýt mâm ngũ quả và cành đào rực rỡ. Và, phút giây mong chờ đã đến. Ngoài kia, bỗng bầu trời sáng rực, xé tàn đông đen thẫm. Tiếng chuông các nhà thờ đồng loạt rung ngân; tiếng trống, chiêng ở các đình, đền chùa, lăng miếu… dồn dập, tạo nên một bản "đại hợp âm" cho một ngày mới của một năm mới bắt đầu. Ta nghe rõ tiếng chuyển mình của núi non, đồng ruộng; tiếng vặn mình của cây cối, tiếng ào ạt của sông suối, hồ ao và kênh rạch: Đó là tiếng của mùa xuân! Trên hệ thống loa truyền thanh công cộng từ khắp các phố phường đến những thôn bản đang tiếp âm làn sóng phát thanh quốc gia, giọng song ca nam nữ cất lên trong trẻo phơi phới - như âm hưởng mùa xuân.
Bình luận (0)