Trong làng cải lương hiện nay, Lê Tứ là gương mặt mà đạo diễn thường nhớ đến mỗi khi cần một vai chính nhân quân tử hoặc khí phách trung dũng, một anh kép không phải đẹp kiểu "hot boy" mà đẹp từ sức mạnh nội tại khi hóa thân vào nhân vật…
Ứng viên sáng giá
Quả thật Lê Tứ không đẹp theo kiểu bị hút hồn từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng nhìn lâu thì thấy sự vững chãi, mạnh mẽ, khiến người khác an lòng. Chính sự vững chãi, mạnh mẽ, điềm đạm đó đã giúp anh hóa thân dễ dàng vào các nhân vật trung dũng. Các nhân vật này không mạnh theo kiểu võ biền, không gào thét, không phô trương, mà uy lực tỏa ra từ ý chí, nhân phẩm, tài năng, thậm chí đôi khi còn ẩn chút mềm mại của người có chất "văn", nghĩa là người có học. Văn võ song toàn là vậy. Lúc nào thì mạnh mẽ, lúc nào thì dịu dàng, ứng xử tròn vẹn giữa cương và nhu, giữa thanh gươm và quyển sách, để thu phục lòng người, cai trị quốc gia, an hòa giang sơn xã tắc. Nhân vật như thế không hề dễ đóng. Cũng không hề dễ dàng cho đạo diễn khi tìm diễn viên đảm trách. Lê Tứ đã là một ứng viên sáng giá cho loại nhân vật này.
NSƯT Lê Tứ vai Lê Hoàn, NSƯT Phượng Loan vai Dương Vân Nga
Mới đây, hai vai diễn nặng ký đã giúp Lê Tứ thăng hoa: Vai nhạc sư Nguyễn Quang Đại trong vở "Thầy Ba Đợi" và vai Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga" đều là những vở hoành tráng kỷ niệm 100 năm cải lương. "Thầy Ba Đợi" diễn từ Nam ra Bắc, khán giả xuýt xoa khen ngợi. Có 4 nghệ sĩ cùng đóng vai nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), đều tài năng ngang ngửa. Trong đó, Lê Tứ diễn giai đoạn nhạc sư tuổi trung niên, lui về quê chuyên tâm sáng tác những bài bản tài tử cải lương và dạy học trò đàn hát, sống nghèo khó nhưng ngay thẳng, sạch trong, kiên định. Ông không tiếp tay với giặc bán rẻ quê hương và làm ô nhiễm âm nhạc truyền thống. Ông thà dạy đàn cho những em bé nghèo trong làng, mong chúng giữ lấy hồn thiêng đất nước. Quả vậy, sau này lứa học trò ấy lớn lên đã trở thành những nhạc sư nổi tiếng lưu truyền những tinh túy mà thầy Ba Đợi đã dày công sáng tạo. Gương mặt và phong thái Lê Tứ dịu dàng, nho nhã đúng chất nhạc sư; đồng thời cũng rất mạnh mẽ, kiên trung đúng chất một người yêu nước đã từng ủng hộ phong trào Cần Vương bị giặc Pháp truy đuổi. Giọng ca của Lê Tứ rất trầm ấm, âm lực mạnh nhưng lướt nhẹ như ngọn gió, nghe rất dễ chịu. Trong giọng ca cũng đã đủ văn lẫn võ.
Đến vai Thập đạo tướng quân Lê Hoàn thì nét trung quân ái quốc, dũng khí, trí tuệ lại càng rõ hơn. Nét mặt và thần thái đã ẩn chứa ngôi vị minh quân, dự báo một đức vua sáng suốt, uy nghiêm, đủ sức chống chèo đất nước, đủ sức nghênh chiến cùng quân xâm lược phương Bắc. Gương mặt ấy làm người ta tin vào nhân vật. Quả thật Lê Tứ đã tạo hình cho Lê Hoàn quá đẹp. Trang phục võ tướng chắc nịch nhưng vẫn thấy mềm mại lạ lùng. Cho nên mới nói sức mạnh nội tại của người nghệ sĩ vô cùng quan trọng, nó giúp người ta diễn mà không thấy "diễn", không bị cứng nhắc, lên gân.
Lê Tứ đã từng đóng Lục Vân Tiên (vở "Kiều Nguyệt Nga"), Nguyễn Địa Lô ("Bức ngôn đồ Đại Việt"), Cao Thục ("Chiếc áo thiên nga")…, đã từng đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, cũng như từng đi Pháp biểu diễn (trong chương trình của Trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM hợp tác với cộng đồng người Việt)… - những vai diễn mới đây như một sự tiếp nối đầy đặn cho sự nghiệp của anh. Anh rất xứng đáng với danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.
Sớm nghiệp làm thầy
Lê Tứ cũng từng đứng trên bục giảng của Trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM với vai trò người thầy, giảng dạy môn kỹ thuật biểu diễn. Sau này, anh lại làm huấn luyện viên cho thí sinh dự thi Giải Chuông vàng Vọng cổ, cũng cái nghiệp làm thầy. Cả ban tổ chức giải lẫn thí sinh đều yêu mến Lê Tứ vì sự nghiêm túc, nhiệt tình và gần gũi, dễ thương của anh. Có bám theo vào hậu trường xem anh huấn luyện mới thấy nể một Lê Tứ xả thân vì nghề chứ không chỉ vì vinh quang trên màn ảnh nhỏ. Anh ca thị phạm cho thí sinh đến khan cả cổ, dạy từng cách nhấn nhá, nhả chữ, biểu cảm. Nghe Lê Tứ ca mộc bên ngoài thật sự còn "đã" hơn nghe trên sân khấu. Giọng sao mà khỏe, vang vang, ấm áp, đầy đặn, nghe rõ từng cái ngân rung đến xao xuyến cả người. Diễn cũng thế, nhìn anh thị phạm thôi mà người đứng xem đã muốn rưng rưng nước mắt. Xem ca diễn với cự ly gần như vậy mới cảm nhận rõ sự tương tác rất kỳ diệu của Lê Tứ với khán giả. Sức mạnh nội tại, tình yêu nghệ thuật, sự thấu cảm nhân vật trong anh cứ trào ra một cách tự nhiên. Nói thật lòng là nhìn Lê Tứ diễn như vậy tôi lại có cảm giác thích thú đặc biệt so với xem Lê Tứ trên sân khấu. Điều này thật khó giải thích nhưng nó là sự thật.
NSƯT Lê Tứ vai nhạc sư Ba Đợi, NSƯT Hồ Ngọc Trinh vai người vợ, cùng những học trò nơi làng quê
Hình như trong Lê Tứ vẫn mơ hồ nỗi lo. Có lần anh nói: "Làm huấn luyện cho các thí sinh đi thi "Chuông vàng vọng cổ", tôi nhận ra đất nước mình không thiếu tài năng. Nhưng điều kiện để các tài năng ấy phát triển thì còn thiếu lắm. Mình đãi cát tìm vàng thì được rồi nhưng ai sẽ mài giũa tiếp tục cho khối vàng ấy sáng long lanh, quý giá hơn, sử dụng thực tế hơn? Không khéo rồi tài năng mai một… Giờ tôi chỉ biết làm hết sức mình cho lớp trẻ mà thôi".
Gia đình hạnh phúc
Lê Tứ hạnh phúc ngay từ tuổi ấu thơ nơi quê nhà Lai Vung (Đồng Tháp) với hai bên nội ngoại đều là nhạc sĩ hoặc nghệ nhân đờn ca tài tử. Mới 7, 8 tuổi anh đã ca rất đúng nhịp. Vừa tốt nghiệp trung học, anh đã khăn gói đi thi vào Trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM với lời "đe dọa" của bà mẹ: "Không đậu thì đừng vác mặt về nhe con!". Xong khóa trung cấp, anh học tiếp lên bậc cao đẳng và được giữ lại làm giảng viên của trường. Anh cũng là kép chính của Nhà hát Trần Hữu Trang mười mấy năm nay. Cả nhà ủng hộ Lê Tứ bước vào nghiệp cải lương dù phải chịu đựng khó khăn lúc ban đầu. Đến bây giờ thì mọi thứ đã êm xuôi, anh sống được bằng nghề, không hối tiếc đã chọn cải lương làm lẽ sống.
Lê Tứ còn có thêm một hạnh phúc nữa với người vợ Hà Như, đào cải lương từng học chung với anh, diễn chung rồi đem lòng yêu thương. 18 năm đã trôi qua, ngôi nhà luôn rộn tiếng cười và tiếng hát. Đi đâu cũng thấy họ bên nhau, cùng đứng chung sân khấu, chia sẻ niềm vui nghệ thuật. Lê Tứ nói: "Thật ra, khi mới cưới, đã có lần chúng tôi cãi nhau vì nghèo quá sống không nổi, muốn đi làm nghề khác. Nhưng cuối cùng hai đứa quyết trụ lại với cải lương, rồi yên ổn tới bây giờ. May là hai đứa cùng nghề nên hiểu nhau, nói vậy chứ lúc xa sân khấu lại nhớ, lại nắm tay nhau quay về".
Lê Tứ - Hà Như có một con trai cũng có khả năng ca diễn ngay từ nhỏ. "Tôi không thúc ép, cứ để con phát triển tự nhiên. Thấy nó biết hát thì cũng mừng nhưng thôi… không nghĩ nhiều…" - anh nói.
Bình luận (0)