Sau thành công của vở "Thái hậu Dương Vân Nga", do đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng, nhiều đơn vị xã hội hóa đã lên kế hoạch tái dựng các vở cải lương kinh điển.
Làm mới hay đồ lại cái cũ?
Khi bắt tay dàn dựng vở "Thái hậu Dương Vân Nga", đạo diễn Hoa Hạ xác định rõ hướng đi của mình là vận dụng hình thức mới để nâng cao giá trị nghệ thuật vốn có trong kịch bản văn học mà các thế hệ tiền bối đã kiến tạo. Còn nghệ sĩ Chí Linh, hiện đang đưa lên sàn tập kịch bản "Hòn vọng phu", cũng xác định: "Phải phả vào bản dựng mới nhiều trình thức mới, tạo điểm nhấn trong bố cục để phù hợp với không gian, bối cảnh khi sử dụng màn hình LED, đồng thời cách ca diễn của đội ngũ diễn viên trẻ cũng được đẩy tiết tấu nhanh hơn".
Theo các nhà chuyên môn, có 2 vấn đề mà các đạo diễn phải đối mặt khi tái dựng các vở kinh điển của sân khấu cải lương: làm mới hoặc chỉ đồ lại bản dựng cũ. NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận định: "Làm mới là bỏ hết những gì thuộc về bản dựng cũ, như trước đây NSND Trần Ngọc Giàu đã làm khi được VTV3 mời tái dựng tác phẩm "Tô Ánh Nguyệt" cho chương trình Nhà hát truyền hình. Anh đã dựng theo kịch bản văn học của tác giả Trần Hữu Trang, hoàn toàn không sử dụng bản dựng cũ của NSND Huỳnh Nga và Diệp Lang".
Cảnh trong vở cải lương kinh điển "Nửa đời hương phấn" của tác giả Hà Triều - Hoa Phượng được đạo diễn Kim Phương dàn dựng mới tại sân khấu Nhà Văn hóa Thanh Niên
Tuy nhiên, với số đông khán giả yêu cải lương, trong tâm trí họ từng thân thuộc đường đi nước bước, cách ca diễn của nghệ sĩ từ bản dựng cũ nên khó thay thế. Điều này khiến đạo diễn phải đối diện áp lực là bản dựng mới phải chinh phục người xem. "Còn làm rập khuôn như cách NSƯT Minh Vương đã từng đứng tên dàn dựng vở "Rạng ngọc Côn Sơn" theo nguyên mẫu của đạo diễn Đoàn Bá thì chỉ là đồ lại bản dựng cũ, có khác chăng là thay đổi lực lượng diễn viên" - đạo diễn Trần Minh Ngọc phân tích. Theo đạo diễn Trần Minh Ngọc, phương thức thứ hai ít tốn kém, bảo đảm doanh thu vì lượng khán giả đến rạp yên tâm là họ sẽ bắt gặp được những cảm xúc cũ. "Tuy nhiên, với vai trò đạo diễn, đồ lại cái cũ cũng giống như mình chỉ hâm nóng bát phở đã quá nguội lạnh" - ông nói.
Về thủ pháp dàn dựng qua hình thức mới, đạo diễn Vũ Minh, từng tái dựng thành công 2 vở kinh điển: "Câu thơ yên ngựa" và "Đào Tam Xuân", khẳng định: "Phải bám chặt tư tưởng, bố cục của kịch bản văn học để triển khai cái mới. Trả lại cho sàn diễn cải lương sự chuẩn mực mới là mục đích của việc tái dựng các vở kinh điển".
Đổi mới hình thức: Phao cứu sinh?
Qua tác phẩm "Thái hậu Dương Vân Nga" của đạo diễn Hoa Hạ, cho thấy với nhiều cải biên trong cách ca, diễn, vận dụng nhiều hình thức mới mẻ từ võ thuật, múa đã thành nền tảng trong việc tạo "món ăn" mới cho sàn diễn cải lương hôm nay.
Đối với các nhà chuyên môn, nghệ thuật cải lương luôn ở trạng thái mở, sẵn sàng tiếp nhận những tinh hoa của các bộ môn nghệ thuật khác nhằm làm đẹp và phong phú hơn cho tác phẩm. Việc đạo diễn Triệu Trung Kiên (Nhà hát Cải lương Việt Nam) mạnh dạn đưa nhiều hình thức dàn dựng mới vào các vở diễn như: "Hừng đông", "Mai Hắc Đế", "Ni cô Hương Tràng", "Thầy Ba Đợi",… đã giúp sân khấu cải lương hôm nay đạt được hiệu quả nghệ thuật nhất định. Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên: "Cải lương có thể làm mới và xuất hiện ở bất cứ cách thức nào, miễn là khi xuất hiện, nó được trân trọng và phát huy hết vẻ đẹp của mình. Đồng thời, nó phải là những tác phẩm hay, đặc sắc, không hề bị ý định mờ ám nào đó chi phối khiến nó méo mó".
Hình thức thể hiện chưa đủ. Khán giả phía Nam yêu thích cải lương, đến rạp mua vé vào xem còn vì yêu mến nghệ sĩ. NSND Lệ Thủy cho biết: "Khi làm Sân khấu Vàng, tôi và NSƯT Minh Vương đã xác định yếu tố này. Hình thức dựng mới rất cần nhưng phải có thêm sự đồng hành của thế hệ đi trước và thế hệ trẻ. Còn dựng vở kinh điển mà giao hẳn cho các em diễn viên trẻ sẽ khó đạt doanh thu".
Các bầu sân khấu hiện nay cũng xác định lực lượng diễn viên hai thế hệ: cũ và mới trong một tác phẩm sẽ là chìa khóa để đạt doanh thu khi tái dựng các vở kinh điển. Vở "Hòn vọng phu" của đạo diễn Chí Linh đang tập dượt có sự góp mặt của nghệ sĩ Duy Sơn, cha ruột nghệ sĩ Võ Minh Lâm, là một yếu tố thu hút sự chú ý của khán giả cho sự quay lại sàn diễn của nghệ sĩ gạo cội này. Tương tự, các vở kinh điển mà các ông bà bầu ngày nay đang chuẩn bị triển khai như: "Rạng ngọc Côn Sơn", "Tình sử Dương Quý Phi", "Lưu Kim Đính", "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn"… đều có sự đồng hành của thế hệ nghệ sĩ vàng như: NSND Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Trọng Hữu, NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Hùng Minh, Thanh Nguyệt… "Chúng tôi chỉ diễn một cảnh cuối hoặc đứng ở vị trí vai phụ để hỗ trợ các em trẻ" - NSƯT Hùng Minh nói.
Trong thời buổi khan hiếm kịch bản hay cho sàn diễn cải lương, việc dựng mới những vở kinh điển cũng là cách để làm cho sàn diễn sáng đèn. Dù vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, nhu cầu khán giả vẫn đang rất cần đến các vở diễn phản ánh những bức xức của cuộc sống hôm nay.
Tinh thần sáng tạo
Có thể nói, từ sau chương trình "Gìn vàng giữ ngọc" của đạo diễn Vũ Minh, việc tái dựng kịch bản kinh điển đã có chiều hướng gia tăng. Các đạo diễn trẻ đã nhìn nhận hình thức mới sẽ là phương thức để họ mang lại cho người xem món ăn tinh thần đầy sáng tạo, trên nền tảng kịch bản văn học đã chiếm cảm tình số đông khán giả.
Ý thức được việc bảo vệ chuẩn mực của cải lương xưa, nhằm tìm chất xúc tác cho vở diễn mới trong công cuộc bảo tồn nghệ thuật cải lương hôm nay, các đạo diễn trẻ của bộ môn này như: Quốc Kiệt, Nguyên Đạt, Lê Trung Thảo, Vũ Minh, Mai Thắm, Thanh Hà…. đã nỗ lực không ngừng để cho ra đời nhiều vở diễn mới, bên cạnh danh sách các vở kinh điển đã dàn dựng với hình thức mới. Họ đủ sức làm chủ ngôi nhà sân khấu cải lương khi dung hòa được những kinh nghiệm từ người đi trước, để vở diễn dù mới hay cũ vẫn thu hút khán giả đến rạp và thỏa mãn lòng mộ điệu của số đông công chúng dành cho bộ môn này.
Bình luận (0)