Sự kiện do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với UBND TP HCM, Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM (VOH), tổ chức tại TP HCM (khai mạc vào tối 4-8, bế mạc tối 6-8). Bên cạnh những hoạt động tranh tài về nghiệp vụ, sự kiện còn có các triển lãm, các hội thảo chủ đề đa dạng và những diễn đàn chia sẻ, trau dồi kinh nghiệm...
Linh hoạt thích ứng
Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV-2022 có chủ đề "Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên". Liên hoan năm nay quy tụ 86 đơn vị tham gia, trong đó có 63 Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố, các đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội Nhân dân, Cục Truyền thông Công an Nhân dân, Trung tâm Truyền thống Thanh thiếu nhi.
Nhiều hoạt động sôi nổi thuộc khuôn khổ của Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV-2022. (Ảnh do BTC cung cấp)
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 500 tác phẩm dự thi các hạng mục và chọn lựa được 203 tác phẩm vào vòng chung khảo. Đa phần, các tác phẩm đi sâu vào việc phản ánh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước, nhiều điển hình - nhân tố mới và cả những tác phẩm đậm chất phản biện... Trong đó, điểm nhấn vẫn là các tác phẩm phản ánh cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 từ trung ương đến các địa phương.
Ông Trần Minh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức liên hoan - cho biết: "Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV-2022 có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất từ trước đến nay. Chủ đề "Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên" bao hàm nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, phát thanh đã có sự chuyển đổi linh hoạt cách thức sản xuất chương trình, phương thức truyền dẫn theo xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức, cách tiếp cận thính giả, tăng cường sự tương tác với thính giả để trở thành người bạn tâm tình, gần gũi hơn với thính giả ở nhiều đối tượng, nhiều nơi. Thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay, những người làm phát thanh phải tự thích ứng để vượt lên chính mình, khẳng định vai trò của phát thanh trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, các tác phẩm dự thi đều được đầu tư nhiều công sức, chất xám, công nghệ với nhiều tác phẩm có nội dung hay, sáng tạo, phản ánh các vấn đề đời sống xã hội, thể hiện rõ nhất như cuộc chiến chống Covid-19, chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội".
Cũng theo ông Trần Minh Hùng, điểm mới của liên hoan 2022 là tách "Giọng vàng" ra thành cuộc thi, trao giải riêng, nhằm phát hiện, tôn vinh những phát thanh viên xuất sắc.
Ngoài ra, liên hoan còn trao giải cho 2 thể loại: "Kỹ thuật dàn dựng xuất sắc" và "Ứng dụng nền tảng số".
Điểm nhấn TP HCM
Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1994 đến nay, Liên hoan Phát thanh toàn quốc đã trải qua chặng đường gần 30 năm với 14 kỳ liên hoan. Sự kiện này đã trở thành ngày hội của những người làm báo nói cả nước. Mỗi kỳ liên hoan lại có những đổi mới, diễn ra tại nhiều địa phương khác nhau.
Trong buổi giới thiệu về liên hoan, ông Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM - cho biết: "TP HCM và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần này được tổ chức thành công. Đây cũng là cơ hội để những nhà báo phát thanh chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ và trở lại đầy sức sống của TP HCM sau dịch Covid-19".
Bên cạnh những cuộc thi mang tính chuyên môn của những người làm trong ngành phát thanh, liên hoan còn có triển lãm, hội thảo và các hoạt động tham quan sôi nổi khác. Triển lãm thuộc khuôn khổ liên hoan có: "Thành tựu kinh tế - xã hội TP HCM" và "Thành tựu phát triển của Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM". Các hội thảo tại liên hoan gồm có: Hội thảo quốc tế "Phát triển nguồn thu cho các Đài Phát thanh - Truyền hình trong xu hướng chuyển đổi số"; Hội thảo kỹ thuật "Thách thức của phát thanh trong giai đoạn chuyển đổi số"; Hội thảo "Trao đổi mô hình, giải pháp, kế hoạch triển khai nền tảng Phát thanh số quốc gia"; Hội thảo "Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến"; Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm làm phát thanh trực tiếp" và nhiều tọa đàm nghiệp vụ khác.
Nhân dịp này, UBND TP HCM tạo điều kiện để các đoàn đại biểu dự liên hoan tham quan địa đạo Củ Chi và chiến khu Rừng Sác. Đây cũng là một hình thức quảng bá du lịch TP HCM, cho thấy sự phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Bình luận (0)