Tối 13-4, NSND Việt Anh ra mắt khán giả chùm kịch ngắn - trích đoạn, trong đó có các kịch bản nước ngoài như: "Tiếng chim vườn Ngọc Lan", "Những người khốn khổ", "Người mẹ trước vành móng ngựa"... đã nhận được sự cổ vũ của người xem tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Nhất là khi các vở được dàn diễn viên trẻ tích cực sáng tạo và tìm sự đồng cảm với người xem qua hình thức dàn dựng mới.
Những tín hiệu vui
Vài tuần gần đây, Sân khấu Kịch Hồng Vân - Chợ Lớn cũng đầy ắp người xem, phần đông là khán giả trẻ dành nhiều tán thưởng cho vở kịch ngắn "Ivan bé bỏng" do đạo diễn Thanh Thủy dàn dựng, được cảm tác từ tiểu thuyết "Lolita" của nhà văn Nga Vladimir Nabokov.
Khán giả xúc động không chỉ bởi tính nhân văn sâu sắc của câu chuyện Ivan bị bố dượng lạm dụng tình dục mà còn bởi lực lượng diễn viên thể hiện đều trẻ. "Các em trẻ diễn xuất rất chân thật, hồn nhiên. Kịch nước ngoài thật sự uốn nắn các diễn viên trẻ, tạo nền tảng, kiến thức như cách "đổ bê-tông" thật vững cho các em sáng tạo bền bỉ" - đạo diễn Thanh Thủy chia sẻ.
Trên sân khấu, diễn viên Khang Võ trong vai Ivan, Kim Ngọc vào vai mẹ, Luba Yến Thanh vào vai Maria, Dương Khánh vào vai bố dượng Andrie... đã làm cả khán phòng vỡ òa cảm xúc. Hoặc trong vở "Những người khốn khổ", Đổng Tường (vai Javert), Trịnh Phượng (Gavroche), Thành Tài (Enjoras), Thanh Ngân (Cosette)... mang lại cảm xúc dạt dào cho người xem.
NSND Hồng Vân giàn giụa nước mắt nói: "Các em diễn viên trẻ hôm nay làm tôi sống lại thời thanh xuân, cái thời nhận kịch bản văn học nước ngoài đều phải mất ăn, mất ngủ để đốt cháy đam mê. Ngày nay, sàn diễn cần lắm những tác phẩm kinh điển của các nước, được chuyển thể hoặc Việt hóa để diễn viên trẻ đắm mình trong sáng tạo và nâng tay nghề".
Sắp tới, tối 28-4, vở "Romeo và Juliet" cũng do đạo diễn - NSND Việt Anh dàn dựng sẽ diễn tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận, hứa hẹn tạo dư âm tốt về một lứa diễn viên trẻ sau thành công của "Lôi Vũ" cũng do NSND Việt Anh dựng (vở được bạn đọc Báo Người Lao Động đề cử Giải Mai Vàng năm 2020).
Ngoài ra, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ đưa vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" lưu diễn từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6 tại TP HCM, Đắk Lắk sau khi công diễn tại Hà Nội.
Cảnh trong vở kịch “Những người khốn khổ” do đạo diễn - NSND Việt Anh dàn dựng Sân khấu Kịch Phú Nhuận tối 13-4
Khai thác kịch bản nhiều nơi
Còn nhớ, nhiều năm về trước, kịch nước ngoài đã để lại những điểm son rực rỡ cho sân khấu TP HCM. Khán giả từng gắn bó với Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP không quên các vở: "Con cáo và chùm nho" với màu sắc Hy Lạp cổ đại; "Lôi Vũ", "Tiếng chim vườn Ngọc Lan" với màu sắc Trung Hoa; "Nỗi đau nhân loại" với góc nhìn mới mẻ khi tác giả Lê Duy Hạnh để các nhân vật trong tác phẩm văn học phương Tây đối thoại với "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, làm nên một tác phẩm thể nghiệm đầy sáng tạo.
Từ các tác phẩm nước ngoài, đã bật sáng những tên tuổi như: NSƯT Thành Lộc (vở "Trong hào quang bóng tối"), NSƯT Minh Trang (vở "Gái giang hồ quốc tế"), nghệ sĩ Ái Như, Khánh Hoàng (vở "Cô Ê-lê-na thân yêu"), Khánh Hoàng - Thành Hội (vở "Đêm thiên nga"), nghệ sĩ Tú Trinh (vở "Trở về mái nhà xưa")... Hay trên sân khấu Đoàn Kịch nói Kim Cương từng rạng danh với: "Con nai đen rừng Đế Thích", "Tanhia"… đã đưa tên tuổi các nghệ sĩ: Kiều Phượng Loan, Thương Tín, Hoàng Linh... nổi tiếng hơn.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn phát biểu: "Kịch bản nước ngoài rất chuẩn, tác giả kỹ lưỡng trong từng tình huống, bố cục, bứt phá lột tả được đặc tính của nhân vật và nền văn hóa nơi tác phẩm xuất xứ. Cho nên diễn viên giỏi nghề diễn kịch văn học nước ngoài sẽ làm cho vai diễn bay bổng với những sáng tạo. Bằng chứng nhiều điểm son của kịch nước ngoài một thời tác động tích cực đến việc làm nghề chân chính của nghệ sĩ".
Theo các nhà chuyên môn, điểm son nổi bật khiến kịch nước ngoài được chuyển thể và dàn dựng sẽ tạo tiền đề để sân khấu TP tổ chức hẳn một liên hoan dành cho các kịch bản văn học nước ngoài. NSND Trần Minh Ngọc nói mỗi tác phẩm kinh điển đều mang nhiều giá trị, trong đó giá trị ngôn ngữ rất quý, nó tạo cho người xem khả năng tiếp cận văn học tốt, nhất là người trẻ. "Tôi cho rằng những vấn đề mà kịch nước ngoài đề cập dù đã vượt thời gian nhưng vẫn mang tính thời sự. Điều quan trọng là cách dàn dựng mới phản ánh được những bài học, sự cảnh giác từ câu chuyện đó trong đời sống hôm nay" - NSND Trần Minh Ngọc nói.
Trên thực tế, kịch bản văn học nước ngoài hiện đang là lối thoát cho một vài sàn diễn khan hiếm kịch bản. NSND Trần Minh Ngọc nói: "Hầu hết thế hệ diễn viên trưởng thành sau năm 1975 đều được đào tạo từ giáo trình các nước phương Tây. Từ sự chuẩn hóa trong dàn dựng nguồn kịch bản văn học nước ngoài đã đào tạo cho sân khấu TP nguồn nhân lực quý. Theo tôi, nhà nước cần có kế hoạch mỗi năm đầu tư cho sân khấu TP vài vở kịch nước ngoài và hỗ trợ vé cho lớp khán giả trẻ đến xem, coi như một phương án giáo dục thẩm mỹ văn học. Nguồn kịch bản văn học có thể khai thác từ các quốc gia châu Á, Trung Đông, Nam Mỹ, Bắc Mỹ... để đáp ứng nhu cầu hội nhập, giao lưu quốc tế".
Cải lương cũng cần kịch bản nước ngoài
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn kịch bản mới được chuyển thể từ những tác phẩm văn học mà theo đạo diễn Phan Quốc Kiệt - giám đốc nhà hát - đó là sự cộng hưởng mới mẻ làm phong phú thêm kịch mục của nhà hát và thu hút khán giả đến rạp.
Trên thực tế, kho tàng kịch bản cải lương nước ngoài của TP thời hưng thịnh rất đồ sộ. Hàng trăm vở đã từng làm xao xuyến hàng triệu trái tim người xem như: "Hòn đảo thần vệ nữ", "Tháp đoạn hồn", "Khuất Nguyên", "Âm mưu tình yêu", "Nàng Xê Đa", "Truyền thuyết tình yêu"... và hiện nay được tái dựng sẽ là khơi nguồn cảm hứng cho lực lượng tác giả, đạo diễn trẻ tâm huyết lao vào sáng tác kịch bản mới phục vụ công chúng.
Bình luận (0)