Nhà hát Kịch TP HCM đã ra mắt vở diễn "Lằn ranh", đề tài phòng chống ma túy (tác giả: Kiến Bình, đạo diễn: Trần Quý Bình, chỉ đạo nghệ thuật: Nguyễn Anh Kiệt). Cùng với vở "Chuyện tình nữ phạm nhân" của Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ TP HCM do đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc dàn dựng mới đây - cũng khai thác góc khuất và hậu quả khó lường của những kẻ gieo rắc "cái chết trắng", "Lằn ranh" một lần nữa gióng thêm hồi chuông đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn buôn bán ma túy đang hoành hành đời sống xã hội.
Dựa theo chuyên án lớn
Đơn vị kịch công lập duy nhất ở TP HCM đã cố gắng dàn dựng vở diễn mang tính thời sự, đặt ra nhiều vấn đề bức xúc của đời sống xã hội hôm nay. Trong đó, một số người khao khát làm giàu bằng mọi giá, kể cả những việc làm phạm pháp. Thức tỉnh trước "lằn ranh" thiện - ác, con người mới có thể dùng đôi bàn tay, khối óc gầy dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình. Lồng ghép vào kịch là sự đấu tranh của lực lượng phòng chống tội phạm ma túy, để trước lý tưởng cao đẹp và sự cám dỗ, họ biết chọn lựa thế nào là đúng, đem lại cuộc sống yên bình cho người dân và cho chính mình.
Mạch kịch được kể dựa theo tình tiết của một chuyên án lớn về đấu tranh chống tội phạm mua bán trái phép chất ma túy. Nhân vật Thái với vẻ bề ngoài là một doanh nhân chuyên bán thuốc "đông trùng hạ thảo" nhưng thực tế là vận chuyển chất ma túy. Không chỉ tiêu thụ trong nước, Thái còn có đường dây xuyên quốc gia, chịu sự điều hành của bà Vân - một mắt xích liên kết với "ông chủ" điều hành khu "Tam giác vàng" ở nước ngoài. Để khống chế Thái vận chuyển lô hàng lớn, bà Vân bắt cóc con gái của ông ta - một sinh viên trường nhạc sắp tốt nghiệp và chẳng hề biết về chuyện làm ăn phi pháp của cha.
Nhằm truy bắt tận ổ các đối tượng vận chuyển ma túy, ban chuyên án đã cài chiến sĩ Tấn vào băng nhóm ông Thái để thu thập chứng cứ. Tấn đã góp công rất lớn trong việc phối hợp với cảnh sát quốc tế triệt phá các đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia. Chiến công này đã góp phần xóa sổ ý định chọn Việt Nam làm địa bàn trung chuyển chất ma túy của chúng.
Kịch tính cao trào với những tình tiết ly kỳ nhưng vẫn không mất chất lãng mạn khi Tấn có được tình yêu chân thật của con gái ông Thái, giải quyết được sự hiểu lầm của cha về mình.
Cảnh trong vở “Lằn ranh”
Dễ khô khan
Các nhà chuyên môn sau khi xem vở "Lằn ranh" đã nhận định đó là một đề tài hấp dẫn. Tuy nhiên, để chuyển tải những vấn đề đậm tính thời sự bằng ngôn ngữ sân khấu thì vở "Lằn ranh" cần tăng tính thuyết phục.
Theo NSND Trần Minh Ngọc, để vở kịch có sức lan tỏa sâu rộng, thủ pháp dàn dựng phải hấp dẫn. "Ngày nay, từ hiệu ứng của các phương tiện giải trí, khán giả xem và tiếp nhận trực tiếp rất nhiều thông tin về phòng chống tội phạm. Cách kể của kịch không thể cũ kỹ, chậm chạp mà tiết tấu và tính bất ngờ phải được đẩy mạnh" - NSND Trần Minh Ngọc góp ý.
Trên thực tế, các nhà làm kịch chỉ có thể dựng kịch khi trong xã hội xuất hiện những mâu thuẫn để phản ánh và phản biện. NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh từ những cái xấu để mọi người nhận ra cái đẹp hay từ cái đẹp để loại trừ cái xấu là cách kể chuyện của những người làm sân khấu.
Vấn đề chính là khâu kịch bản. Vị đạo diễn 82 tuổi này trăn trở: "Rất nhiều trại sáng tác trong cả nước được đầu tư rất nhiều tiền nhưng tìm vở diễn mang tính thời sự, phản ánh những chuyên án tham nhũng, phòng chống tội phạm không có, hoặc có thì chỉ đọc chứ không dựng được".
Để có được sức hấp dẫn của kịch thời sự, theo các nhà chuyên môn, bên cạnh khâu sáng tác kịch bản còn cần đến những sáng tạo của đạo diễn. Những tác phẩm kịch mang tính thời sự rất dễ bị chuyển tải một cách khô khan nếu hình thức thể hiện kém cỏi.
"Tất cả hình tượng, những câu thoại tác động trực tiếp đến nhận thức của khán giả, cho họ thấy được những mặt trái trong xã hội như căn bệnh thành tích, dối trá bằng cấp, chạy chọt chức quyền làm xói mòn lòng tin, tội phạm ma túy, làm giàu bất chính… phải được kể với thủ pháp dàn dựng độc đáo mới thu hút" - đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng nhìn nhận.
Điều đáng suy nghĩ
Có thể nói từ nhiều năm qua, sàn diễn kịch TP HCM đã thờ ơ với những vấn đề mang tính thời sự. Người sáng tác tự tách mình ra khỏi mối liên hệ mật thiết với thời cuộc và sự phát triển của đất nước.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng sân khấu kịch không chỉ ca ngợi những cái đẹp, cái tốt một cách đơn thuần mà còn cần phải mang tính chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác đang tồn tại với muôn hình vạn trạng.
"Chỉ đến khi tính thời sự được xem là linh hồn sân khấu thì lúc đó, chúng ta hãy vui bởi sàn diễn sẽ được đón nhận những tác phẩm có giá trị như "Tôi và chúng ta" của Lưu Quang Vũ, "Nhân danh công lý" của Võ Khắc Nghiêm, Doãn Hoàng Giang… Thể loại sân khấu kịch không thể rời xa tính thời sự. Người viết kịch nắm được điều này nên xã hội diễn ra điều gì đều được phản ánh trong sân khấu kịch" - PGS- TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét.
Ở sân khấu phía Bắc hiện nay, số lượng các vở diễn mang tính thời sự chiếm khoảng 70% kịch mục của Nhà hát Tuổi Trẻ. Ngoài việc chọn tái dựng các vở kịch của Lưu Quang Vũ, nhà hát này còn tạo mọi điều kiện để các tác giả như Lê Thu Hạnh, Đinh Tiến Dũng hay Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Thu Phương… khai thác vấn đề thời sự. Trong khi đó, TP HCM có nhiều sân khấu xã hội hóa và lực lượng tác giả, đạo diễn, diễn viên tài năng mà thể loại chính kịch, hài kịch đều thiếu vắng những vở diễn mang hơi thở thời cuộc. Đó là điều đáng suy nghĩ.
Bình luận (0)