Tại Hội Sân khấu TP HCM sáng 31-12, ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã trao tiền hỗ trợ cho 2 nghệ nhân Kim Loan và Ngọc Hậu, mỗi người 5 triệu đồng.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (bên phải), trao tiền hỗ trợ cho 2 nghệ nhân Kim Loan và Ngọc Hậu
Nghệ nhân Kim Loan: Hết lòng vì thế hệ mai sau
Nghệ nhân Kim Loan gắn bó bền bỉ với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ từ những năm còn rất trẻ. Ngoài ra, bà còn có hơn 40 năm dạy nghề cho thế hệ trẻ tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM.
Nhiều nghệ sĩ thành danh trên sân khấu cải lương đã được nghệ nhân Kim Loan dạy ca như: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Thy Trang, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Lê Hồng Thắm, Hải Long, Hoàng Quốc Thanh, Thy Nhung...
Ông Bùi Thanh Liêm (bên phải) trao tiền hỗ trợ cho nghệ nhân Kim Loan
Năm 2015, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM tổ chức chương trình tôn vinh nhà giáo, đạo diễn Kim Loan – 35 năm "Chắt ngọc cho nghề" tại Nhà hát Thế giới trẻ. Đông đảo khán giả đã đến xem và cổ vũ nồng nhiệt cho bà.
Trong đêm diễn có tiết mục ca cảnh "Thái hậu Dương Vân Nga" do nhà giáo - đạo diễn Kim Loan dàn dựng tạo dấu ấn đẹp. Lần đầu tiên, bà cùng với 4 học trò thể hiện vai Thái hậu Dương Vân Nga gồm: Thy Trang (HCV Trần Hữu Trang 2003), Thu Mỹ (giải nhất Cuộc thi Tiếng hát truyền hình ca cổ Kiên Giang), Xuân Trúc (HCV Trần Hữu Trang 2014) Mỹ Tiên (HCV Liên hoan sân khấu quốc phòng 2014).
Nghệ nhân Kim Loan và NSƯT Thanh Dậu (ảnh Thanh Hiệp)
Chặng đường 40 năm gắn bó với nghề cho thấy nghệ sĩ Kim Loan rất tâm huyết với sự nghiệp ươm mầm tài năng cho sân khấu cải lương. Từ khi về hưu, bà vẫn tiếp tục được mời làm giảng viên thỉnh giảng, tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tại Cung Văn hóa Lao Động TP HCM và nhiều CLB khác.
Nổi tiếng là người có giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, nghệ nhân Kim Loan đã truyền đạt kinh nghiệm cho diễn viên trẻ, giúp họ rèn luyện để đạt thành quả trong lao động nghệ thuật.
Bị chứng bệnh cao huyết áp dẫn đến tai biến lần 2, nghệ nhân Kim Loan đang nỗ lực tập vật lý trị liệu để có thể đi lại bình thường. "Tuy nhiên, việc đi dạy học vẫn còn hạn chế, tôi chỉ dạy online và nhận làm giám khảo một số cuộc thi, liên hoan tổ chức gần, còn đi ở tỉnh xa thì coi như phải tạm dừng lại để điều trị bệnh. Tôi đang dạy các sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội. Tôi đặt kỳ vọng vào các học trò khi một số em đã tiếp bước con đường của tôi, trở thành người thầy đứng trên bục giảng" – bà chia sẻ.
Nhờ sự chăm sóc của ông xã là nghệ nhân Phan Nhứt Dũng (trống bồng nhạc lễ tài tử Nam Bộ), nghệ nhân Kim Loan đã có thể bước đi chậm và điều khiển được cánh tay bị liệt.
Vợ chồng nghệ nhân - nhà giáo Kim Loan và Phan Nhứt Dũng (ảnh Thanh Hiệp)
Trả lời câu hỏi giữa nghề diễn viên, nghệ nhân đờn ca tài tử và việc đứng trên bục giảng, truyền nghề lại cho thế hệ trẻ, bà thích công việc nào nhất, nghệ nhân Kim Loan cho biết cả ba công việc đều có sự liên kết chặt chẽ. Bởi lẽ, có nhiều trải nghiệm thì mục tiêu truyền nghề của bà mới đạt được thành quả, bằng chứng là học trò ngày càng phát triển về nghề và đạt nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng.
"Có học trò ca hay, diễn giỏi, tham gia các cuộc thi tuyển chọn giọng ca cổ hằng năm của các đài phát thanh, đài truyền hình, đó là niềm tự hào. Hôm nay nhận được món quà trong ngày cuối năm 2021, tôi cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái". Chúc chương trình ngày càng phát triển và lan tỏa sâu rộng trong đời sống hôm nay" – nghệ nhân Kim Loan bày tỏ.
Ông Bùi Thanh Liêm , Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (bên phải), trao tiền hỗ trợ nghệ nhân Ngọc Hậu
Nghệ nhân Ngọc Hậu: Múa bóng rỗi là viên ngọc tôi yêu quý
Theo nghề từ năm 17 tuổi, nghệ nhân Ngọc Hậu (tên thật Vũ Việt Hậu, SN 1978) đã đạt được nhiều thành tích trong các kỳ liên hoan, hội diễn về văn hóa nghệ thuật dân gian.
Là học trò của cô Bảy Phước, cô Tư Lực, Ngọc Hậu đã chịu khó tập luyện, tạo được tình cảm đối với công chúng khi biểu diễn các tiết mục múa bóng rỗi như: Hát địa nàng, múa bông huệ… và nhiều tiết mục đòi hỏi sự khổ luyện. Theo nghệ nhân Ngọc Hậu, nếu không có lòng đam mê và tình yêu rất lớn dành cho bộ môn nghệ thuật này thì sẽ rất khó theo nghề.
Nghệ nhân Ngọc Hậu (người cầm trống) trong một buổi biểu diễn tại lễ hội dân gian Nam Bộ
"Tôi đoạt giải ba Liên hoan Bóng rỗi Nam Bộ do tỉnh Đồng Nai tổ chức năm 2017. Đến năm 2020, kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là lần đầu tiên được đứng trên sân khấu Nhà hát Thành phố. Cảm giác đó rất tuyệt vời khi nghệ thuật bóng rỗi được vinh danh. Tôi đã đoạt giải ba Liên hoan Giai điệu quê hương lần thứ 17 do TP HCM tổ chức. Những trải nghiệm đáng quý cho nghề nghiệp mà tôi có được từ các cuộc thi sẽ là hành trang để tôi truyền nghề cho các bạn trẻ như các thầy của mình đã làm" - nghệ nhân Ngọc Hậu nhớ lại.
Nghệ nhân Ngọc Hậu
Hiện nay, nghệ nhân Ngọc Hậu vẫn giữ lớp truyền nghề tại quận Bình Thạnh, TP HCM - nơi có 10 bạn trẻ theo học. Trong thời gian dịch bệnh, lớp học tạm ngưng, đời sống rất khó khăn nên nghệ nhân Ngọc Hậu đã tạm thời bán trái cây để sinh sống.
"Tôi mong dịch bệnh qua mau để được đi hát, được gặp gỡ khán giả và được lên lớp truyền dạy nghề cho các bạn trẻ. Tôi cảm ơn Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã hỗ trợ món quà đầy ý nghĩa này. Với tôi, đây sẽ là một kỷ niệm khó quên cho một năm mới 2022 có nhiều biến chuyển trong nghề để tôi tiếp tục được biểu diễn và dạy nghề, vì múa bóng rỗi là một viên ngọc quý mà tôi yêu" – nghệ nhân Ngọc Hậu tâm sự.
Bình luận (0)