Sáng 16-12, chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm nghệ nhân ưu tú Võ Trường Giang và gia đình cố nghệ nhân ưu tú Đàng Quang Dũng – người mất vì dịch bệnh Covid-19.
Ông Bùi Thanh Liêm – Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đã trao số tiền hỗ trợ cho nghệ nhân ưu tú Võ Trường Giang và gia đình cố nghệ nhân ưu tú Đàng Quang Dũng, mỗi gia đình nhận 5 triệu đồng.
Nghệ nhân ưu tú Võ Trường Giang: Miệt mài gìn giữ văn hóa cội nguồn
Yêu thích nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ từ lúc còn trẻ, Nghệ nhân ưu tú Võ Trường Giang là học trò của nghệ nhân Văn Tâm và Nghệ sĩ ưu tú Ba Tu. Ông được biết đến là một nghệ nhân về đờn kìm và guitar, sống với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ với ngón đờn điêu luyện.
Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động trao số tiền hỗ trợ cho nghệ nhân ưu tú Võ Trường Giang.
Hơn 40 năm "nặng nợ" với nền âm nhạc dân tộc, đối với ông được tiếp nối thế hệ đi trước truyền nghề cho lực lượng trẻ còn đam mê, yêu thích đờn ca tài tử là một niềm hạnh phúc lớn. "Chính niềm vui đó đã gắn kết tôi với nghề dạy đờn, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Vì từ nhỏ, máu văn nghệ đã ăn sâu trong tôi. Qua sự dẫn dắt của thầy tôi đã vận dụng những gì tích góp được để phục vụ cho nghề, vừa biểu diễn, vừa dạy học trò và cống hiến cho nghệ thuật đờn ca tài tử tại TP HCM" – Nghệ nhân ưu tú Võ Trường Giang chia sẻ.
Nghệ nhân ưu tú Võ Trường Giang đàn tặng chương trình Mai Vàng nhân ái bài Nam Ai
Không chỉ đam mê ca hát, ông còn nghiên cứu thêm để sáng tác các bài vọng cổ và các bản tài tử. Tại ngôi nhà thuê ở quận 8, ông lắp đặt một phòng thu âm và trở thành điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ sân khấu tìm đến để thực hiện các vở cải lương.
Nhận món quà từ chương trình "Mai Vàng nhân ái", ông hy vọng chương trình sẽ tiếp tục lan tỏa, giúp đỡ nhiều văn nghệ sĩ đang bị tai nạn nghề nghiệp, có đời sống khó khăn trong dịch bệnh.
"Bản thân tôi sẽ cố gắng truyền nghề, miệt mài làm nghề để dìu dắt các bạn trẻ đến với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Để bộ môn này không dần mất đi" – Nghệ nhân ưu tú Võ Trường Giang tâm sự.
Cố nghệ nhân ưu tú Đàng Quang Dũng, tấm gương đẹp của văn hóa người Chăm tại TP HCM
Rời nhà Nghệ nhân Võ Trường Giang, đoàn chúng tôi đã đến thắp hương trước bàn thờ của nghệ nhân ưu tú Đàng Quang Dũng. Ông qua đời sau thời gian điều trị bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 20-9, để lại nhiều tiếc thương đối với gia đình, học trò và các nghệ nhân của văn hóa Chăm tại TP HCM và Ninh Thuận.
Ông Bùi Thanh Liêm - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động trao số tiền hỗ trợ gia đình cố nghệ nhân ưu tú Đàng Quang Dũng.
Nghệ nhân ưu tú Đàng Quang Dũng sinh ngày 2-1-1960 tại Ninh Thuận, ông là nghệ nhân văn hóa người Chăm nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể nắm giữ đó là Trống Ginăng-Baranưng Kèn Xaranai và các tập Trường ca Chăm. Năm 1987 ông bắt đầu thực hành di sản văn hóa phi vật thể và được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" năm 2015.
Di ảnh của cố nghệ nhân ưu tú Đàng Quang Dũng
Chiếc áo của nghệ nhân ưu tú Đàng Quang Dũng được gia đình đặt bên cạnh bàn thờ của ông
Ông đã dàn dựng hàng trăm chương trình nghệ thuật, đoạt nhiều giải thưởng cao quý và HCV với vai trò tổng đạo diễn các chương trình nghệ thuật, lễ hội tại TP HCM và các tỉnh thành trong cả nước.
Các nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm đánh giá sự cống hiến to lớn của nghệ nhân ưu tú Đàng Quang Dũng. Ông nắm giữ nhiều kinh nghiệm trong việc truyền nghề và vận dụng để các động tác múa Chăm đi vào đời sống, mà nổi bật là Múa quạt (Timiadit) – Múa đội lu (Tamiadopuk); Kamang – Kraong – Biyen – Paha – Múa đội cổ bồng trầu (Tamiathonghala) Kamarg; Múa Roi, Chèo thuyền, Bắt cá, Phồn thực, Paranưng, Khăn, Tay cầm bó rạ, Múa dao đạp lửa và đặc biết là múa trong Nghi lễ Rifa.
Con gái của ông, nghệ nhân Đàng Nguyên Vũ cũng đang nối nghiệp cha. Khi nhận món quà của chương trình "Mai Vàng nhân ái", nghệ nhân Đàng Nguyên Vũ đã bày tỏ lòng biết ơn với chương trình và sự quan tâm của xã hội dành cho gia đình dù cha của cô đã qua đời.
"Trong dịch bệnh để lại nhiều tang thương, ba tôi ra đi là một mất mát lớn đối với các học trò, trong đó có tôi. Xin nguyện thực hiện di ước của ông tiếp tục lan tỏa nghệ thuật dân gian của văn hóa Chăm trong đời sống hôm nay. Xin cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái" – Nghệ nhân Đàng Nguyên Vũ nói.
Bình luận (0)