Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (bìa trái), đến thăm NS Lê Kha Vũ
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động, đã thăm hỏi và trao tặng số tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" cho hai nghệ sĩ, mỗi người 5 triệu đồng.
Nghệ sĩ Lê Kha Vũ dồn tâm huyết dạy vũ đạo cho diễn viên trẻ
Đoàn lên đường đến nhà trọ mà nghệ sĩ Lê Kha Vũ ở trọ nhiều năm tại xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Anh đang hóa trang cùng với nghệ sĩ Nhật Khánh (Phó giám đốc đoàn nghệ thuật cải lương Minh Duyên) chuẩn bị quay hình một trích đoạn cải lương tuồng cổ để thực hiện chương trình giới thiệu nghệ thuật tuồng cổ trên kênh YouTube của đoàn.
NS Lê Kha Vũ hướng dẫn NS Nhật Khánh múa vũ đạo
Hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật cải lương, ít ai biết nghệ sĩ Lê Kha Vũ học nghề từ sân khấu hát bội. Anh được nghệ sĩ Hoàng Sơn (Đoàn hát bội Kim Hương) dạy nghề rất giỏi về vũ đạo, võ thuật.
Là người chuyên đảm nhận các vai tính cách nên nghệ sĩ Lê Kha Vũ có rất nhiều vai diễn được khán giả yêu mến như: Hớn Đế (vở "Ngũ sắc châu"), Tần Hớn ("Thần nữ dâng ngũ Linh Kỳ"), Tổng Kỳ ("Thần nữ và Tiết Ứng Luông"), Lục Vũ Ông ("Duyên nơ Hồ Tiên")… Có giọng ca khỏe khoắn, nét diễn xuất sinh động, Lê Kha Vũ hóa thân vào các nhân vật phụ nhưng tạo được ấn tượng, yểm trợ đắc lực cho dàn diễn viên chính của đoàn.
Nghệ sĩ Lê Kha Vũ và Nguyễn Cát Phượng trong vở "Ngũ sắc châu"
Nhìn cách anh hóa trang và chuẩn bị hóa thân vào nhân vật, chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã kịp ghi lại hình ảnh này để thực hiện phóng sự về chuyến đi trao gửi những yêu thương giúp nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn bám nghề như Lê Kha Vũ.
Nghệ sĩ Nhật Khánh cho biết ngoài nghề diễn viên, Lê Kha Vũ còn là thầy dạy vũ đạo cho các diễn viên trẻ trong đoàn. "Anh ấy tích cực đóng góp cho phong trào đờn ca tài tử của địa phương đồng thời truyền ngọn lửa yêu nghề để các bạn trẻ hăng hái hóa thân vào nhiều vai diễn mà anh truyền kinh nghiệm cho họ" – nghệ sĩ Nhật Khánh nói.
Nghệ sĩ Lục Vũ Ông (vở "Duyên nơ Hồ Tiên")
Rất khéo tay trong việc chế tác mũ mão và may trang phục biểu diễn tuồng cổ, Lê Kha Vũ đã tự thiết kế cho bản thân và các diễn viên trong đoàn nhiều bộ phục trang theo đơn đặt hàng của mỗi vở diễn.
Nhiều tháng qua khi sân khấu ngưng hoạt động, anh lâm vào cảnh thất nghiệp. Bệnh thấp khớp và tim mạch đã khiến anh càng thêm khó khăn trong cuộc sống, lại còn ở nhà thuê nên đối mặt với nhiều rủi ro.
"Nhận được sự hỗ trợ kịp thời của "Mai Vàng nhân ái" tôi rất xúc động. Món quà này giá trị vô cùng đối với tôi trong hoàn cảnh khó khăn này. Vì dịch bệnh ập tới, sân khấu không sáng đèn, nghệ sĩ ở các tỉnh khó khăn thêm chồng chất. Cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động và sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á. Tôi mong sớm được quay lại sàn diễn, tiếp tục truyền nghề cho đàn em để giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương của dân tộc" – nghệ sĩ Lê Kha Vũ xúc động nói.
Nhạc công Nguyễn Thanh Hùng nhớ sân khấu trong ngậm ngùi
Đoàn rời nhà nghệ sĩ Lê Kha Vũ để đến xã Hòa Long, Bà Rịa - Vũng Tàu thăm nhạc công Nguyễn Thanh Hùng (60 tuổi, đờn kìm).
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao tiền hỗ trợ nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hùng
Ông bị tai biến hơn hai năm nên đã rời xa sân khấu. "Mỗi lần nghe tiếng đờn là ngậm ngùi cho số phận. Bệnh tật ập đến khiến tôi đã nghèo lại càng thêm khổ. Nhớ nghề, nhớ sân khấu lắm!" – ông xúc động bày tỏ.
Là bộ đội xuất ngũ từ chiến trường biên giới Tây Bắc, ông mê các nhạc cụ dân tộc mà nhất quyết theo học. Được nghệ nhân Minh Hiếu đờn sến chỉ dẫn, anh bộ đội đã chọn vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu để gắn bó phần còn lại của cuộc đời mình. Nơi đó mang lại cho nhạc công Nguyễn Thanh Hùng mối tình nghèo nhưng hạnh phúc. Ông bà sinh được 3 người con, sống hiếu thảo, một lòng tôn kính nghề đờn của cha.
Về làm rể ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ông đã rèn giũa thêm cho ngón đờn sến ngày càng điêu luyện. Ngoài ra, ông còn phát huy tay nghề khi học và biểu diễn thành thạo các loại nhạc cụ khác như: bầu, guitar, tranh, sáo trúc…
Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hùng
Không chỉ tham gia biểu diễn ở nhiều ban nhạc cổ của địa phương, trong đó gắn bó với đoàn cải lương Minh Duyên, ông còn nhận học trò để đào tạo nhạc công. Ông chỉ dẫn tận tình rồi từ từ hướng học trò tìm hiểu và chịu học thêm sến, bầu, tranh… "Nhạc cụ dân tộc mình độc đáo lắm, nhưng để chơi được thì rất công phu. Bây giờ trong dịch bệnh, bản thân tôi lại chống chọi với căn bệnh nên không còn đủ sức khỏe để dạy nghề, càng nghĩ càng thấy tủi thân" – nhạc công Nguyễn Thanh Hùng tâm sự.
Đón nhận món quà ý nghĩa của chương trình "Mai Vàng nhân ái", ông bày tỏ lòng biết ơn đối với ban tổ chức đã mang đến niềm vui cho ông trong ngày hôm nay. "Tôi không nghĩ "Mai Vàng nhân ái" về đến tận nhà để thăm một nhạc công không tên tuổi như tôi. Chúc chương trình tạo thêm sức lan tỏa để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh văn nghệ sĩ còn khó khăn trong cả nước" – nhạc công Nguyễn Thanh Hùng nói.
Bình luận (0)