Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã trao đến Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đào và gia đình cố nhạc sĩ Quang Dũng số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/ người.
Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đào: Nguyện cả đời sống với múa bóng rỗi
Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đào tên thật là Trần Ngọc Đáo (SN 1978), được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2007. Ông là một trong số 23 nghệ nhân dân gian của TP HCM được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú đợt 2.
Theo nghề múa bóng rỗi năm 14 tuổi, Ngọc Đào đã được thầy là nghệ nhân Thu Hồng (năm nay đã 70 tuổi) dìu dắt, truyền nghề. Khi chúng tôi đến nhà, Ngọc Đào đang chuẩn bị lễ vật để mai (mùng 8 tháng 10 âm lịch) cúng ngày truyền thống Đoàn Nghệ thuật Múa bóng rỗi dân gian Địa Nàng "Thanh - Đào", do ông và Nghệ nhân ưu tú Ngọc Thanh thành lập.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao đến Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đào số tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" .
Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đào cho biết múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật dân gian hết sức độc đáo của người Nam Bộ. Loại hình này có từ thời khẩn hoang, lập ấp, theo dấu chân của các tiền nhân trong cuộc Nam tiến cách đây hơn 300 năm.
"Khi theo nghề, tôi đã được thầy phân tích rất rõ về nguồn gốc và phương châm làm nghề của nghệ thuật múa bóng rỗi Nam Bộ. Tôi đã nối nghiệp thầy, tiếp tục công việc truyền nghề cho hơn 50 học viên trẻ. Đến nay, Đoàn Nghệ thuật Múa bóng rỗi Địa Nàng "Thanh - Đào" có 15 nghệ nhân tham gia. Đoàn đã tiếp tục dìu dắt, chỉ dẫn cho các bạn trẻ yêu thích bộ môn nghệ thuật này gìn giữ và phát huy nghệ thuật múa bóng rỗi tại TP HCM" – ông cho hay.
Trước khi dịch Covid-19 đợt 4 ập đến, Ngọc Đào phát hiện mình bị bệnh cao huyết áp. Do lễ hội đều ngưng tổ chức để phòng chống dịch bệnh nên đời sống của ông và đoàn rất khó khăn vì tất cả đều lâm cảnh thất nghiệp.
Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đào biểu diễn múa bóng rỗi trong buổi lễ cúng cầu yên tại huyện Bình Chánh, TP HCM
Theo Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đào, múa bóng rỗi thường gắn với các dịp cúng bà như: bà Chúa Xứ, bà Hỏa, Ngũ Hành nương nương… Ở một số ngôi đình Nam Bộ, nhất là những ngôi đình có miễu bà Chúa Xứ, múa bóng rỗi diễn ra hằng năm, thu hút đông đảo người dân tham dự. Nghệ thuật múa bóng rỗi có liên quan chặt chẽ đến tục thờ Mẫu ở Việt Nam nói chung và ở Nam Bộ nói riêng. Các vị nữ thần được thờ ở Nam Bộ là kết quả của quá trình giao lưu, hỗn dung văn hóa của nhiều lớp cư dân người Khmer, người Việt, người Chăm, người Hoa.
Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đào biểu diễn múa bóng rỗi trong buổi lễ cúng Kỳ yên
"Ngoài tài nghệ múa, người theo nghề múa bóng rỗi còn có khả năng sáng tác lời ca theo yêu cầu của gia chủ, người chủ tế… theo nền nhạc đệm có sẵn. Tôi đã hướng dẫn nhiều bạn trẻ đam mê nghề này tập tành sáng tác. Lời bài hát tha thiết ca ngợi các vị nữ thần nhưng phải mang tinh thần lan tỏa những tích cực trong cuộc sống sau đại dịch. Ngoài ra, còn có thêm nghề cắt dán mâm vàng, thực hiện các nghi lễ thờ phụng" - Ngọc Đào bộc bạch.
Đến nay, Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đào đã sáng tác hơn 100 bài hát. Ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến sự quan tâm của chương trình "Mai Vàng nhân ái" dành cho nghệ nhân múa bóng rỗi.
"Còn nhiều nghệ nhân khó khăn lắm, tôi mong "Mai Vàng nhân ái" sẽ nhân rộng thêm ý nghĩa tốt đẹp này. Bởi, nghệ thuật múa bóng rỗi là một nét đẹp văn hóa theo hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian, thể hiện được giá trị văn hóa nghệ thuật cao, cần được bảo tồn và phát huy. Đội ngũ nghệ nhân múa bóng rỗi ở TP HCM trong đại dịch gặp nhiều khốn khó vì không có lễ hội, không có biểu diễn, đời sống lâm vào khánh kiệt" - ông bày tỏ.
Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đào biểu diễn múa bóng rỗi với tiết mục "Mâm vàng phương nam"
Trong sự nghiệp nghệ thuật, Ngọc Đào đã được trao các giải thưởng: Giải A "Múa cúng bà" (Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa dân tộc 2015); Giải A "Mâm vàng – bông huệ" Ngọc Đào, Ngọc Thanh (Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa dân tộc 2015), Giải nhì "Mâm vàng phương nam" (Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc Giai điệu quê hương năm 2016)…
Cố nhạc sĩ Quang Dũng: Di nguyện mong con trai nối nghiệp
Cũng trong sáng 11-11, ông Bùi Thanh Liêm đã cùng đoàn cán bộ, phóng viên và nhân viên của Báo Người Lao Động đến thắp nén hương tưởng nhớ cố nhạc sĩ Đoàn Quang Dũng.
Trước đó, chiều 8-9, giới nghệ sĩ sân khấu cải lương tại TP HCM đã bàng hoàng trước thông tin nhạc sĩ Đoàn Quang Dũng – được người trong giới gọi là "Dũng đen" - đã qua đời sau thời gian mắc và điều trị Covid-19, hưởng dương 53 tuổi. Bà Nguyễn Thị Mai, vợ cố nhạc sĩ, cho biết ông vốn mắc nhiều bệnh nền và 8 năm qua, bệnh tai biến đã khiến ông phải liên tục điều trị nên không thể qua khỏi khi bị nhiễm Covid.
Sự ra đi của nhạc sĩ Quang Dũng để lại khoảng trống quá lớn đối với gia đình, vì ông là trụ cột chính nuôi vợ con bằng tiếng đàn, tiếng sáo điêu luyện.
Ông Bùi Thanh Liêm trao cho gia đình cố nhạc sĩ Quang Dũng số tiền hỗ trợ của "Mai Vàng nhân ái".
Mồ côi cha (chiến sĩ cách mạng, hy sinh tại Long An năm 1971) từ năm lên 24 tuổi, Quang Dũng nuôi mẹ già và em gái bằng tiếng đờn, tiếng sáo tài hoa. Gia cảnh vốn nghèo khó nên ông rất hiếu thảo. Thuở còn là sinh viên học khoa đào tạo âm nhạc truyền thống tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM), ngoài thời gian học, ông làm thêm nghề vá sửa xe để có tiền phụ giúp gia đình.
Ông Bùi Thanh Liêm thắp hương tưởng nhớ cố nhạc sĩ Đoàn Quang Dũng
Nhạc sĩ Quang Dũng từng gắn bó với Đoàn Văn công TP HCM, nay là Nhà hát Trần Hữu Trang. Với tay đờn bầu nhiều kinh nghiệm trong dàn nhạc cổ, ông được đánh giá là nhạc sĩ kế thừa những ngón đờn độc đáo của các bậc tiền bối danh tiếng như: Bảy Bá (NSND Viễn Châu), NSND Thanh Hải, nhạc sĩ Mai Hoàng Thành, nhạc sĩ Văn Hải...
NSND Ngọc Giàu từng khen ngợi: "Tiếng đờn bầu của nhạc sĩ Quang Dũng mùi mẫn lắm, chỉ nghe rao thôi đã đủ thổn thức. Có Quang Dũng trong ban nhạc cổ của bất kỳ suất diễn nào thì tiếng đờn của anh cũng tiếp thêm cảm xúc cho người nghệ sĩ. Ngoài ra, Quang Dũng còn có tài thổi sáo rất điêu luyện".
Ông Bùi Thanh Liêm trao đến gia đình cố nhạc sĩ Quang Dũng số tiền hỗ trợ của "Mai Vàng nhân ái".
Năm 1998, khi Đoàn Văn công sáp nhập Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nhạc sĩ Quang Dũng về hoạt động tại đoàn 1 của nhà hát. Ông đã cống hiến rất nhiều cho dàn nhạc cổ trong các cuộc liên hoan, hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, đem lại nhiều HCV cho tập thể.
Nhắc đến nhạc sĩ Quang Dũng, những nghệ sĩ đồng nghiệp không quên các vở cải lương nổi tiếng có sự tham gia của ông như: "Ai giết tình em", "Không là cát bụi", "Một chuyện tình buồn", "Tiếng vạc sành", "Lối về", "Cội nguồn", "Tình mẫu tử", "Một ông, hai bà", "Một ngày làm vua", "Sông dài"... Ông còn tham gia thu âm hàng trăm vở cải lương, chương trình hòa tấu âm nhạc cải lương, chương trình giới thiệu bài bản mới do CLB Sân khấu Lạc Long Quân thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Mai đã xúc động đón nhận món quà hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái". "Gia đình cảm ơn chương trình đã quan tâm, chia sẻ trong lúc khó khăn nhất. Di nguyện mà ông nhà tôi là mong con trai - Đoàn Nguyễn Minh Nhật sẽ nối nghiệp cha. Cháu đang học năm thứ ba Nhạc viện TP HCM nhưng do gia cảnh túng thiếu nên đã xin nghỉ. Chồng tôi mong muốn con trai sẽ tiếp nối, giữ gìn vốn quý mà ông cha đã tạo ra. Hiện cháu được nhạc sĩ Huỳnh Tuấn đỡ đầu, tiếp tục chỉ dạy để có thể nối nghiệp cha" - bà tâm sự.
Bình luận (0)