Tại trụ sở Hội Sân khấu TP HCM, chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã gặp gỡ hai nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật hát bội và kịch nói. Cùng đến thăm còn có đạo diễn Tôn Thất Cần và NSƯT Trịnh Kim Chi – đồng Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM; đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Trưởng Ban Ái hữu nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu TP HCM.
NSƯT Ngọc Khanh: Tận tâm với nghệ thuật hát bội
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã thăm hỏi, trao tặng số tiền hỗ trợ cho hai nghệ sĩ (5 triệu đồng/người).
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao quà Chương trình "Mai Vàng nhân ái" cho NSƯT Ngọc Khanh và nghệ sĩ Tấn Thi
NSƯT Ngọc Khanh là con gái của cố nghệ sĩ tài danh Ba Út, một trong những cô đào của nghệ thuật hát bội nổi tiếng miền Nam. Mẹ của bà là nghệ sĩ cùng thời với các nghệ sĩ tiền bối, như: Minh Tơ, Phùng Há, Năm Đồ… Nhờ vậy, từ năm lên chín, NSƯT Ngọc Khanh được làm quen với ánh đèn sân khấu.
Năm 1971, tròn 17 tuổi, NSƯT Ngọc Khanh được NSND Đinh Bằng Phi thuyết phục với mẹ của bà, cho bà thi vào Trường Quốc gia âm nhạc Kịch Nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM) để học nghề. Sau đó, bà về công tác giảng dạy tại Trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2 (nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM).
Hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật hát bội, NSƯT Ngọc Khanh cộng tác với các đoàn Hoa Xuân, Minh Tơ, Nghĩa Thành..., diễn hàng trăm vai, được công chúng yêu mến. Nổi bật, bà đóng các vai chính trong các vở: "Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu", "Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ", "Chung Vô Diệm", "Ngọc Kỳ Lân", "Phàn Lê Huê", "San Hậu", "Tiết Đinh San", "Trưng Nữ Vương"…
NSƯT Ngọc Khanh trong vai "Thần nữ" của vở "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ". Ảnh tư liệu
Năm 1974, NSƯT Ngọc Khanh cùng NSƯT Kim Thanh, NSƯT Ngọc Dung, Kim Ngà sang Canada diễn vở hát bội "Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ"được khán giả kiều bào đón nhận rất nồng nhiệt.
Từ năm 1990 đến năm 1996, tác giả Lê Duy Hạnh và tác giả Huỳnh Minh Nhị đã động viên bà thành lập CLB Nghệ thuật hát bội truyền thống do bà làm chủ nhiệm.
Năm 2007, trong một lần đi diễn, NSƯT Ngọc Khanh không may bị tai nạn, chấn thương ở xương sườn. Cách đây 4 năm, bà còn bị tiểu đường. Do sức khỏe yếu, thời gian qua, bà rất ít nhận suất diễn. Bà chỉ tham gia giảng dạy khóa đào tạo diễn viên trẻ của lớp "Đường vào hát bội" và là thành viên tư vấn cho chương trình "Vang vọng trống chầu", nhằm lưu giữ những nét đẹp tinh hoa của bộ môn nghệ thuật mà ông cha để lại.
NSƯT Ngọc Khanh nói bà cảm thấy ấm lòng với món quà của Chương trình "Mai Vàng nhân ái". Bà chia sẻ thêm: "Sau hai đợt dịch Covid-19, nghệ sĩ hát bội rất hiếm có cơ hội biểu diễn. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng, tận tâm giữ gìn, bảo tồn bộ môn độc đáo của ông cha để lại".
Nghệ sĩ Tấn Thi: Còn sức, còn cống hiến cho nghề
Nghệ sĩ Tấn Thi là diễn viên thế hệ đầu tiên của sân khấu kịch nói miền Nam. Ông gắn bó với nghệ thuật đã hơn 45 năm. Sau ngày đất nước thống nhất, Bộ Văn hóa mở lớp đào tạo diễn viên đầu tiên tại miền Nam. Ông và NSND Kim Xuân, NSƯT Minh Hạnh, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung,... được tham gia lớp học này.
Hai nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật hát bội và kịch nói
Ông được khán giả thời đó biết đến với các vở như: "Hòn đảo thần vệ nữ", "Chuông đồng hồ điện Krelim", "Đâu có giặc là ta cứ đi"… Năm 1981, NSƯT Thành Trí đã chọn ông tham gia vở hài kịch "Xem mắt nàng dâu" cùng với Thương Tín, Minh Hoàng, Hoa Hạ… Vở được đánh giá là một trong các tác phẩm tiêu biểu của đợt vận động sáng tác, biểu diễn "Tiếng cười sân khấu" mang ý nghĩa giáo dục của TP HCM.
NS Tấn Thi được yêu thích với những vai diễn nhà nông trên sân khấu và phim ảnh
Năm 1992, ông bắt đầu chuyển sang đóng phim, vai thiếu tá trong phim "Lệnh truy nã 2" ông đã được khán giả yêu thích. Gần đây nhất, ông có tham gia bộ phim truyền hình "Vua bánh mì".
Hơn 15 năm qua, ông đã vướng phải căn bệnh tiểu đường. Gia cảnh ngày càng khó khăn nên ông vẫn phải tiếp tục tham gia đóng phim, diễn kịch để có tiền chữa bệnh.
Đạo diễn Tôn Thất Cần, NSƯT Trịnh Kim Chi (thứ nhất và thứ hai từ trái qua) cùng đạo diễn Nguyễn Hồng Dung (bìa phải) cùng đến thăm hỏi NSƯT Ngọc Khanh và nghệ sĩ Tấn Thi
"Xin được cảm ơn sự quan tâm của Chương trình "Mai Vàng nhân ái" và Ngân hàng TMCP Nam Á, đã gửi đến nghệ sĩ chúng tôi những món quà ý nghĩa. Đây là động lực lớn để tôi tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Tôi hứa còn sức thì còn làm nghề cho đến hơi thở cuối cùng" – NS Tấn Thi bày tỏ.
"Mai Vàng nhân ái" được phát động tại Lễ trao giải Mai Vàng lần thứ 25 của Báo Người Lao Động, với sự tham gia đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á. Chương trình nhằm tôn vinh những nghệ sĩ đã nỗ lực không ngừng trong sáng tạo nghệ thuật, cống hiến cho công chúng những tác phẩm hay, những vai diễn xuất sắc, đang có hoàn cảnh khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã đến thăm và trao tiền hỗ trợ: NSND - đạo diễn Huỳnh Nga, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, Tiến Luân, NS Kim Giác, NS Điền Phong, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, NS Hoàng Lan, nhà văn – nghệ sĩ Mạc Can, NS Chấn Đạt, NSƯT - họa sĩ Lê Trường Tiếu, nhà biên kịch Lê Khanh, nhạc sĩ Trần Quang Lộc, Phan Văn Sáng, Mai Thành, NSƯT Nam Hùng, NSƯT Hùng Minh, NS Tùng Lâm, ảo thuật gia Trần Bình, NS Thanh Thế, NS Mai Trần, nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm, NS Hữu Thành, NS Bo Bo Hoàng, NS Thanh Tú, NSƯT Thanh Nguyệt, đạo diễn Lê Văn Tĩnh, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (Đồng Tháp), NSƯT Phương Tùng (Long An), nghệ sĩ Thạch Sỹ Long, Kiều Mỹ Dung (Cần Thơ), NSƯT Ngô Tuyết Hoàn, ca sĩ Tuấn Phương (Hà Nội), nhạc sĩ Phan Thao, nhạc sĩ Kỳ Anh, NSND Thái Mạnh Hiển, GS - Nhà giá ưu tú Nguyễn Văn Đời, NS Hoàng Vân, NS Diễm Trinh, NS Tuấn Phương, NS Trường Quang. Chương trình cũng đã đến thăm, trao quà cho Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM và viếng tang lễ của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm.
Bình luận (0)