Ông Bùi Thanh Liêm (phải), Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động, đã trao đến 2 nghệ sĩ Diễm Kiều và Kiều Phượng Loan món quà của Chương trình "Mai Vàng nhân ái" là số tiền 5 triệu đồng/người.
Tại đình Nhơn Hòa, quận 1, TP HCM, Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã gặp gỡ hai nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương và kịch nói, đó là nghệ sĩ Diễm Kiều và Kiều Phượng Loan. Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động, đã trao đến 2 nghệ sĩ món quà của Chương trình "Mai Vàng nhân ái" số tiền 5 triệu đồng/người.
Nghệ sĩ Diễm Kiều: Một lần thế vai, gắn bó trọn đời với sân khấu
Ông Bùi Thanh Liêm - Phó Tổng Biên Tập báo Người Lao Động - thăm hỏi sức khỏe hai nghệ sĩ Kiều Phượng Loan và Diễm Kiều
Nghệ sĩ Diễm Kiều là một gương mặt quen thuộc với sân khấu kịch nói và phim truyền hình. Năm nay bà đã 78 tuổi, bệnh thiếu máu khiến bà lúc nào cũng mệt mỏi, ốm yếu.
Bà tên thật Huỳnh Thị Ánh Tuyết, khởi nghiệp là học viên lớp đào tạo diễn viên của đoàn cải lương Thủ Đô. Với gương mặt sáng, ca hay, lanh lẹ, bà đã được nhiều nghệ sĩ tiền bối khen ngợi. Tuy nhiên duyên may chưa đến nên bà vẫn cứ chỉ là học viên, ngâm thơ sau cánh gà hoặc đóng các vai tì nữ.
Lúc này NSND Ba Vân đã quyết định chọn bà theo học lớp đào tạo diễn viên và lồng tiếng của Hãng phim Mỹ Vân do ông phụ trách. Lúc đó bà tròn 15 tuổi, chưa hiểu mình sẽ rẽ đi hướng nào, làm diễn viên kịch hay diễn viên cải lương, chỉ biết làm theo lời thầy.
Một lần bà theo thầy đến rạp Thái Bình xem hát, hôm đó ban kịch Tân Dân Nam diễn một tiểu phẩm hài kịch, mà nhân vật nữ chính do nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng thể hiện bị công việc đột xuất phải bay sang Hồng Kông, nên thầy bà đã tiến cử học trò thế vai.
"Tôi đâu có ngờ từ sau lần thế vai đó, thầy tôi đặt tên Diễm Kiều và tôi gắn bó với sân khấu kịch nói luôn. Bạn diễn của tôi lúc đó là anh La Thoại Tân, chị Túy Hoa, Túy Phượng, thầy Duy Lân và thầy Ba Vân. Ban kịch Tân Dân Nam là sàn diễn đầu tiên cho tôi nhiều bài học để làm nghề. Sau này tôi tham gia nhiều ban kịch, nổi tiếng với vai bà Tám trong vở "Gia đình bác Tám" được khán giả yêu thích" - nghệ sĩ Diễm Kiều chia sẻ.
Nghệ sĩ Diễm Kiều và Kiều Phượng Loan gửi lời cảm ơn đến chương trình "Mai Vàng nhân ái" trong buổi gặp gỡ tại đình Nhơn Hòa, quận 1, TP HCM sáng 16-12-20
Khi bà được NSND Kim Cương mời về đoàn kịch nói Kim Cương, bà đã có các vai được công chúng dành nhiều cảm tình: bà hội đồng (vở "Lá sầu riêng"), bà chủ quán bar (vở "Vực thẳm chiều cao"), nữ công nhân hầm mỏ (vở "Lôi Vũ"), mẹ bác sĩ Huy (vở "Nhân danh công lý")…
Từ những vai diễn phụ nữ chịu nhiều đau khổ, giàu nghị lực trong cuộc sống, nghệ sĩ Diễm Kiều được mời đóng nhiều bộ phim truyền hình: "Sóng biển", "Hoa bằng lăng", "Màu tím hoàng hôn"…Điều ít ai biết, nghệ sĩ Diễm Kiều là cô ruột của ca sĩ Lâm Khánh Chi, từ người cô làm nghệ sĩ đã truyền cảm hứng để cô đến với nghệ thuật.
"Tôi cảm ơn và xúc động khi nhận được món quà ý nghĩa của chương trình "Mai Vàng nhân ái". Gần đây tôi được NSƯT Thành Lộc mời đóng trong vở "Gươm lạc giữa rừng hoa" tại sân khấu IDECAF, nhưng từ khi dịch bệnh Covid -19 ảnh hưởng đến sàn diễn, vở này ít sáng đèn, nên tôi cũng lâm vào hoàn cảnh thất nghiệp. Có được số tiền hỗ trợ của chương trình, tôi có thể mua thuốc điều trị căn bệnh thiếu máu của mình" - nghệ sĩ Diễm Kiều xúc động nói.
Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan: "Rời sàn diễn, nghệ sĩ về chiều nhiều bệnh tật"
Ông Bùi Thanh Liêm - Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động - trao số tiền hỗ trợ cho nghệ sĩ Kiều Phượng Loan
Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan không ngại cho biết số tuổi của bà. "Chỉ một năm nữa tôi đã 70 tuổi rồi. Bệnh tiểu đường dẫn đến tim mạch khiến tôi thường hay mệt. Năm 2012, sau suất diễn với CLB Sân khấu Lạc Long Quân tại sân khấu Sen Hồng, tôi chở nghệ sĩ Mỹ Chi về nhà. Trên đường đi tôi ngất xỉu, suýt gây tai nạn. Nghệ sĩ Chấn Cường đã đến kịp thời sau cuộc điện thoại cầu cứu của nghệ sĩ Mỹ Chi, cùng đưa tôi vào cấp cứu. Từ đó tôi mới biết mình bị tiểu đường, đã biến chứng qua bệnh tim" - nghệ sĩ Kiều Phượng Loan nói.
Bà là cô đào chánh từ năm 17 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia âm nhạc – kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM), bà được ba mẹ và người chú ruột là nghệ sĩ Út Hiền lập gánh hát mang tên Lan Thanh – Kiều Phượng Loan để bà làm đào chánh. Trong các cô đào được truyền nghề từ ngôi trường này, duy nhất có bà là ra trưởng thành công với vai đào chánh từ lúc còn rất trẻ và chưa bao giờ diễn vai đào phụ.
Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan và NSND Kim Cương trong chương trình "Nghệ sĩ và sàn diễn" của HTV
Sự nghiệp của nghệ sĩ Kiều Phượng Loan phát triển từ đó, bà rẽ sang thoại kịch cũng khá thành công, thành lập ban kịch Phượng Loan rất ấn tượng. Khi bà về đầu quân cho sân khấu kịch nói Kim Cương, bà đã để lại nhiều cảm tình cho khán giả trong các vở: "Tanhia", "Con nai đen rừng Đế Thích", "Hồi sinh", "Biển động", "Người tình trễ xe"…
Bà cũng là cô đào "gây sóng gió" khi diễn cặp với NSƯT Vũ Linh, khiến khán giả hâm mộ qua các vở: "Giang sơn mỹ nhân", "Truyền thuyết tình yêu"…
Đón nhận số tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", nghệ sĩ Kiều Phượng Loan đã nói: "Tôi vô cùng hạnh phúc, vì nghệ sĩ về chiều chịu nhiều bệnh tật như tôi lại nhận được sự quan tâm của chương trình "Mai Vàng nhân ái". Tôi mong chương trình này sẽ kéo dài để có thể giúp cho nhiều nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật như tôi và chị Diễm Kiều" – nghệ sĩ Kiều Phượng Loan xúc động nói.
Bình luận (0)