Đại diện Báo Người Lao Động và đại diện Ngân hàng Nam Á đã hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi nghệ sĩ.
Điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm là con đường Nguyễn Thái Học (Phường Tân Thành, quận Tân Phú), nơi họa sĩ thiết kế - NSƯT Lê Trường Tiếu đang cư trú. Nhắc đến NSƯT Lê Trường Tiếu, người trong giới không thể quên những tác phẩm điện ảnh, truyền hình, những sân khấu ca nhạc mà ông từng thiết kế, xây dựng bối cảnh.
NSƯT Lê Trường Tiếu chia sẻ cùng đại diện Báo Người Lao Động và đại diện Ngân hàng Nam Á
Những phim ghi dấu ấn của NSƯT Lê Trường Tiếu trong vai trò xây dựng bối cảnh có "Đất Phương Nam", "Ngọn lửa Thành đồng", "Bài ca không quên", "Pho tượng", "Con thú tật nguyền", "Thăng Long đệ nhất kiếm"… Với thiết kế sân khấu chương trình ca nhạc, ông tham gia thực hiện rất nhiều và trong đó gây ấn tượng là 18 số Duyên Dáng Việt Nam.
"Tôi còn nhớ thời gian xây dựng bối cảnh cho phim "Đất Phương Nam" quay ở Cần Giờ, Cà Mau. Một hành trình dài đầy những kỷ niệm khó quên, nhất là cảnh quay nhân vật Võ Tòng bắt cá sấu" – NSƯT Lê Trường Tiếu nhớ lại. Ông cho biết về sau do tuổi già, sức yếu nên mới rời nghề trong sự luyến tiếc.
NSƯT Lê Trường Tiếu xúc động nhận hỗ trợ
NSƯT Lê Trường Tiếu có nhiều đóng góp cho sân khấu Lễ trao Giải Mai Vàng ở giai đoạn đầu. Lễ trao giải những năm 2003-2005, NSƯT Lê Trường Tiếu đều tham gia giúp cho sân khấu giải thưởng thường niên tôn vinh thành quả lao động của nghệ sĩ được độc đáo, lộng lẫy hơn.
Những năm gần đây, NSƯT Lê Trường Tiếu sức khỏe không tốt, vợ ông chia sẻ họa sĩ thiết kế này bị tai biến năm 2006 và bệnh tình trở nặng 4-5 năm nay. .
Nhận tiền hỗ trợ từ chương trình "Mai Vàng nhân ái", NSƯT Lê Trường Tiếu nói: "Tôi rất xúc động, cảm ơn tấm lòng của bạn đọc Báo Người Lao Động và chương trình "Mai Vàng nhân ái". Có người nhớ đến mình sau từng ấy thời gian, tôi thấy rất đáng quý!".
Rời nhà NSƯT Lê Trường Tiếu, chúng tôi đến thăm biên kịch Lê Khanh tại đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP HCM). Đã 93 tuổi, biên kịch Lê Khanh tươi cười rạng rỡ, chào đón đoàn.
"Dù tuổi cao nhưng ông vẫn sống lạc quan, sức khỏe chỉ yếu đi thời gian gần đây sau khi mẹ của ông qua đời" – vợ nhà biên kịch Lê Khanh chia sẻ.
Biên kịch Lê Khanh đã tham gia biên kịch trong nhiều phim truyện và phim truyền hình. Trong đó, những tác phẩm của ông có: "Thăng Long đệ nhất kiếm", "Nước mắt học trò", "Kế hoạch 99", "Võ sĩ bất đắc dĩ", "Tây Sơn hào kiệt", "Hương cỏ dại"… Ngoài ra, ông còn tham gia sáng tác cải lương. Đặc biệt, ông được một số người trong giới nghệ sĩ cho là người khởi xướng loại hình tân cổ giao duyên.
Nhà biên kịch Lê Khanh nhận hỗ trợ trong xúc động
Theo biên kịch Lê Khanh, năm 1958, ông và soạn giả Thiếu Linh đã sáng tác bài vọng cổ gối đầu cho bài tân nhạc "Cô lái đò" (thơ: Nguyễn Bính, nhạc: Nguyễn Đình Phúc) do nghệ sĩ Hùng Cường và Út Bạch Lan ca. Sau đó, ông sáng tác phần nhạc bài tân cổ "Hai buổi chiều vàng", dựa theo ý của Thiếu Linh. Tranh luận xoay quanh ai là người khởi xướng hiện vẫn còn nhưng những đóng góp của biên kịch Lê Khanh được ghi nhận.
Trò chuyện với chúng tôi, ông ôn lại quãng đời nghệ sĩ bao thăng trầm, ông vẫn nhớ như in kịch bản phim "Nhớ rừng" – tác phẩm đầu tiên và cũng là tác phẩm ông gửi trọn nỗi nhớ chiến khu, nhớ những tháng chiến đấu cùng đồng đội.
Nhận món quà từ "Mai Vàng nhân ái", biên kịch Lê Khanh cho biết ông rất xúc động, cảm ơn chương trình bởi "còn nhớ nhau là quý rồi!".
Bình luận (0)