Ông Bùi Thanh Liêm - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã đại diện trao tặng số tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" 5 triệu đồng cho nhà giáo – nghệ sĩ Mai Thanh Dung và 10 triệu đồng cho Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP HCM Lê Tú Cẩm.
"Cách đây ba năm, Báo Người Lao Động phát động chương trình gắn liền Giải Mai Vàng, có tên "Mai Vàng nhân ái", nhằm tạo nguồn kinh phí chăm lo cho văn nghệ sĩ, trí thức, nghệ nhân… có hoàn cảnh khó khăn hoặc lớn tuổi, có bệnh. Thời gian qua, Báo Người Lao Động đã đến thăm và trao tặng hỗ trợ cho nhiều người ở nhiều lĩnh vực, tại nhiều nơi trên cả nước" - ông Bùi Thanh Liêm cho biết.
Ông Bùi Thanh Liêm - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tặng hỗ trợ cho nhà giáo – diễn viên Mai Thanh Dung.
Nhà giáo – nghệ sĩ Mai Thanh Dung chia sẻ: "Tôi rất cám ơn tình cảm của chương trình "Mai Vàng nhân ái". Đây là điều an ủi lớn cho các nghệ sĩ cao tuổi. Tôi nay đã 70 tuổi, cống hiến cả đời cho nghệ thuật với công việc diễn xuất, đi dạy, mong ước đào tạo học trò, những người nối nghiệp phục vụ khán giả trên sân khấu, phim ảnh... Tôi cám ơn Báo Người Lao Động, cám ơn đơn vị đồng hành đã hỗ trợ cho anh chị em nghệ sĩ, giúp đỡ những nghệ sĩ lớn tuổi, khó khăn như tôi. Tôi xúc động bởi ngoài giá trị vật chất thì đây còn là giá trị tinh thần động viên chúng tôi rất nhiều. Tôi mong chương trình tiếp tục duy trì, mở rộng trong thời gian tới".
Nhà giáo - nghệ sĩ Mai Thanh Dung nổi danh với vai bà Tư Ù trong phim "Đất Phương Nam"
Sinh năm 1958 trong gia đình không ai làm nghệ thuật, ngay từ nhỏ bà mơ ước trở thành luật sư nhưng vì nhiều biến cố bà học thoại kịch tại Trường Quốc gia Âm Nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM) năm 16 tuổi. Năm 1976, bộ môn kịch nghệ được tách riêng để chuyển thành Trường Nghệ thuật Sân khấu II TP HCM (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM), nhà giáo - nghệ sĩ Mai Thanh Dung đã đứng lớp môn tiếng nói sân khấu cho đến khi nghỉ hưu.
Ở vai trò giảng viên, bà đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh: NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, Hồng Đào, Minh Nhí… Trong thời gian giảng dạy, bà tham gia diễn xuất trên sân khấu cũng như các phim điện ảnh, truyền hình: "Đất Phương Nam", "Nhà không bán"… Bà gây ấn tượng với hình tượng người phụ nữ tốt bụng, duyên dáng hoặc hài hước.
Ông Bùi Thanh Liêm - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tặng hỗ trợ cho Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP HCM Lê Tú Cẩm.
Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP HCM Lê Tú Cẩm xúc động khi chương trình "Mai Vàng nhân ái" đến thăm. Bà nói: "Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đến thăm tôi rất mừng. Giải Mai Vàng được phát động nhiều năm vẫn duy trì, trở thành giải thưởng lớn của thành phố, được văn nghệ sĩ hướng đến, mong góp mặt, trở thành người được vinh danh. Đây là điều hiếm có, không phải báo nào cũng làm được. Tôi mừng và đánh giá cao điều này! Bên cạnh giải Mai Vàng còn có chương trình "Mai Vàng nhân ái", chương trình tôi được biết qua thông tin đại chúng. Tôi mừng vì báo làm được điều hay, ý nghĩa mà duy trì đến hiện nay. Thế hệ trẻ tiếp nối thế hệ trước, nâng tầm tờ báo, nâng tầm giải thưởng như thế tôi đánh giá cao. Người khởi xướng đã khó người vun đắp, giữ được càng khó hơn!".
Bà Lê Tú Cẩm nay đã 75 tuổi
Bà Lê Tú Cẩm nay đã 75 tuổi, vẫn tích cực hoạt động với vai trò Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP HCM. Bà từng là học sinh của Trường nữ trung học Gia Long (giờ là trường Nguyễn Thị Minh Khai). Vừa học và vừa hoạt động cách mạng bí mật, bà là một trong số thanh niên yêu nước thời bấy giờ. Năm 1967, bà bị bắt giam. Trải qua nhiều đấu tranh gian khổ, năm 1974, bà và các nữ tù chính trị khác được trao trả khỏi nhà tù Côn Đảo.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bà được phân công nhiều chức vụ.
Bình luận (0)