Đoàn đã đến nhà thăm hai nghệ sĩ và chương trình "Mai vàng nhân ái" đã trao tiền hỗ trợ cho hai nghệ sĩ, mỗi người nhận được 5 triệu đồng.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan cả đời dành cho âm nhạc dân tộc
Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Phạm Thúy Hoan – Chủ nhiệm CLB Tiếng hát quê hương (Cung Văn hóa Lao động TP HCM) đã bày tỏ niềm xúc động. Bà cho biết hai năm qua đã theo dõi hoạt động của chương trình "Mai Vàng nhân ái" và nhận thấy còn nhiều văn nghệ sĩ, nghệ nhân, Nhà giáo Nhân dân, NGƯT trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ cần được giúp đỡ.
"Chương trình đã mở rộng ra tận các tỉnh thành trong cả nước, lan tỏa tinh thần san sẻ trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn, đời sống văn nghệ sĩ bị ảnh hưởng nặng nề. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với chương trình Mai Vàng nhân ái" – NGƯT Phạm Thúy Hoan nói.
Chương trình Mai Vàng nhân ái đến thăm và trao tiền hỗ trợ cho NGƯT Thuý Hoan
Hơn 60 năm gắn bó cùng với âm nhạc dân tộc và đàn tranh, NGƯT Phạm Thúy Hoan đã cống hiến nhiều thành tựu trong việc đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đồng thời vận dụng kinh nghiệm để sáng tác nhiều cuốn sách về đàn tranh.
Từ trái sang" Tiến sĩ NSƯT Hải Phượng, Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan và nghệ sĩ Hải Yến
Bằng tình yêu và niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc, sau khi tốt nghiệp, bà bắt đầu sự nghiệp giảng dạy bộ môn đàn tranh tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM). Từ đó đến nay, bà luôn đặt tâm huyết, mong muốn đưa tiếng đàn bay xa cũng như tạo ra một không gian cho những người yêu âm nhạc dân tộc có cơ hội được giao lưu, học hỏi.
Nhận thấy nhu cầu cần được học và lưu giữ những bản đờn của âm nhạc dân tộc, năm 1981, NGƯT Phạm Thúy Hoan đã thành lập CLB Tiếng hát Quê hương tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM. Điểm hẹn này thật sự sôi nổi khi mỗi sáng chủ nhật hằng tuần tiếng đàn tranh réo rắc cất lên.
NGƯT Phạm Thúy Hoan cống hiến cả đời cho CLB Tiếng hát quê hương
Trải qua hơn 40 năm hoạt động, CLB đã ươm mầm và chắp cánh cho nhiều tài năng âm nhạc với nhiều cái tên thành danh trong và ngoài nước trên con đường nghệ thuật như: NSƯT Hải Phượng, nghệ sĩ Uyên Trâm, nghệ sĩ Hải Yến,...
Từ khi thành lập CLB cho đến nay, NGƯT Phạm Thúy Hoan vẫn cố gắng duy trì tổ chức chương trình Liên hoan "Em yêu đàn tranh", tạo sân chơi cho các em nhỏ để giao lưu, học hỏi, đồng thời phối hợp với một số trường học các cấp trong thành phố đến trình diễn để kết nối, truyền ngọn lửa tình yêu âm nhạc dân tộc tới các thế hệ trẻ.
Bên cạnh công việc giảng dạy bà còn tích cực cống hiến, hăng say tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và viết sách cho đàn tranh, điều đó được bảo chứng qua nhiều tác phẩm như: "Dân ca soạn cho đàn tranh" (3 tập), "Ca khúc soạn cho đàn tranh" (4 tập), "Tiểu phẩm đàn tranh",… và bà là tác giả của nhiều nhạc phẩm dành cho đàn tranh như: "Tình ca xứ Huế", "Biến tấu - Lý chim quyên", "Biến tấu - Qua cầu gió bay", "Mùa thu quê hương",…
NGƯT Phạm Thuý Hoan cho biết bà đang hoàn chỉnh giáo trình giạng dạy đàn tranh bậc đại học để kỷ niệm tuổi 80 và bà sẽ dùng số tiền hỗ trợ của "Mai Vàng nhân ái" mua một đàn tranh tặng cho học trò trong CLB Tiếng hát quê hương đạt thành tích cao trong học tập.
NSƯT Trường Sơn dốc sức cho thế hệ trẻ
Một ngày trước khi chương trình "Mai Vàng nhân ái" đến thăm, NSƯT Trường Sơn được các con là NSƯT Tú Sương, NS Ngọc Nga, NS Lê Thanh Thảo, NS Điền Trung… tổ chức lễ mừng thọ 73 tuổi. "Hôm nay thì được "Mai Vàng nhân ái" đến thăm, còn hạnh phúc gì hơn" – ông phấn khởi.
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tiền hỗ trợ cho NSƯT Trường Sơn
Nhận món quà hỗ trợ của "Mai Vàng nhân ái", NSƯT Trường Sơn cho biết hiện nay sàn diễn bắt đầu khởi sắc sau đại dịch. Nhiều đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã chào đón khán giả trong điều kiện cho phép, ông hài lòng trước nỗ lực của các nghệ sĩ cải lương tuồng cổ của hai đơn vị: Minh Tơ và Huỳnh Long, để qua mỗi suất diễn, dù tuổi cao, sức yếu ông vẫn sẽ tiếp tục truyền nghề cho thế hệ diễn viên trẻ.
"Tôi cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động và Ngân hàng TMCP Nam Á, tôi mong sẽ có đủ sức khỏe, đền đáp khán giả đã yêu thương gia đình tôi bằng cách tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ diễn viên trẻ, để mỗi bài học hóa thân vào vai diễn khó, vũ đạo và võ thuật sẽ giúp các diễn viên trẻ thăng hoa trong nghệ thuật" – NSƯT Trường Sơn nói.
NSƯT Trường Sơn và vợ - NS Thanh Loan (em gái thứ 6 của cố NSND Thanh Tòng)
Là con rễ của cố nghệ sĩ Minh Tơ, NSƯT Trường Sơn lớn lên trong đoàn đồng ấu mang tên cha vợ và sau nay sát cánh cùng vợ là nghệ sĩ Thanh Loan, tiếp tục song hành với nhiều sở trường trong những tác phẩm sân khấu để đời như: "Tô Hiến Thành xử án", "Lưu Bị cầu hôn giang tả", "Bích Vân Cung kỳ án", "Câu thơ yên ngựa", "Đào Tam Xuân báo phu cừu"…
Ông còn là một đạo diễn mát tay, dàn dựng nhiều tác phẩm sân khấu cải lương tuồng cổ ca ngợi chiến công hào hùng của dân tộc và là người thầy đáng kính, truyền nghề có tâm cho nhiều diễn viên trẻ.
Các con gái của ông đều là diễn viên thành đạt, đoạt nhiều giải thưởng trong nghề nghiệp. Tất cả đều được ông dạy dỗ, dìu dắt và rèn giũa về mặt nhân cách, đạo đức của một gia đình có truyền thống nghệ thuật.
NSƯT Trường Sơn và vợ - NS Thanh Loan tỏng vở "Câu thơ yên ngựa"
Bình luận (0)