Sáng 2-6, chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm soạn giả Đăng Minh - một cây bút sáng tác kịch bản cải lương nổi tiếng, được khán giả mộ điệu yêu mến.
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao tiền hỗ trợ soạn giả Đăng Minh 5 triệu đồng.
Đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" (phải) trao tiền hỗ trợ soạn giả Đăng Minh.
Soạn giả Đăng Minh (sinh năm 1955) bắt đầu sáng tác từ năm 1977 tại Đoàn Văn công Tây Ninh lúc ông đang là kép chánh. Nhờ chung đoàn với tác giả Lương Nhứt Nương nên ông được cô giới thiệu gặp soạn giả Hoa Phượng. Từ đó, ông được soạn giả Hoa Phượng khuyến khích viết kịch bản.
Vốn là một nhà giáo cấp 2 môn Văn, Sử, Địa nên ông nhanh chóng tiếp cận và sáng tác kịch bản đầu tay "Tiếng trống thành Đại La" (năm 1979), được diễn tại Đoàn Cải lương Tây Ninh 2.
Năm 1981, khi về Đoàn Hương Mùa Thu, soạn giả Đăng Minh hăng hái viết bài ca cổ và chặp cải lương cho Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM. Sau đó, ông về Đoàn Long An, đến năm 1982 thì Đoàn Văn công Tây Ninh mời quay lại. Đây là thời điểm ông vừa sáng tác vừa biểu diễn.
Trong quá trình làm nghề, soạn giả Đăng Minh đã có nhiều cơ hội gặp gỡ nhiều soạn giả, đạo diễn thế hệ đi trước. Năm 1984, ông về công tác tại Đoàn Cải lương Trung Hiếu. Đây là giai đoạn nghề soạn giả của ông phát triển rực rỡ.
Soạn giả Đăng Minh được nhớ đến với những sáng tác nổi tiếng, từng đem lại doanh thu cao cho Đoàn Cải lương Trung Hiếu như: "Vụ án Mã Ngưu" (1987), "Đồng tiền đẫm máu" (1988), "Lệnh truy nã" (1989), "Duyên chị, tình em" (1990), "Tình không biên giới" (1990), "Vị ngọt cà na đắng" (2015, huy chương bạc Hội diễn Sân khấu toàn quốc), "Oan hồn", "Sống để yêu thường", "Lâu đài trên cát" (1990), "Tình sử hai vương triều" (2015, huy chương vàng), "Nỗi đau và năm tháng" (huy chương vàng, 1995), "Vượt qua tâm bão" (huy chương vàng, 2012)… Gần đây nhất, tại Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc 2018 ở Long An, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai gây chú ý với vở "Bão táp một vương triều" do ông viết kịch bản.
NSND Minh Vương và soạn giả Đăng Minh
Soạn giả Đăng Minh còn sáng tác kịch bản kịch nói: "Nghề nuôi quan", "Người chết trở về", "Hoàng đế Lê Đại Hành"", "Thần y Lê Hữu Trác", "Tử hình" (huy chương bạc, 2015)…, được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng để biểu diễn và tham dự liên hoan sân khấu toàn quốc.
Soạn giả Đăng Minh năm 18 tuổi
Theo soạn giả Đăng Minh, nghệ thuật cải lương không đơn giản chỉ là nguồn sống, là công việc mà còn là niềm đam mê lớn đối với ông. Trong quá trình sáng tác, ông luôn nghiên cứu, ấp ủ, cố gắng đổi mới, phát triển ý tưởng, cấu trúc, tiết tấu âm nhạc và cách xây dựng hình tượng nhân vật, bố trí không gian nhằm cho ra đời tác phẩm hội tụ đủ cả chất và hồn cải lương.
Soạn giả Đăng Minh (thứ hai từ trái sang) và các nghệ sĩ, đạo diễn sau khi diễn vở "Bão táp một vương triều" tại Đồng Nai
Soạn giả Đăng Minh cho rằng nhiều người trong đội ngũ trẻ hiện nay chưa có chuyên môn, hiểu biết sâu về nghệ thuật cải lương, nhất là lực lượng sáng tác. Ông mong muốn Hội Sân khấu TP HCM tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn ngắn hạn, bồi dưỡng thêm kiến thức cho các tác giả trẻ thích sáng tác cải lương nhằm nâng cao kiến thức, thực hiện các đợt sáng tác thực tiễn để họ có thêm chất liệu mới, sáng tạo các tác phẩm mới.
Hiện nay, soạn giả Đăng Minh vẫn miệt mài sáng tác kịch bản dài, kịch bản ngắn, chặp ca cảnh, bài tân cổ giao duyên cung cấp cho các nhà đài thực hiện việc quay hình.
Soạn giả Đăng Minh và NSƯT Mỹ Châu
Nhận được sự hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", soạn giả Đăng Minh cho rằng đây là niềm vui trong giai đoạn sàn diễn còn nhiều khó khăn.
"Cho tôi ghi nhận lại đây lời cảm ơn chân thành. "Mai Vàng nhân ái" từ đầu mùa đại dịch đến nay đã hỗ trợ rất kịp thời cho nhiều văn nghệ sĩ cả nước. Đáp lại tình cảm đó, tôi sẽ cố gắng sáng tác thật hay để đóng góp chút công sức cho sự nghiệp nghệ thuật nước nhà" - soạn giả Đăng Minh xúc động bày tỏ.
Bình luận (0)