Phim "Tà Năng Phan Dũng" khai thác thể loại sinh tồn trong hoàn cảnh khắc nghiệt sắp ra mắt khán giả được xem là tác phẩm Việt đầu tiên khai thác thể loại này. Bên cạnh đó, những phim về trinh thám, tội phạm pha lẫn kinh dị, giật gân như "Bằng chứng vô hình", "Song song" hay phim thể loại hài đen như "Tiệc trăng máu" cũng sẽ ra rạp phục vụ khán giả trong thời gian tới.
Thử nghiệm đầy áp lực
Phim "Bằng chứng vô hình" (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Việt hóa từ phim "Nhân chứng mù" của Hàn Quốc) sẽ ra rạp phục vụ khán giả từ ngày 10-7. Phim thuộc thể loại tội phạm, hình sự, ly kỳ khá hiếm được khai thác trên màn ảnh rộng Việt. Dốc sức cho tác phẩm điện ảnh thứ hai của mình sau "Thưa mẹ con đi", đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết: "Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2020, điện ảnh Việt chưa có nhiều phim khai thác thể loại tội phạm - ly kỳ. Vì vậy, tôi mong muốn góp thêm một màu sắc mới cho màn ảnh rộng cũng như mang đến cho khán giả món ăn tinh thần với nhiều cung bậc cảm xúc".
Thực tế, sau thất bại của tác phẩm Việt tiên phong khai thác thể loại hình sự, trinh thám trên màn ảnh rộng là "Ống kính sát nhân", thể loại này không được khai thác thêm. Có nhiều e ngại nhưng phần lớn vẫn là khó có thể tìm được kịch bản chặt chẽ, vượt được những tác phẩm cùng thể loại của nước ngoài mà vẫn giữ được "chất Việt".
Sau "Bằng chứng vô hình", khán giả Việt được thưởng thức một thử nghiệm thể loại hài đen với "Tiệc trăng máu" (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Việt hóa từ "Perfect Strangers" của Ý). "Tiệc trăng máu" dự kiến ra rạp ngày 28-8, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ tại buổi giới thiệu dự án phim rằng rất phấn khích khi là đạo diễn Việt đầu tiên làm thể loại này. Phim đậm chất châm biếm về mối quan hệ của con người trong thời đại số, thông qua câu chuyện một bữa tiệc của những người bạn thân tưởng như không có gì bí mật.
Khám phá thể loại ly kỳ, giật gân, tâm lý, phim "Song song" của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng kể câu chuyện về một phụ nữ phải tìm cách sửa chữa sai lầm của mình khi vô tình thay đổi quá khứ, khiến cuộc sống hiện tại đảo lộn. "Song song" dự kiến ra rạp vào tháng 9 và từ giữa tháng 10 là sự xuất hiện của "Tà Năng Phan Dũng" - tác phẩm Việt tiên phong thể loại sinh tồn, tâm lý, giật gân trên màn ảnh Việt. "Tôi chịu nhiều áp lực bởi thể loại phim này trên thế giới không mới. Khán giả đã được xem nhiều phim nước ngoài hay cùng thể loại. Vì thế, khi xem "Tà Năng Phan Dũng", chắc chắn họ sẽ có sự so sánh và nếu làm không tốt thì khó có thể chinh phục được khán giả. Tôi cùng ê-kíp đã nỗ lực hết mình cho phim và hy vọng sẽ chạm đến cảm xúc của khán giả" - đạo diễn Trần Hữu Tấn bày tỏ.
Nhiều người trong giới nhận định việc các nhà sản xuất Việt đồng loạt thực hiện phim thể loại khác biệt, thử nghiệm cái mới thay vì chăm chăm chạy theo xu hướng cũ là một tín hiệu vui. Vấn đề còn lại là tài năng của ê-kíp thực hiện đến mức nào để những dự án mang tính thể nghiệm này thành công.
Cảnh nhân vật ăn ếch sống trong phim “Tà Năng Phan Dũng” (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Phải nỗ lực gấp bội
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng cho biết kinh phí là bài toán lớn, ngày càng tăng đối với phim "Tà Năng Phan Dũng" của anh nhưng được nhà sản xuất chấp nhận vì thấy hiệu quả hình ảnh mang lại. Điểm mấu chốt của thể loại sinh tồn là phải chân thật mới truyền được cảm xúc đến khán giả nên không quay, dựng trong studio được. Sau khi khảo sát 6 lần, cả đoàn 120 người cùng trang thiết bị được vận chuyển đến Tà Năng Phan Dũng và di chuyển liên tục theo bối cảnh trong suốt 36 ngày quay. Diễn viên diễn thật 100% các cảnh, không có đóng thế, kể cả cảnh nam chính (do Huỳnh Thanh Trực đóng) ăn ếch sống. "Việc quản lý con người, bảo đảm an toàn cho cả đoàn trong khu vực rộng lớn là đầy thách thức. Cung đường này có đường mòn nhưng vẫn nguy hiểm với những ai không quen địa hình, dễ đi lạc. Nếu bất cẩn, không có chuẩn bị trước thì hậu quả khó lường" - đạo diễn Trần Hữu Tấn nói.
"Nhà sản xuất chọn thể loại "độc", lạ mang tính "năm ăn năm thua" bởi những thể loại này thường phiêu lưu và tốn kém so với kiểu làm phim thông thường. Họ cũng chưa thể nắm chắc khán giả sẽ phản ứng thế nào với tác phẩm của mình vì là bước thăm dò thị hiếu công chúng. Thách thức và mạo hiểm nên việc khai phá này đòi hỏi nhà sản xuất phải nỗ lực gấp bội để thuyết phục khán giả" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Theo nhà báo Cát Vũ, sáng tạo nhưng đòi hỏi phải đẹp, nhân văn và có thông điệp rõ ràng, chạm được cảm xúc người xem. Nếu không, phim dễ vấp phải tình trạng như phim "Bao giờ có yêu nhau" hay "Fan cuồng", "Lôi báo" gặp phải.
Mỗi thất bại luôn là bài học và với chất lượng, kinh nghiệm ngày càng nâng cao, điện ảnh Việt đang dần mở ra tia hy vọng vượt thoát tình trạng "một màu" hoặc chứng kiến sự bội thực đề tài dẫn đến thất bại thảm hại của nhiều thể loại, dòng phim như thời gian qua.
Không dễ thành công
Vài năm trở lại đây, một số đạo diễn như Victor Vũ, Charlie Nguyễn tìm cách khai phá thể loại "độc", lạ để "đổi vị" cho khán giả. Trong đó, đạo diễn Charlie Nguyễn làm phim "Fan cuồng" với vốn sản xuất 26 tỉ đồng vào năm 2016 nhưng doanh thu không như kỳ vọng. Nhiều tranh luận về nguyên nhân phim thất bại nhưng ý kiến được đồng thuận nhiều nhất vẫn là phim chưa có câu chuyện hấp dẫn, cuốn hút khán giả đại chúng do tập trung nhiều vào phong trào nhạc rock.
Đạo diễn Victor Vũ làm phim "Lôi báo" khai thác thể loại hành động, siêu anh hùng, giả tưởng với đề tài là đối đầu. Phim này thất bại doanh thu vì thiếu cảm xúc, kịch bản lỏng, nặng về sắp đặt, như nhận xét của giới chuyên môn. Phim "Người bất tử" cũng là một cách khai thác độc đáo, mới lạ về thế giới tâm linh, ma mị trên màn ảnh rộng Việt nhưng cách thể hiện cũng chưa đủ thuyết phục khán giả. Có thể thấy việc khai thác thể loại "độc", lạ để thành công không hề dễ dàng.
Bình luận (0)