"Từ thiện" là từ khóa đang gây nhiều tranh cãi khi những ví dụ điển hình liên quan đến từ thiện đang dần được phơi bày và câu chuyện đấu giá từ thiện góp phần tạo nên nghi ngại đó.
Không còn là chuyện nhỏ
Câu chuyện "nhà 82", "bác sĩ Khoa" chưa có hồi kết khi cơ quan điều tra vẫn đang làm việc để có kết luận. Tuy nhiên, câu chuyện về quyên góp từ thiện liên quan đến cá nhân riêng lẻ và quỹ từ thiện không còn là chuyện phiếm. Họa sĩ Thế Anh kể câu chuyện của chính mình về việc đóng góp từ thiện cho một quỹ và anh nhận ra "nếu không tự mình làm thì phải tuyệt đối tin tưởng vào nơi mình đóng góp để khỏi phải thất vọng". Bởi lẽ, bản thân anh đã từng thất vọng khi phát hiện đôi chuyện không vui từ việc chung tay cho quỹ từ thiện.
Họa sĩ Thế Anh kể, năm 2016, một phòng tranh (gallery) nơi anh cộng tác ngỏ ý muốn anh ủng hộ một bức tranh cho Quỹ Phẫu thuật nụ cười. Phiên đó, tranh của anh đấu giá được 6.000 USD. Sau đó, anh gặp người đồng sáng lập gallery nơi anh tặng tranh đấu giá làm từ thiện và tình cờ được biết "gallery ủng hộ quỹ 50%, có nghĩa rằng, hôm đó đấu giá thành công vài bức tranh thì gallery nghiễm nhiên đút túi hơn chục ngàn USD".
"Lại cũng là quỹ, nhưng là quỹ của tổ chức khác, năm nào cũng đều như vắt chanh kêu gọi họa sĩ ủng hộ tranh, mỗi đợt trung bình vài chục bức. Đấu giá không thắng thì cho vào kho làm nguồn tài nguyên. Nhưng sau đó có khách là bán và bán bao nhiêu tiền, sử dụng vào việc gì thì họa sĩ không biết" - anh kể thêm.
Cũng theo họa sĩ Thế Anh, trong các chương trình đấu giá luôn có các tay búa chim mồi, gõ để tăng bước giá, nếu không ai bỏ giá thì tác phẩm chưa được đấu giá, còn ai gõ hơn và trúng là "đúng quy trình". Thậm chí, chủ trì thường rêu rao có chị A, anh B đã bỏ giá trăm triệu đồng, thậm chí mua luôn... là chuyện thường ngày ở huyện nhưng đố ai tận mắt nhìn thấy cái sao kê chuyển khoản ngân hàng mặt ngang mũi dọc ra sao.
Về bản chất, "đấu giá từ thiện" là đấu giá tài sản, một hình thức bán tài sản công khai theo phương thức trả giá lên, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục bán đấu giá được quy định. Phương thức trả giá ở đây là từ thấp lên cao cho đến khi có người trả giá cao nhất. Chỉ khác là thay vì việc người tham gia đấu giá tài sản trả tiền mua tài sản với giá cao theo nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu lợi ích kinh doanh, thì nay họ sẵn sàng trả tiền mua tài sản với giá cao không chỉ vì nhu cầu cá nhân mà còn vì một mục đích cao cả đó là "làm từ thiện". Điều này sẽ tôn vinh tấm lòng cao cả của người mua và người bán trong giao dịch này.
Hoa hậu Khánh Vân với bức tranh được đấu giá để góp vào Quỹ Phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC
Nên có nghề làm từ thiện?
Một trong những vấn đề mấu chốt khiến việc quyên góp từ thiện ngày càng trở nên rối rắm là việc vận động quyên góp qua số tài khoản cá nhân. Họa sĩ Thế Anh đặt nghi vấn: "Một cá nhân như nghệ sĩ H., trong 22 ngày đã huy động được 14 tỉ đồng. Nếu một tổ chức mà kêu gọi từ thiện hằng ngày, hằng tuần, diễn ra bao nhiêu năm thì thử hỏi con số là bao nhiêu. Để minh bạch từ thiện, một số cá nhân, tổ chức đưa ra các bản sao kê thu chi... nhưng nói thật, nhìn vào như ma trận. Thậm chí, có mời kiểm toán thì cũng không dễ lần ra nổi với cách thức làm việc rất xuất quỷ nhập thần như một số quỹ hiện nay".
Đó là lý do nhiều ý kiến cho rằng biến tướng của hoạt động từ thiện chính là "nghề kinh doanh không khai báo thuế". Với nhiều người, pháp luật còn nhiều lỗ hổng và chế tài cho những sai phạm còn quá nhẹ. Như việc pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính về đấu giá từ 300.000 đồng đến 20 triệu đồng đối với những tài sản có giá trị hàng chục thậm trí hàng trăm hoặc hàng ngàn tỉ đồng vẫn chưa thỏa đáng và chưa đủ tính răn đe?
Tuy nhiên, cũng có một hướng giải quyết khác đang nhận được sự đồng tình của nhiều người, đó là đưa hoạt động từ thiện thành một nghề chuyên nghiệp.
Diễn viên Chi Bảo (Chủ tịch Quỹ Từ thiện Hiểu về Trái tim) khẳng định: "Từ thiện cần được làm như một nghề. Ở nước ngoài, các tổ chức từ thiện là một nghề đòi hỏi tiêu chuẩn rất khắt khe, lương bổng và chế độ đãi ngộ của CEO (giám đốc điều hành) không thua kém gì các CEO trong lĩnh vực khác. Họ nghĩ rằng: nếu bạn tài năng mang về thật nhiều tiền, nhiều chương trình hiệu quả thì bạn xứng đáng nhận được những phần thưởng để bạn có thể toàn tâm toàn ý cho công việc. Bạn có lợi nhưng xã hội có lợi hơn nhiều.
Còn ở ta thì khác, từ thiện là tự nguyện và không có cơ chế cho phép anh có lương cao. Vậy thì ta sẽ không huy động được nguồn nhân lực tốt cho lĩnh vực này. Chúng ta đâu thiếu tiền đóng góp, thậm chí là rất nhiều nhưng chúng ta không có đủ nguồn lực tốt để vận hành, phân phối và phát triển, để tạo ra nhiều chương trình hay, thiết thực, ý nghĩa. Đó là một sự lãng phí lớn".
"Xù" tiền đấu giá
Dư luận từng xôn xao và tỏ rõ sự bất bình về một cuộc "đấu giá từ thiện" với nhiều tài sản quý giá như bộ Tứ linh (long - lân - quy - phụng) có giá đấu khởi điểm là 40 tỉ đồng, chiếc trống đồng kỷ vật 1.000 năm Thăng Long được trả mua với giá thu về là 12 tỉ đồng, bức tranh đá quý có chữ ký của khoảng 80 thí sinh Miss Earth (Hoa hậu Trái đất) được trả với giá 3 tỉ đồng và viên đá rubi khổng lồ được trả với giá 11 tỉ đồng…. Cuộc đấu giá thu về tới 75 tỉ đồng nhưng không có cá nhân, đơn vị nào thực hiện việc mua và trả tiền như đã đề cập trong phiên đấu giá.
Bình luận (0)