Sau 2 suất diễn tại Nhà hát Quân đội (TP HCM) thu hút đông khán giả yêu nghệ thuật múa đương đại, vở "Đa thức" đã có kế hoạch lưu diễn tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, khởi đầu đầy thuận lợi cho một đơn vị xã hội hóa làm nghệ thuật múa đương đại dám mời biên đạo, nhạc sĩ phụ trách âm nhạc của nước ngoài dàn dựng chương trình.
Biên đạo múa Ross Mccormack và nhạc sĩ Jason Wright (đến từ New Zealand) cùng các diễn viên trong vở “Đa thức”
Cách dàn dựng mới
Cảm giác đầu tiên khi xem vở múa "Đa thức" chính là trí tưởng tượng phong phú mà biên đạo múa nổi tiếng Ross Mccormack (người New Zealand) và phần âm nhạc thu âm trực tiếp tại Đắk Lắk của nhạc sĩ Jason Wright mang lại cho tác phẩm. Họ cùng gặp gỡ và đồng cảm với 3 thành viên sáng lập H2Q ART để làm nên sự thành công tuyệt vời này.
Hạt nhân của vở "Đa thức" chính là ngôn ngữ cơ thể, yếu tố được biên đạo múa khai thác triệt để, xếp đặt vào không gian đa chiều với câu chuyện chồng chéo lên nhau, biến đổi không gian theo cách bố cục của ông.
Sự cuốn hút của vở "Đa thức" ở chỗ mỗi vũ công đã tìm cho mình một phương thức chuyển động và nhịp điệu riêng. Khi hội tụ họ tìm ra một phương thức chuyển động chung để đạt hiệu quả nghệ thuật.
Cái hay của biên đạo chính là không tạo ra bất kỳ khuôn mẫu nào cho suy ngẫm của khán giả. Mỗi người đến xem trong thời gian 120 phút đã tự điền vào tâm trí mình sự đa chiều, đa nghĩa trong vô số chuyển động. Vở không có cảnh trí, chỉ vỏn vẹn 7 tảng đá và những cây trượng gỗ dài 5 m như công cụ tế tụng, chia cắt không gian. Các vũ công liên tục điều khiển, kéo, đẩy lẫn nhau để tìm những kết nối trên tảng đá khi họ đứng lên, bưng bê, di chuyển và ôm đá vào lòng. Sức nặng được thể hiện qua cơ bắp, cơ mặt, nó giải mã được bài toán trong trí tưởng tượng của người xem về sự tranh giành quyền lực hòng chế ngự đá và gỗ trên sân khấu. Vở "Đa thức" đã phần nào tái hiện những bức bối trong đời sống, những dằn vặt của con người trước những giấc mơ chưa thành hiện thực, mà đá và gỗ là những thứ vần vũ trong vòng xoáy cuộc đời, đè nặng, ám ảnh lên con người.
"Vở múa đã đem lại một không gian hoàn toàn mới lạ dành cho những khán giả yêu nghệ thuật. Cùng với phần hình ảnh mãn nhãn, khán giả được đắm chìm trong âm hưởng nhạc dân tộc Việt Nam. Vở múa đương đại còn thể hiện sự quan sát và cảm nhận độc đáo về không gian, con người và nhịp điệu. Tôi cho rằng đây là cách để múa đương đại Việt Nam tiếp cận với cách dàn dựng mới từ biên đạo, nhạc sĩ nước ngoài" - NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc phấn khởi nói.
Cảnh trong vở múa đương đại “Đa thức”
Tạo dấu ấn đỉnh cao
Bộ ba: Bùi Ngọc Quân (Đoàn múa Les Ballets C de la B - Bỉ), Nguyễn Việt Hà (từng giảng dạy tại Trường Múa TP HCM) và Tạ Hồng Hoàng Anh (Nhà hát Tanzania der Pfalztheater Kaiserslautern - Đức) đều tốt nghiệp Trường Cao đẳng Múa Việt Nam và có thời gian làm việc tại các nhà hát, đoàn múa ở nhiều quốc gia châu Âu. Họ đã gặp nhau không chỉ cùng chung đam mê với nghệ thuật múa mà còn khát khao đưa bộ môn này tiếp cận với thế giới. Từ đó H2Q Art được hình thành trước hết là làm quen với công chúng Việt, sau đó kết nối nghệ sĩ Việt Nam với các vũ công đương đại thế giới. Các diễn viên tham gia là những tài năng được đánh giá cao từ những bộ môn hoàn toàn khác nhau như ballet, đương đại, hip hop, popping...: Lâm Tố Như, Vũ Ngọc Khải, Nguyễn Duy Thành, Nguyễn Thạch Sang, Nguyễn Quang Tư và Lâm Duy Phương.
NSND Tạ Minh Tâm nói: "Trên thực tế từ nhiều năm qua, Việt Nam đã có những tác phẩm múa độc lập, tuy vẫn chưa nhiều nhưng phần nào nói lên niềm tin công chúng yêu nghệ thuật múa hiểu rõ bộ môn này không chỉ để phụ họa cho ca sĩ trong các chương trình ca nhạc mà nó là tác phẩm đỉnh cao nếu được đầu tư chăm chút. Tôi đánh giá cao ý tưởng của các bạn làm nghệ thuật múa đương đại, qua cách dựng của đạo diễn, biên đạo nước ngoài đến Việt Nam, sẽ tạo nhiều cơ hội để bộ môn này phát triển và tỏa sáng".
Trên thực tế, qua những tác phẩm múa được dàn dựng độc lập như: "Sương sớm", "Mùa xuân thiêng liêng", "Nón"…, mong muốn của các nhà chuyên môn là múa phải tạo được sự chú ý cho khán giả. "Tôi đánh giá cao tài năng và sự truyền cảm hứng của đạo diễn nước ngoài đối với 6 diễn viên tài hoa của ngành múa Việt Nam. Tôi tin khi vở diễn ra TP Hà Nội, TP Đà Nẵng hoặc sẽ vươn tới các chuyến lưu diễn nước ngoài, họ sẽ tạo được dấu ấn cho múa đương đại Việt" - NSND Phạm Thị Thành nói. Bà cũng cho rằng ngành múa cần có những đổi mới trong phương thức hợp tác với các đạo diễn, biên đạo của các quốc gia có sự phát triển về nghệ thuật, để đúc kết kinh nghiệm cho vũ công, biên đạo Việt Nam.
Rất cần sáng tạo chuyên nghiệp
NSND Đặng Hùng cho rằng: "Lễ hội múa đương đại quốc tế X Position O", lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam tháng 11-2019, là cơ hội để những nghệ sĩ múa đương đại Việt được cọ xát, biểu diễn, vừa là nơi thể hiện mạnh mẽ tiếng nói của mình. Cái nhìn về nghệ sĩ múa trong đời sống nghệ thuật đang dần tích cực hơn. Nhờ những chương trình truyền hình: "Bước nhảy hoàn vũ", "Thử thách cùng bước nhảy"..., phong trào nhảy múa phát triển rộng khắp. Tuy nhiên, với múa đương đại nói riêng và các bộ môn nghệ thuật múa khác, rất cần có bàn tay đạo diễn, biên đạo chuyên nghiệp để giúp nghệ sĩ múa Việt khổ luyện, hướng đến các thành quả lớn hơn trên trường quốc tế".
Bình luận (0)