Đầu năm 2021, Văn Mai Hương trở lại showbiz Việt như một "hiện tượng" phủ sóng khắp mạng xã hội với màn cover ca khúc "Always remember us this way" của ca sĩ Lady Gaga.
Trào lưu cover nhạc
Cộng đồng người hâm mộ Lady Gaga tại Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Universal Music Group (UMG) - đơn vị nắm giữ bản quyền - về vấn đề Văn Mai Hương sử dụng ca khúc "Always remember us this way". Lý do khiến người hâm mộ Lady Gaga phản ứng gay gắt vì "thần tượng" của họ còn chưa đăng tải bất kỳ một video hát trực tiếp ca khúc này lên YouTube.
Văn Mai Hương (bìa phải) trong một lần biểu diễn. Cô bị cộng đồng người hâm mộ Lady Gaga tại Việt Nam phản ứng khi sử dụng một ca khúc nổi tiếng của Lady Gaga mà không xin phép (Ảnh: THANH HUY)
Trong khi đó, ở Việt Nam, "Always remember us this way" được Văn Mai Hương hát khắp nơi từ phòng trà ra quán bar, hết TP HCM lên tới Đà Lạt và cả trên sóng truyền hình cùng mạng xã hội. Thậm chí, bài này còn phát hành trên cả các nền tảng âm nhạc. Văn Mai Hương đã sử dụng bản hit (ca khúc ăn khách) của người khác biểu diễn trong những chương trình thương mại (tức có cát-sê), điều này là không công bằng.
Trước những phản ứng gay gắt của cư dân mạng, Văn Mai Hương chia sẻ rằng việc trả phí tác quyền thuộc về đơn vị tổ chức sự kiện nhưng nhiều đơn vị tổ chức lại cho rằng Văn Mai Hương tự chọn bài nên cô phải là người có trách nhiệm trả phí bản quyền. Sự việc chỉ tạm lắng khi Văn Mai Hương nhận lỗi "sơ suất không ghi người thể hiện ca khúc gốc, các clip trên YouTube không bật kiếm tiền và rất thích các bài hát của Lady Gaga".
Thực tế, ở showbiz Việt, lượng ca sĩ có thể cover nhạc ngoại chỉn chu chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Những giọng ca Việt để lại nhiều ấn tượng khi cover nhạc ngoại có thể kể như Uyên Linh, với các ca khúc "Shallow", "I will survive", "Portrait", "Falling", "All of me"... Soobin Hoàng Sơn với cover "Best Part" của Daniel Caesar. Hoàng Thùy Linh cover bản hit "Bye Bye Bye" của boy band ‘N Sync và "You drive me crazy" của Briney Spears. Đông Nhi cover bản "Wrecking Ball" của Miley Cyrus.
Gần đây, showbiz Việt còn rầm rộ với trào lưu cover nhạc Hoa và nhiều ca sĩ đã thu được ít nhiều "lãi" từ việc này. Ca sĩ trẻ Tăng Phúc có bài hit đạt vị trí Top 1 đầu tiên trong sự nghiệp với bản cover "Chỉ là không cùng nhau" (bài gốc: "Thời không sai lệch", sáng tác Ngải Thần), thu hút hơn 71 triệu lượt xem.
Hay ca sĩ Juky San trở nên nổi tiếng nhờ bản cover "Thiên hạ hữu tình nhân" (bài gốc nhạc phim "Thần điêu hiệp lữ", sáng tác: Châu Hoa Kiện). Ái Phương thì phát hành hẳn một loạt bản nhạc Hoa lời Việt. Lân Nhã cũng đạt được vị trí đỉnh cao với album nhạc Hoa.
"Ngẫu hứng cho vui" (!)
Trong thời buổi khó tìm bản hit như hiện nay thì việc cover ca khúc nhạc ngoại trở thành phương thức hữu hiệu của nhiều giọng ca. Lý do ca sĩ đưa ra cho hành động cover của mình là "quá thích ca khúc đó" và làm sản phẩm như cách để bày tỏ niềm yêu thích của bản thân.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi những ca khúc được ca sĩ Việt chọn cover thường là những bản hit được cả thế giới hay ít nhất là khu vực yêu thích. Ca khúc được hát nguyên bản hay Việt hóa xuất hiện tràn ngập, thậm chí làm cả MV nhưng thủ tục xin phép tác giả để chuyển ngữ, để cover thì hầu như bị bỏ qua.
Nhiều giọng ca khi được hỏi đã xác nhận việc cover rồi đăng trên YouTube "chỉ là làm cho vui, chứ liên lạc khó lắm và lâu nay hình như cũng chẳng ai liên hệ để xin". Ca sĩ Thái Quỳnh (giọng ca cover nổi tiếng) từng chia sẻ rằng "nước ngoài họ chẳng để ý chuyện này đâu" (?!).
Việc cover một bản nhạc nước ngoài mà chưa được sự cho phép của tác giả/đơn vị nắm bản quyền là sai với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Việc chuyển ngữ hay viết lời mới cho bản nhạc cũng vi phạm vì đó là tác phẩm phái sinh.
Theo quy định tại khoản 8 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009: Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn; Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định người làm tác phẩm phái sinh phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc, trừ trường hợp ngoại lệ là chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
Với việc tự dịch lời Việt để cover những bản nhạc ngoại mà nhiều bạn trẻ đang thực hiện và xem đó là "thích thì làm", "ngẫu hứng cho vui", theo các luật sư, là xâm phạm quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, có thể bị tác giả bản gốc hoặc đơn vị nắm bản quyền khởi kiện.
Bình luận (0)