Thời gian gần đây, giới trẻ lan truyền đoạn nhạc nền có lời lẽ phản cảm trên mạng xã hội Tik Tok với hastag #muachoconchieccongtay xuất hiện trên xu hướng nội dung nổi bật của mạng xã hội này. Nhiều người nghe nhạc rap nhận ra đây là lời bài "Censored" của rapper Chị Cả. Điều đáng nói, bài rap này mô tả trần trụi mối quan hệ có tính chất loạn luân giữa bố chồng và con dâu.
Giá của phản cảm
Khi ca khúc của rapper Chị Cả "Censored" nhận sự chỉ trích của khán giả, không chỉ có rapper Chị Cả lên tiếng xin lỗi mà Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cũng vào cuộc.
Theo đó, rapper Chị Cả bị xử phạt hành chính vì bài hát "Censored" có ca từ phản cảm, dung tục, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, với số tiền 35 triệu đồng. Thanh tra bộ cũng yêu cầu rapper này tiêu hủy bản ghi âm "Censored", nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do lưu hành bản ghi âm "Censored" trên mạng xã hội; đồng thời gỡ bản ghi âm "Censored" dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng, kỹ thuật số.
Rapper Chị Cả (tên thật Đinh Thanh Tùng) sáng tác bài rap "Censored" vào tháng 12-2018 - trước khi tham gia cuộc thi King of Rap. Dù vậy vào thời điểm đó, bài "Censored" vẫn gây tranh cãi ngay trong chính cộng đồng rap Việt. Chị Cả bị người nghe rap chỉ trích, rapper Devzxje cũng đăng đàn đánh giá thấp và thể hiện sự thất vọng với rapper này.
Rapper Chị Cả bị phạt 35 triệu đồng vì lời lẽ dung tục trong ca khúc của mình. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Trước đó, nhóm Rap Nhà Làm gây bức xúc dư luận khi phát hành bài Rap Thích Ca Mâu Chí có nội dung báng bổ đạo Phật, xuyên tạc hình ảnh của Đức Phật. Công chúng đồng loạt lên tiếng chỉ trích nhóm này. Trước sự phản ứng gay gắt của công chúng, nhóm Rap Nhà Làm lên tiếng xin lỗi.
"Chúng tôi thừa nhận rằng nhận thức của mình còn kém, từ đó gây ra hành động sai trái. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc. Cá nhân tôi cảm thấy rất biết ơn khi các thầy đã mở lòng từ bi tha thứ, chấp thuận lời xin lỗi của chúng tôi. Các thầy cũng đưa ra những lời chỉ dạy cần thiết và cho chúng tôi làm lễ sám hối" - Low G, đại diện nhóm Rap Nhà Làm, chia sẻ.
Thanh tra VH-TT-DL cũng đã xử phạt hành chính đối với nhóm Rap Nhà Làm vì hành vi lưu hành sản phẩm có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. Nhóm rapper chịu mức phạt 45 triệu đồng. Với mức phạt này, cộng đồng mạng chia thành 2 luồng ý kiến. Một bên thấy phạt như thế là tạm ổn nhưng bên kia cho rằng quá nhẹ, không đủ răn đe.
Mức phạt nào là đủ?
Trước tình trạng hiện nay nhiều sản phẩm có nội dung không đúng với thuần phong mỹ tục lan tràn trên mạng, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết sẽ đưa việc quản lý những sản phẩm nghệ thuật biểu diễn trên mạng trở thành một nội dung chính trong kế hoạch xây dựng Luật Nghệ thuật Biểu diễn của Bộ VH-TT-DL thời gian tới.
Theo chia sẻ của ông Tuấn, hiện mức phạt cao nhất với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình "xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo" là 50 triệu đồng và mức phạt với hành vi "sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội" là 40 triệu đồng. Đồng thời, cục cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét xử lý với những kênh đã đăng tải sản phẩm vi phạm, đề nghị gỡ bỏ những nội dung vi phạm.
Thực tế, mức phạt cho các hành vi vi phạm đều được quy định rất rõ. Nhưng rõ ràng, việc áp một khung giá cụ thể cho hành vi vi phạm không thỏa được nỗi thất vọng của nhiều khán giả khi chứng kiến sự ra đời của những ca khúc tục tĩu đến không tưởng này. Nhiều người đã cố biện minh rằng dòng nhạc rap luôn miêu tả trực diện, có phần thô kệch suy nghĩ, cái nhìn của người viết về cuộc sống xung quanh nên đôi khi trở nên cục mịch.
Thế nhưng, công chúng am hiểu âm nhạc đã phản bác: "Nhạc thời nào cũng phải có chất xám và văn hóa, không phải làm nhạc bẩn đi ngược lại thị hiếu rồi bảo do bạn là Underground (nhạc ngầm - PV). Nhạc chất lượng và nhạc chất thải khác nhau", "âm nhạc không thể bệnh hoạn, biến thái như thế. Đừng biện minh bằng tư duy "lời lẽ ma mị, châm biếm" thôi",….
Rap Việt đang trở lại với mùa 2 và nhiều rapper lần lượt ra mắt. Việc tạo tiếng vang một cách bất chấp để nổi tiếng đang là "bệ phóng" của nhiều người khi mạng xã hội quá đỗi nhiễu nhương như hiện tại. Chưa kể, nhiều rapper cho rằng "bản thân cá tính" và họ muốn sống thật với chính mình. Đó là lý do sự xuất hiện của những bài hát vượt qua giới hạn được phép về ca từ hay thậm chí dùng âm nhạc để chuyển tải một tư duy lệch lạc.
Như trường hợp của rapper MCK - một trong những thí sinh nổi bật của Rap Việt mùa 1. Không chỉ công khai thừa nhận là người nói câu nhạy cảm "Gu của anh là mẹ em" trong clip của Gonzo, MCK còn đăng một "status" trên trang cá nhân với ngôn từ dung tục để đáp trả những phản ứng dư luận. Sau những chỉ trích, nam rapper quyết định ẩn - mở - ẩn bài viết.
Điều đáng nói dưới những chia sẻ của MCK trên trang cá nhân, fan của nam rapper khen anh sống thật, "chất", đúng kiểu "dân chơi, hết mình", "Sống thế mới đúng là rap, mới chất, rapper là phải vậy, rapper nào mà chả nói tục chửi bậy", "Đối đầu vớt hater và anti-fan luôn, không phải sợ"…
Điều này khiến cho công chúng thực sự lo ngại là những hành vi đó dễ dàng sản sinh ra một thế hệ trẻ làm sai nhưng không biết. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh bày tỏ gay gắt: "Rap là một thể loại nhạc có xuất phát điểm từ đường phố ở Mỹ nên việc rap du nhập vào Việt Nam cũng mang nhiều rủi ro. Tiếc là rap lại được kích thích phát triển mạnh mẽ bởi những chương trình truyền hình thực tế. Điều này chắc chắn sẽ tạo nên những điều tệ hại". Và điều nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cảnh báo đã diễn ra.
Bình luận (0)