Nhiều đại biểu cho rằng ở nước ngoài, điện ảnh là đại sứ văn hóa nhưng điện ảnh Việt hiện tại chưa đáp ứng được điều này. Nhà lý luận phê bình Tô Hoàng nhận định: "Cái mới, cái lạ của đất nước Việt Nam trong phim hiện nay vẫn dừng ở mức các mặt hàng để tìm khách hàng mới. Tác giả của những bộ phim này vẫn còn là những người đi buôn nghèo vốn, gắng vét trong túi những đồng tiền ít ỏi để gồng mình thỏa mãn thị hiếu của thị trường phim ảnh thế giới. Chẳng lẽ cái lạ, cái mới để hấp dẫn người xem các nước về Việt Nam chỉ là những băng đảng chém giết nhau khiến máu tươi, máu khô nhuộm đỏ cả màn ảnh? Chẳng lẽ cái mới, cái lạ của Việt Nam được thể hiện ở cảnh vợ lớn mách vợ bé cách làm tình để đức ông chồng được thỏa mãn? Chẳng lẽ phim chúng ta chuyển thông điệp cho người xem năm châu bốn biển rằng vì tình mẫu tử, một người mẹ Việt Nam đã phô diễn mọi ngón võ trừng trị đối thủ từ trên ghe thuyền miền Tây qua các ngõ ngách Sài Gòn đến trong các toa xe lửa...".
Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, tác phẩm hợp tác công - tư từng mang lại giá trị nghệ thuật và lợi nhuận cho nhà đầu tư. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
PGS-TS Trần Thanh Hiệp - giảng viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - cho rằng phim Việt hiện tại mang đến sự giải trí bên ngoài nhưng cảm xúc tự hào dân tộc, hồn cốt quốc gia chưa có. Phim xem vui là chính, nhợt nhạt, thiếu bản sắc dân tộc và còn theo lối mòn những phim ăn khách nước ngoài.
Nhà báo, nhà phê bình Cát Vũ bày tỏ: "Nghe tham luận về điện ảnh Iran cảm thấy ngưỡng mộ họ. Điện ảnh của họ có kinh phí thấp nhưng luôn đậm đà bản sắc dân tộc, điều điện ảnh chúng ta rất thiếu".
Theo các đại biểu, xây dựng nét đặc trưng, lồng ghép bản sắc văn hóa, con người, đất nước trong điện ảnh Việt là nhiệm vụ cấp thiết của cơ quan quản lý. "Nhà nước đầu tư điện ảnh rất ít, gần như bỏ trống lĩnh vực này. Tư nhân không có trách nhiệm phải giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. Bởi nếu phim họ đầu tư không thu lãi, nhà nước cũng không bù đắp nên không thể ép buộc. Chúng ta phải có dòng phim chủ lưu bên cạnh các phim giải trí khác của tư nhân. Đây là trách nhiệm của nhà nước thông qua các tác phẩm đặt hàng" - biên kịch Đoàn Minh Tuấn khẳng định.
Tuy nhiên, nhà nước đầu tư thế nào, giữ vai trò chủ đạo thế nào... là câu chuyện không đơn giản. Việc minh bạch, hạn chế tiêu cực, đặt hàng đúng đơn vị, đúng đạo diễn để có được hiệu quả cao nhất đòi hỏi sự tỉnh táo từ phía cơ quan quản lý. Sự bấp bênh về chất lượng và độ thành công của những sản phẩm làm bằng vốn nhà nước gần đây là nỗi lo của người trong giới. Chính sách đầu tư sản xuất phim của nhà nước cần phải thay đổi, trước hết là từ Luật Điện ảnh, trong đó có quy định đấu thầu sản xuất tác phẩm điện ảnh do nhà nước tài trợ, đặt hàng, mọi thành phần kinh tế có năng lực đều được tham gia. Chỉ như thế mới có được nguồn phim tạo ra bằng ngân sách nhà nước có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nâng cao giá trị.
Bình luận (0)