Số lượng phim Việt ngày càng tăng nhưng chất lượng không "đuổi kịp" tốc độ phát triển đang là thực trạng đáng lo ngại hiện nay. Nhiều người trong giới cho rằng ngoài những nguyên nhân khách quan, phim Việt bị chê nhiều là do thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, giỏi nghề.
Chưa có tác phẩm chỉn chu
Từ đầu năm 2019 đến nay, khán giả được thưởng thức hơn 30 phim Việt nhưng số được công chúng quan tâm chỉ khoảng 10 phim. Đa phần các phim được khán giả bàn tán sôi nổi, đạt doanh thu cao tập trung ở giai đoạn nửa đầu năm 2019, gồm: "Hai Phượng", "Cua lại vợ bầu", "Trạng Quỳnh", "Lật mặt: Nhà có khách", "Vu quy đại náo"… Dù đạt doanh thu cao nhưng các phim này vẫn chưa được xem là tác phẩm chỉn chu. Phim "Hai Phượng" của đạo diễn Lê Văn Kiệt do Ngô Thanh Vân đóng chính, doanh thu hơn 200 tỉ đồng (tính cả thị trường trong nước và quốc tế), khá nhất về mặt chất lượng so với các phim trên, cũng bộc lộ nhiều yếu kém. Trong đó, "Hai Phượng" bị chê nhiều nhất là kịch bản thiếu thuyết phục, nhiều tình tiết vô lý, tình huống khiên cưỡng. Hàng loạt phim ngôn tình, học đường, kỳ ảo ra mắt gần đây thiếu sức hút như: "Thật tuyệt vời khi ở bên em", "Tìm chồng cho mẹ", "Cậu chủ ma cà rồng", "Siêu quậy có bầu", "Bắc kim thang", "Pháp sư mù"…
Giới chuyên môn lo lắng liên hoan phim Việt Nam sắp diễn ra khó tìm được tác phẩm xứng đáng nhận giải Bông sen vàng, vì trong số dự tranh giải đã ra rạp chưa thấy phim nào đạt chuẩn mực chỉn chu về chuyên môn, chưa nói đến nội dung chuyển tải. Nhiều người trong giới cho rằng nguyên nhân sâu xa khiến chất lượng phim Việt không ổn định, làm khán giả mất dần niềm tin là do nguồn nhân lực yếu kém. Điện ảnh Việt lâu nay rơi vào tình trạng thiếu nhân lực chuyên nghiệp, không đồng bộ được các khâu từ đạo diễn, biên kịch, quay phim, thiết kế mỹ thuật, hóa trang… Nguồn nhân lực yếu kém dẫn đến chất lượng phim không bảo đảm. Biên kịch Thanh Hương cho rằng một ê-kíp giỏi đồng bộ sẽ cho ra siêu phẩm và ngược lại. "Chúng ta thiếu nhân lực cả về chất và lượng ở nhiều khâu nên nếu muốn tăng số lượng phim, sẽ gặp không ít khó khăn. Lực lượng tay nghề cao đã kín lịch làm việc cả năm. Nguồn đào tạo trong nước hiện chưa có cơ sở nào đủ khiến nhà làm phim yên tâm sử dụng" - đạo diễn Võ Thanh Hòa xác định.
Cảnh trong phim “Hai Phượng” - một trong những phim ứng viên cho giải Bông sen vàng Liên hoan Phim Việt Nam sắp tới nhưng đầy lỗi chuyên môn. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Lực lượng như chiếc áo vá
Hiện tại, Việt Nam có 2 cơ sở đào tạo nhân lực điện ảnh chính quy là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Ngoài nguồn này, nhân lực điện ảnh Việt được bổ sung qua những khóa đào tạo ngắn hạn ở các công ty, trường tư nhân khác. Một số là du học sinh tự túc, sau khi tốt nghiệp trở về tham gia điện ảnh bên cạnh các nghệ sĩ Việt kiều hồi hương. Bên cạnh đó còn có từ những lĩnh vực nghệ thuật khác chuyển sang làm điện ảnh và nguồn nhân lực tay ngang, tự học nghề từ thực tiễn. Nhân lực điện ảnh như chiếc áo vá chằng vá đụp.
Theo số liệu thống kê của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, từ năm 2015 đến 2018, có 65 sinh viên Khoa Đạo diễn điện ảnh - truyền hình tốt nghiệp, 14 sinh viên Khoa Thiết kế mỹ thuật sân khấu - điện ảnh thuộc hệ cao đẳng tốt nghiệp, 21 sinh viên Khoa Quay phim thuộc hệ cao đẳng tốt nghiệp. Học về điện ảnh nhưng có thể trụ được với nghề sau khi ra trường hay không lại là chuyện khác. Số lượng ít ỏi trên lại tiếp tục giảm mạnh theo năm tháng do sự đào thải của nghề. Thị trường điện ảnh Việt phải chấp nhận một số lượng lớn tác phẩm đầu tay, tác phẩm làm vội theo thị hiếu hoặc tác phẩm nghệ thuật thực hiện nhiều năm mới có cơ hội ra rạp. Vì thế, chất lượng phim cứ "phập phù" theo ê-kíp thực hiện ra nó. Thậm chí, nhiều phim trong đó một cá nhân phải đảm nhận từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên cho đến nhà sản xuất, ôm đồm nhiều vai trò như vậy làm sao có thể tạo ra được tác phẩm hay?
"Một sản phẩm, nhất là sản phẩm văn hóa, được làm ra, yếu tố quan trọng nhất là con người rồi mới đến phương tiện. Vấn đề đào tạo nhân lực điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung của nước ta vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành. Số lượng người vì đam mê tự bỏ tiền du học không nhiều. Thêm vào đó, một mình họ du học cũng không ăn thua bởi những khâu khác không đồng bộ. Một ê-kíp thiếu đồng bộ sẽ khó có sản phẩm hay" - nhà báo Cát Vũ khẳng định.
Có nhiều giải pháp cho vấn đề nhân lực điện ảnh được đưa ra, như đưa sinh viên ra nước ngoài học tập, tương tự cách làm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan; đầu tư tốt vào trường đào tạo chính quy trong nước, mời chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy, liên kết với các công ty sản xuất tư nhân để giúp sinh viên vừa học vừa hành… Tuy nhiên, vẫn chưa thấy cơ quan quản lý tầm vĩ mô có sự chuyển biến tích cực cho vấn đề nguồn nhân lực điện ảnh.
Đưa ra nước ngoài đào tạo
Trong Quyết định 199/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt "Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện ảnh.
Đào tạo trong nước bảo đảm chất lượng và bảo đảm số lượng đào tạo chính quy đối với các ngành nghề chủ yếu: đạo diễn, nhà sản xuất phim, biên kịch, lý luận - phê bình, nhà phát hành phim, quay phim, thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật - công nghệ, họa sĩ hóa trang, diễn viên; mở thêm ngành đào tạo nhà sản xuất phim, nhà phát hành phim, họa sĩ hóa trang; thực hiện mô hình du học tại chỗ cho sinh viên điện ảnh.
Đào tạo chính quy dài hạn và tổ chức các lớp đi thực tập nâng cao tay nghề ngắn hạn ở nước ngoài. Bình quân mỗi năm đào tạo chính quy dài hạn 3-5 đạo diễn, 3-5 nhà sản xuất phim, 3-5 nhà phát hành phim, 3-5 biên kịch, 3-5 quay phim, 3-5 kỹ thuật - công nghệ; cử 1-2 đoàn đi thực tập nâng cao tay nghề cho 5-10 đạo diễn, 5-10 nhà sản xuất phim, 5-10 nhà phát hành phim, 5-10 biên kịch, 5-10 quay phim, 5-10 kỹ thuật - công nghệ, 3-5 họa sĩ hóa trang.
PGS-TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thông tin đến năm 2026, dự kiến Việt Nam đưa 930 tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, sang nước ngoài học tập. 12 tài năng đầu tiên đã được đưa đi, trong đó có 10 người đi Mỹ, 2 người đi Úc. Đề án này đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2016, bắt đầu thực hiện từ năm 2017, kinh phí chủ yếu lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)