Tiểu thuyết "Nàng tóc đỏ" của Orhan Pamuk (Thiên Nga dịch, Nhã Nam và NXB Dân Trí, 2020) có dung lượng không như các tiểu thuyết khác của cùng tác giả: "Tên tôi là Đỏ", "Tuyết", "Bảo tàng ngây thơ"… nhưng "Nàng tóc đỏ" không vì thế mà thiếu sức nặng của văn hóa, sự mê đắm trong cái đẹp cũng như những giằng xé Đông - Tây trong lòng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ XX.
Cuộc tìm kiếm câu trả lời tấn bi kịch
"Nàng tóc đỏ" là tác phẩm về mối quan hệ cha con. Một mối quan hệ phức tạp mà nhà phân tâm học Freud đã dùng tên nhân vật trong thần thoại Hy Lạp để đặt tên cho phức cảm đã trở thành điển phạm trong việc phân tích nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật: phức cảm Oedipus.
Nhưng Pamuk nhảy cóc qua Freud để đi tìm gặp Oedipus trong kịch của Sophocles (496-406 TCN). Ngay đề từ tác phẩm, nhà văn đã dẫn một câu thoại trong vở "Vua Oedipus" của kịch tác gia Hy Lạp cổ đại: "Oedipus: Biết tìm nơi đâu dấu vết của tội ác ngày xưa". Có thể xem toàn bộ cuốn tiểu thuyết là cuộc tìm kiếm câu trả lời trong mớ hỗn độn của "ngày xưa" đó.
Bìa sách “Nàng tóc đỏ”
Nhưng xưa đến đâu? Là thời xưa ở một nước Thổ của thế kỷ trước, có cậu thiếu niên học nghề đào giếng, sau trở thành một nhà thầu. Hay xưa như thần thoại Hy Lạp? Pamuk dường như trở lại nghệ thuật của những nhà vẽ tiểu họa trong cuốn tiểu thuyết "Tên tôi là Đỏ". Khi vạn vật đều bình đẳng, cậu chàng học việc đứng ngang hàng với người anh hùng huyền thoại. Tất cả đồng hiện, xoắn bện với nhau trong cùng một thực tại và trở thành niềm ám ảnh cả đời nhân vật chính. Anh thấy ở Oedipus một sự đồng cảm, một người bạn có thể hiểu được anh. Trong câu chuyện của anh lúc nào cũng có bóng hình của Oedipus, còn Nàng tóc đỏ hiện ra như một chất xúc tác để hoàn thành nốt tấn bi kịch, hay như ở đây ta có thể gọi là "lời tiên tri". Một lời tiên tri anh tự phán cho mình và càng muốn vượt qua nó, anh ngày càng sa vào nó.
Trong nhiều tiểu thuyết của Orhan Pamuk lúc nào cũng tồn tại một tội ác. Nhưng không có tội ác nào rõ ràng và dễ nhận diện, đoán định ngay từ sơ khởi như trong "Nàng tóc đỏ". Một tội ác kinh khủng, nhưng không cưỡng lại. "Nàng tóc đỏ" vì thế tinh gọn và mới mẻ theo nhiều lẽ, một trong số đó chính là việc chúng ta nhận ra trong bóng hình những câu chuyện quen thuộc của ông, có thể được kể lại theo một cách hoàn toàn khác.
Câu chuyện Đông - Tây
Nhưng "Nàng tóc đỏ" không chỉ có hình bóng Oedipus mà còn có Rostam, để cân bằng sự hiện diện của cả phương Đông và phương Tây trong các tác phẩm của Orhan Pamuk.
Rostam là vị anh hùng của thần thoại Ba Tư, nhân vật chính trong thiên sử thi "Shahnameh" của nhà thơ Ferdowsi (940-1020). Rostam có một người con trai mà bản thân ông cũng không biết, Sohrab. Trong một cuộc chiến, Rostam không nhận ra con và đã giết Sohrab.
Nếu Oedipus là câu chuyện con giết cha thì Rostam là câu chuyện cha giết con, trong sự "vô minh". Vậy thì, nếu tội ác sinh ra từ cái không biết thì liệu có thể tha thứ, hay chính xác hơn chính vì không biết mới sinh ra tội ác.
Bất chấp câu chuyện được kể lại theo một trình tự mạch lạc, "Nàng tóc đỏ" vẫn khiến ta trăn trở bởi sự bất lực của con người chống lại định mệnh. Rostam không phải là phản đề của Oedipus, nó là sự bổ sung toàn vẹn, chi phối tư tưởng của Pamuk trong tiểu thuyết này.
Hình ảnh chiếc giếng cũng trở đi trở lại như một ẩn dụ tăm tối của tìm kiếm, khám phá nội tâm của sâu xa và phức tạp của con người. Nó là nơi hai thầy trò đi tìm nguồn nước, là nơi khởi đầu cho tội ác đầu tiên và cũng là nơi phán xử tội ác đầu tiên đồng thời sinh ra tội ác thứ hai. Nó trở thành một thông đạo, gắn kết cả câu chuyện, để chúng nối với nhau trong sự xuyên suốt tưởng chừng bảng lảng mà vững chắc.
Cuốn tiểu thuyết này cũng theo cấu trúc xoay vòng và lặp lại. Khi ta tưởng đã đi đến cuối cuốn tiểu thuyết thực chất ta đang trở lại điểm xuất phát từ trang đầu tiên. Độc giả sẽ tự hỏi mình đang đọc câu chuyện do người cha kể hay đọc câu chuyện do người con "tiếm ngôi" cha để kể.
Một cuốn tiểu thuyết "quy hồi" các chủ đề mà tác giả đeo đuổi. Khi Đông và Tây đồng hiện trong một không gian, dù cách biệt về địa lý, thời gian, con người thuộc về văn minh phương Đông hay phương Tây vẫn "nhận mặt" nhau ở những tương đồng thuộc về phức cảm sâu thẳm nhất.
Nhà văn duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đoạt giải Nobel
Orhan Pamuk là nhà văn duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đoạt giải Nobel Văn học tính đến nay.
Có nhận định cho rằng giải Nobel là kết thúc sự nghiệp của một nhà văn, vì sau giải thưởng họ không viết hoặc không thể viết được tác phẩm nào hay như trước. Nhưng với Pamuk, ông đã chứng minh điều ngược lại qua "Nàng tóc đỏ". Đây cũng chỉ là cuốn tiểu thuyết thứ 10 của ông.
Ngay từ lúc cầm bút, những tác phẩm và phát ngôn của ông thường gây tranh cãi trong chính tổ quốc của mình. Bản thân ông từng bị những phần tử cực đoan đe dọa tính mạng.
Từ lâu, các tác phẩm của Pamuk đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết được đánh giá cao của ông: "Tên tôi là Đỏ"
Bình luận (0)